Khủng hoảng ngoại giao Hàn-Nhật: Bế tắc lối thoát
Việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc càng khoét sâu thêm cuộc tranh cãi kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai nước về vấn đề lao động cưỡng bức trong thời chiến. Tình cảnh này khiến khó hai bên khó thỏa hiệp hơn, đặc biệt là khi các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đang cần sự ủng hộ chính trị trong nước của họ.
Chiều 12-7, các quan chức thương mại Nhật-Hàn đã gặp nhau tại Tokyo để thảo luận về các hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao của Nhật sang Hàn Quốc. Một tuần trước đó, Nhật Bản đã áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu ba vật liệu photoresist (chất cản quang), hydrogen fluoride (chất ăn mòn được dùng trong khắc thủy tinh) và fluorine polyimide (một loại nhựa nhiệt dẻo) cho các công ty Hàn Quốc. Ba loại vật liệu này được sử dụng để sản xuất các linh kiện bán dẫn và màn hình cho các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh (smartphone) và tivi.
Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yun-mo xem động thái của Nhật Bản là nhằm trả đũa phán quyết của tòa án tối cao Hàn Quốc hồi năm ngoái buộc các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nguyên đơn Hàn Quốc bị họ cưỡng bức lao động tại các nhà máy và hầm mỏ trong thời kỳ phát xít Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên (1910-1945).
Tuy nhiên, sau cuộc gặp với các quan chức Nhật Bản ở Tokyo hôm 12-7, Lee Ho-hyeon, một quan chức thương mại Hàn Quốc, cho biết phía Nhật Bản giải thích rằng quyết định hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao là do “thiếu thảo luận song phương” và “những vụ việc sai trái” liên quan các vật liệu công nghệ cao xuất khẩu sang Hàn Quốc. Song các quan chức Nhật Bản không nói rõ những vụ việc sai trái này là gì. Lee Ho-hyeon cho biết các quan chức Nhật Bản cũng nhất quyết duy trì lập trường không đàm phán về các hạn chế thương mại đối với Hàn Quốc.
Hôm 11-7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các trợ lý của ông ám chỉ rằng một số vật liệu nhạy cảm của Nhật Bản bị chuyển trái phép từ Hàn Quốc sang Triều Tiên, vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng. Những vật liệu này có thể sử dụng để sản xuất vũ khí hóa học chẳng hạn như hydrogen fluoride có thể được sử dụng các chất độc thần kinh VX hoặc sarin.
Hàn Quốc ngay lập tức yêu cầu Nhật Bản rút lại các cáo buộc “vô căn cứ” và đề xuất Liên Hợp Quốc hoặc một cơ quan quốc tế khác mở cuộc điều tra về cáo buộc này của Nhật Bản.
Một quan chức Nhật Bản giấu tên nói rằng các hạn chế xuất khẩu vật liệu cao sang Hàn Quốc xuất phát từ một đợt thẩm định lại chính sách thương mại, chứ không phải nhằm trả đũa việc tòa án tối cao Hàn Quốc ra lệnh các công ty Nhật Bản bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động.
Tuy nhiên, hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Kinh tế Nhật Bản Hiroshige Seko nói rằng quyết định hạn chế xuất khẩu vật liệu cao là “hậu quả của việc Hàn Quốc không đưa ra các biện pháp thỏa đáng” để giải quyết các tranh cãi liên quan đến người Hàn Quốc bị cưỡng bức làm việc cho các công ty Nhật Bản trong thời chiến.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vật liệu công nghệ cao của Nhật Bản đang đặt ngành công nghệ bán dẫn Hàn Quốc vào tình thế nguy ngập và điều này sẽ tác động đến ngành công nghiệp chip toàn cầu.
Dù đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1965 nhưng quan hệ Hàn-Nhật chẳng mấy khi “cơm lành, canh ngọt” do các tranh cãi về các vấn đề lịch sử giữa hai nước vẫn kéo dài dai dẳng trong nhiều thập kỷ qua.
Nhiều người Hàn Quốc tin rằng Nhật Bản vẫn chưa thừa nhận đầy đủ trách nhiệm cho các tội ác mà binh sĩ phát xít Nhật gây ra trong thời kỳ chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Nhật Bản cho rằng vấn đề người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động đã được dàn xếp khi cả hai nước ký hiệp định bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1965.
Tuy nhiên, người dân Hàn Quốc nghi ngờ về tính hợp pháp của các thỏa thuận được ký kết giữa các chính phủ trước đây của hai nước. Dữ liệu khảo sát hôm 12-7 cho thấy 61% người dân Hàn Quốc đổ lỗi cho chính phủ Nhật Bản gây ra cuộc tranh cãi ngoại giao hiện nay giữa hai nước và 67% người Hàn Quốc sẵn sàng tẩy chay các sản phẩm Nhật Bản.
“Nếu Nhật Bản tìm cách gây cho Hàn Quốc một cú sốc và buộc Hàn Quốc phải thỏa hiệp, đó là một sai lầm”, Giáo sư danh dự Masao Okonogi ở Đại học Keio ở Tokyo, nói.
Ông cho rằng tinh thần chống Nhật Bản đang dâng cao ở Hàn Quốc càng khiến cho Tổng thống Moon Jae-in khó tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay giữa hai nước khi ông đang cần sự ủng hộ chính trị của người dân trong nước.
Trong khi đó, Nhật Bản đang tìm cách gác bỏ di sản chiến tranh. Thủ tướng Shinzo Abe và đảng cầm quyền Dân chủ Tự do đang vận động cho cuộc bầu cử Thượng viện vào ngày 21-7 tới. Ông cần một chiến thắng lớn, giúp kiểm soát 2/3 ghế tại Thượng viện để bảo đảm các sửa đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản do ông đề xuất sẽ được thông qua. Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản không cho phép nước này sử dụng chiến tranh để làm phương tiện giải quyết các xung đột quốc tế có liên quan đến Nhật Bản.
Một cuộc khảo sát của Mạng tin tức truyền hình Nhật Bản (JNN) trong tuần này cho thấy 58% cử tri Nhật Bản ủng hộ hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc. Các chuyên gia cho rằng Thủ tướng Shinzo Abe dường như tận dụng sự ủng hộ của nhóm cử tri bảo thủ của ông.
Andrew Horvat, giáo sư thỉnh giảng ở Đại học quốc tế Hosai (Nhật Bản) nhận định đối với ông Abe và ông Moon, việc chấp nhận thỏa hiệp để quyết tranh cãi hiện nay sẽ giúp họ trở thành những nhà chính khách đáng kính trọng nhưng điều này có thể khiến họ thất bại trong cuộc bầu cử tiếp theo.
Theo Reuters, AP
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận