menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bùi Duy Anh

Khủng hoảng ngân hàng Mỹ tác động tới tăng trưởng toàn cầu ra sao?

Cuộc hỗn loạn từ vụ sụp đổ ngân hàng ở Mỹ kéo theo dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, thậm chí ở kịch bản tồi tệ nhất là một cuộc khủng hoảng tài chính.

Tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng của Mỹ sau vụ ba ngân hàng lớn của nước này đồng loạt sụp đổ vào đầu tháng 3 vừa qua không chỉ là vấn đề của riêng xứ sở cờ hoa mà còn làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn cầu.

Thậm chí ngay trước khi Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) sụp đổ, nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay suy giảm đáng kể trong bối cảnh chi tiêu và đầu tư dự kiến sẽ giảm vì lãi suất leo thang.

Mặc dù các nhà kinh tế tin rằng một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện khó có thể xảy ra, song nhận định các rủi ro tăng cao đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu do cơn hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng và bóng ma thắt chặt tín dụng.

Những quan ngại trên hoàn toàn trái ngược với những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế thế giới vào đầu năm nay khi dữ liệu thống kê cho thấy tăng trưởng đáng ngạc nhiên ở một số nước phương Tây và sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sau khi Bắc Kinh từ bỏ chính sách "zero-Covid-19”.

“Đây có thể là thời điểm khá nguy hiểm đối với nền kinh tế thế giới” - Giáo sư Eswar Prasad của Đại học Cornell nhận định, đồng thời cho hay các vấn đề của ngành ngân hàng bên cạnh việc tăng lãi suất ở các nền kinh tế tiên tiến “có thể có tác động lan tỏa trên toàn cầu”.

Khủng hoảng ngân hàng Mỹ tác động tới tăng trưởng toàn cầu ra sao?

Cơn hỗn loạn ngân hàng ở Mỹ làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn cầu. (Ảnh: Reuters).

Tác động từ cơn hỗn loạn ngân hàng

Các nhà kinh tế cho biết, rủi ro trước mắt là các ngân hàng Mỹ có thể sẽ thắt chặt hơn việc cho các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ vay để đảm bảo bảng cân đối kế toán. Tuần rồi, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho rằng một kịch bản như trên “có khả năng khá thực tế” và "có một tác động kinh tế vĩ mô đáng kể”.

Việc Mỹ thắt chặt cho vay có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu, kìm hãm nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ của các quốc gia khác, chẳng hạn như nhu cầu về ô tô của Đức, du lịch của Pháp hay thiết bị điện tử do Trung Quốc sản xuất.

Hay nói rộng hơn, hệ thống thương mại và tài chính toàn cầu được củng cố bởi đồng USD. Điều đó có nghĩa các điều kiện tài chính thắt chặt hơn của Mỹ, chẳng hạn như cho vay ít hơn, chi phí đi vay cao hơn và giá cổ phiếu và các tài sản khác giảm đi, có thể nhanh chóng ảnh hưởng tới các nền kinh tế khác trên thế giới.

Đối mặt với chi phí tài trợ bằng đồng USD tăng cao, các ngân hàng bên ngoài nước Mỹ có thể hạn chế cho vay đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp trong nước, làm gia tăng các tác động xuyên biên giới do nhập khẩu từ Mỹ giảm. Trong khi đó, các chính phủ đang mắc nợ nhiều có thể khó đi vay hơn.

Một bài báo do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế kết hợp với Đại học Quốc gia Seoul công bố hồi tháng 1/2023 nhận định thương mại toàn cầu vô cùng nhạy cảm với những thay đổi về các điều kiện tài chính do đồng USD dẫn đầu. Bài báo cho rằng thương mại, vốn đóng vai trò quan trọng tới tăng trưởng toàn cầu, mở rộng khi đồng USD yếu đi và các điều kiện tài chính dễ dàng vì vốn lưu động rẻ cho phép các công ty mở rộng các chuỗi cung ứng.

Ngược lại, khi đồng USD mạnh lên hay các điều kiện tài chính thắt chặt thì tỷ trọng tăng trưởng thương mại giảm đi.

Khủng hoảng ngân hàng Mỹ tác động tới tăng trưởng toàn cầu ra sao?

Hệ thống thương mại và tài chính toàn cầu được củng cố bởi đồng USD. (Ảnh: Reuters).

Trong khi đó, báo cáo mới đây của các nhà kinh tế tại Citigroup đã đưa ra một số kịch bản tăng trưởng toàn cầu tùy thuộc vào mức độ tồi tệ của các vấn đề trong lĩnh vực tài chính hiện tại. Theo đó, các chuyên gia hy vọng các vấn đề đối với lĩnh vực ngân hàng sẽ được giải quyết vào mùa xuân này nhờ vào bảng cân đối kế toán lành mạnh và hành động nhanh chóng của các cơ quan quản lý.

Dù vậy, báo cáo dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 2,2% vào năm 2023 và 2,5% vào năm 2024, thấp hơn so với mức ước tính 3,2% vào năm 2022 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Báo cáo còn cảnh báo nếu những lo ngại về sức khỏe của ngành ngân hàng kéo dài sẽ làm căng thẳng chi phí và khả năng huy động vốn, từ đó khiến tăng trưởng tín dụng có thể bị đình trệ và tăng trưởng toàn cầu có thể chậm lại 1,6% trong năm nay.

Ở kịch bản thứ ba, nếu các ngân hàng thực hiện các động thái quyết liệt hơn nhằm giảm bớt các tài sản rủi ro thì khả năng sẽ làm cho tăng trưởng toàn cầu giảm xuống 1,6%, trong khi đó, một cuộc khủng hoảng tài chính gây ra bởi sự sụp đổ hàng loạt các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu có thể khiến nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm 2%.

Lý do cho những lo lắng về tăng trưởng

Lý do đằng sau cho những quan ngại về tốc độ tăng trưởng là ký ức về cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009. Sự thua lỗ đối với các khoản vay thế chấp ở Mỹ và các công cụ phái sinh liên quan đã gây ra tình trạng thắt chặt nguồn vốn khiến các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu sụp đổ, buộc các chính phủ phải vào cuộc giải cứu.

Khủng hoảng ngân hàng Mỹ tác động tới tăng trưởng toàn cầu ra sao?

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đã đồng ý mua lại đối thủ đang khủng hoảng Credit Suisse. (Ảnh: AP).

Tác động của cuộc khủng hoảng này là vô cùng rộng lớn. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2008 chỉ ở mức 2.1% và giảm sâu vào năm 2009 với mức âm 1.3%. Tỷ trọng thương mại toàn cầu giảm đến 18% trong giai đoạn từ cuối năm 2007 đến giữa năm 2009.

Dù vậy, các nhà kinh tế học mong rằng tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ hiện nay sẽ không quay lại kịch bản của cuộc khủng hoảng 14 năm về trước. Thực tế là, các ngân hàng ngày nay có tình trạng tài chính tốt hơn và các ngân hàng trung ương cũng như các nhà quản lý, vốn có kinh nghiệm trong việc xử lý những cuộc khủng hoảng, có hàng loạt các công cụ để ngăn một vụ sụp đổ ngân hàng riêng lẻ có thể gây ra sự sụp đổ của toàn hệ thống.

Đơn cử, trong những tuần vừa qua, chính quyền Mỹ đã đóng cửa cả SVB và ngân hàng Signature cũng như cam kết những người gửi tiền không bảo hiểm sẽ nhận lại tiền của mình. Đồng thời, FED và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Anh, Nhật, Châu Âu,... đã chuyển việc thực hiện các giao dịch hoán đổi tiền tệ từ hàng tuần sang hàng ngày.

Tương tự, chính quyền Thụy Sĩ đã thúc đẩy UBS Group tiếp quản đối thủ đang gặp khó khăn là Credit Suisse Group để củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại