menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Trung

Khủng hoảng nợ tại Argentina gia tăng

Ngày 6/4/2020, chính phủ Argentina đã tuyên bố, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế và xã hội, họ đã quyết định hoãn trả khoản nợ công tổng trị giá 10 tỷ USD năm 2021. Số liệu do Cục Thống kê và Điều tra Quốc gia Argentina cho thấy, đến cuối năm 2019, nợ nước ngoài của Argentina đã đạt 277 tỷ 648 triệu USD.

Để tránh rơi vào nguy cơ vỡ nợ, ngày 17/4, chính phủ Argentina đã đề xuất phương án thay thế nợ cho các chủ nợ trái phiếu có chủ quyền của Argentina. Theo đó, Argentina sẽ không trả bất kỳ khoản nợ nào trong ba năm tới, nhưng vào năm 2023 sẽ trả một mức lãi 0,5%, tương đương 300 triệu USD. Đồng thời, Argentina sẽ không tiếp nhận các khoản vay bên ngoài nữa để làm giảm nguy cơ gia tăng gánh nặng nợ công.

Tuy nhiên, Argentina đang đối diện tình trạng bế tắc sau khi các nhóm chủ nợ từ chối đề xuất của chính phủ về cơ cấu lại khoản nợ này.

Trước đó, các nhóm chủ nợ Exchange Bondholders, Ad Hoc và Argentina Creditor Committee đã từ chối đề xuất mới nhất của Argentina về việc tái cấu trúc khoản nợ trên vì cho rằng những gì mà Buenos Aires đưa ra là chưa đủ để họ chấp nhận. Sau đó các chủ nợ đã phản hồi bằng một đề xuất mới, theo đó họ muốn được thanh toán 56,6 USD cho mỗi 100 USD tiền vay, cao hơn so với mức 53,5 USD cho mỗi 100 USD mà Chính phủ Argentina đã chính thức trình lên Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ hồi đầu tháng.

Ngoài ra, Bộ Kinh tế Argentina cho biết các nhóm trái chủ đang yêu cầu Buenos Aires chi trả phí và các chi phí cho các nhà tư vấn của chủ nợ. Điều này sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho nền kinh tế Argentina vốn đang gặp nhiều khó khăn do bùng phát đại dịch Covid-19.

Giới chuyên gia cho rằng sự khác biệt nhận thức về mức thanh toán cho mỗi 100 USD tiền vay giữa Chính phủ Argentina và các chủ nợ trong bàn đàm phán nên được thu hẹp tại các cuộc đàm phán cuối cùng trước thời hạn ngày 4/8 nhằm tránh sự bế tắc.

Argentina được mệnh danh là “vua vỡ nợ” trên thị trường vốn quốc tế. Sau khi giành được độc lập vào năm 1816, nước này đã nhiều lần vỡ nợ hoặc tái cơ cấu nợ, lần gần đây nhất xảy ra vào năm 2014. Trước khi đề xuất tái cơ cấu nợ toàn diện, một loạt các tín hiệu báo động với một mức độ nhất định đã xuất hiện báo hiệu kết cục này.

Cách đây không lâu, “Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới” do IMF công bố đã dự đoán rằng nền kinh tế của Argentina sẽ giảm 5,7% vào năm 2020. Các chuyên gia cho rằng do chính phủ Argentina theo đuổi các chính sách hy sinh phát triển kinh tế để chống lại dịch bệnh Covid-19, một loạt các vấn đề về việc làm, xuất khẩu và nợ nần ở Argentina đã dần trở nên nổi bật, khiến triển vọng phát triển kinh tế rất đáng lo ngại.

Ngoài ra, chi tiêu lớn của chính phủ, thâm hụt ngân sách tăng mạnh và khoản vay lớn bên ngoài là những nguyên nhân quan trọng khiến khủng hoảng nợ lặp đi lặp lại ở Argentina. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều rủi ro chồng chéo lẫn nhau: trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, vốn quốc tế đã chảy ra đáng kể, thị trường tài chính Argentina và tỷ giá hối đoái đồng peso xấu đi, mức dự trữ ngoại hối tiếp tục bị thu hẹp… Do đó, sự tác động của dịch bệnh trở thành nhân tố cuối cùng nhấn chìm kinh tế Argentina trong cuộc khủng hoảng lần này.

Không chỉ Argentina, tình hình kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên tồi tệ dưới sự tấn công của dịch bệnh. Báo cáo của IMF ngày 14/4 dự đoán rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm gần 5% vào năm 2020, đây sẽ là mức suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng vào những năm 1930.

Trong bối cảnh đó, tình hình nợ của các thị trường mới nổi rất đáng lo ngại, tình hình dịch bệnh có thể gây nên cuộc khủng hoảng nợ của các thị trường mới nổi. Hiện nay, các nền kinh tế mới nổi đang sở hữu khối nợ hơn 8.400 tỷ USD bằng các loại ngoại tệ, tương đương 30% GDP của khu vực này. Trong đó, ít nhất 730 tỷ USD nợ sẽ đến hạn trong năm nay. Điều này làm dấy lên lo ngại tình trạng vỡ nợ gia tăng, nhất là khi đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi đang yếu đi so với USD, quỹ dự trữ ngoại hối chịu hao tổn vì tình hình kinh tế xuống dốc, tăng trưởng kinh tế chậm lại trên toàn cầu, kết hợp cùng gánh nặng chăm sóc y tế thời đại dịch và giá dầu thấp.

Theo dự báo của Công ty chứng khoán Industrial Securities, so với năm 2008, hiện tại khả năng đối phó với khủng hoảng của các thị trường mới nổi còn kém hơn. Nếu khả năng thanh toán bên ngoài chịu áp lực, nó có thể dẫn đến vỡ nợ có chủ quyền. Ngoài Argentina, Nam Phi cũng đã xuất hiện nguy cơ vỡ nợ chủ quyền do không đủ dự trữ ngoại hối.

Trong sáu tháng đến một năm tới, nguy cơ suy thoái và vỡ nợ ở các thị trường mới nổi sẽ tăng lên, điều này sẽ dẫn đến sự xáo trộn hơn nữa trên thị trường tài chính. Một nghiên cứu của Công ty chứng khoán Soochow Securities đã công bố kết luận cho thấy Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil có nguy cơ vỡ nợ cao nhất, tiếp theo là Italy và Hy Lạp trong khu vực đồng euro. Tại khu vực các nước châu Á mới nổi, ngoại trừ Indonesia, mức rủi ro vỡ nợ tương đối thấp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại