Khủng hoảng năng lượng thay đổi trật tự kinh tế châu Âu
Các quốc gia châu Âu đang phải tìm kiếm những nguồn cung năng lượng mới thay thế Nga trong bối cảnh chiến dịch quân sự tại Ukraine chưa có hồi kết.
Sau khi Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine và ngày 24/02, Claudio Descalzi, CEO tập đoàn năng lượng Eni của Italy cũng nhanh chóng thực hiện chuyến thăm tới các nhà cung cấp khí đốt ở châu Phi. Trong chuyến thăm này, ông cũng gặp gỡ các quan chức ở Algeria, tham gia đàm phán ở Angola, Ai Cập và Cộng hoà Congo vào tháng 3. Tập đoàn Eni, do chính phủ kiểm soát, và Italy đã có thể tận dụng mối quan hệ hiện tại với các quốc gia này để đảm bảo có thêm khí đốt, thay thế cho một lượng lớn nhiên liệu mà nước này lâu nay vẫn mua từ Nga.
Đây là một sự thích nghi nhanh chóng mà nhiều quốc gia châu Âu đã không thể thực hiện khi chiến dịch quân sự tại Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin đẩy lục địa này vào khủng hoảng thiếu hụt năng lượng.
Đức, một cường quốc kinh tế của châu Âu, lại hoàn toàn không có sự chuẩn bị như vậy. Quốc gia này đang trên bờ vực suy thoái. Họ đang chuẩn bị cho việc sử dụng luân phiên khí đốt và năng lượng trong ngành công nghiệp. Họ cũng vừa quốc hữu hoá một tập đoàn điện lớn.
Trong khi đó, Italy, một quốc gia quá quen với các cuộc khủng hoảng kinh tế, lại có vẻ tương đối kiên cường. Họ đã đảm bảo được nguồn cung khí đốt bổ sung và tự tin rằng họ sẽ không phải sử dụng luân phiên nhiên liệu. Chính phủ nước này vẫn đang tự hào là quốc gia tốt nhất châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng.
Hai quốc gia này rõ ràng đang ở trong những tình thế trái ngược nhau khi cuộc khủng hoảng năng lượng càn quét khắp châu Âu, một lục địa vốn phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt của Nga. Phần lớn khu vực này phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu trong mùa đông tới, mà bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Đức, Hungary và Áo. Các quốc gia ít bị ảnh hưởng hơn là Pháp, Thuỵ Điển, Anh và Italy.
Martijn Murphy, chuyên gia dầu khí tại công ty nghiên cứu Wood Mackenzie, cho biết mặc dù Italy từ lâu coi Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của mình, nhưng việc họ ngày càng đa dạng hoá về nguồn cung cũng như có mối quan hệ lâu dài với châu Phi đồng nghĩa nước này có vị thế tốt hơn các nước khác khi đối phó với nguy cơ Nga dừng cấp khí đốt.
“Eni có quan hệ rất chặt chẽ với tất cả quốc gia mà họ hợp tác ở Bắc Phi cũng như có mặt ở cả Algeria, Tunisia, Libya và Ai Cập. Ở hầu hết quốc gia này, Eni là nhà đầu tư thượng nguồn đồng thời là nhà sản xuất dầu quốc tế lớn nhất”, ông Murphy cho hay.
Bộ Kinh tế Đức cho biết họ muốn thoát khỏi cảnh nhập khẩu khí đốt của Nga càng nhanh càng tốt, đồng thời đa dạng hoá nguồn cung. Tuy nhiên, Đức hiện không có cảng dành cho khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) trong khi Italy có đến 3 nhà máy đang hoạt động, chưa kể hai cảng khác vừa mua gần đây.
Cuộc khủng hoảng điện do chiến sự ở Ukraine gây ra đang đẩy chính phủ các nước vào nguy cơ bị phụ thuộc quá nhiều vào một nhà hoặc một khu vực cung cấp khí đốt. Việc này tương tự như cuộc khủng hoảng năng lượng vào những năm 1970, thứ đã khiến phương Tây phải suy nghĩ lại về sự phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Quốc. Thay đổi này sau đó đã thúc đẩy hoạt động thăm dò và tìm kiếm nguồn cung nhiên liệu thay thế như Venezuela và Mexico.
Italy tiêu thụ 29 tỷ mét khối (bcm) khí đốt của Nga trong năm 2021, chiếm khoảng 40% tổng lượng nhập khẩu của nước này. Họ đang dần thay thế khoảng 10.5 bcm trong số đó bằng cách tăng nhập khẩu từ các nước khác bắt đầu mùa đông năm nay, theo Eni.
Hầu hết lượng khí đốt bổ sung sẽ đến từ Algeria. Ngày 21/09, quốc gia này cho biết sẽ tăng tổng lượng hàng giao tới Italy gần 20% lên 25.2 bcm trong năm nay. Điều này có nghĩa là Algeria sẽ trở thành nước cung cấp khí đốt hàng đầu của Italy, chiếm khoảng 35% tổng nhập khẩu. Cùng với đó, nguồn cung từ Nga giảm xuống mức rất thấp, ông Descalzi cho hay.
Từ mùa xuân năm 2023, Italy sẽ tăng cường nhập khẩu LNG từ các quốc gia như Ai Cập, Qatar, Congo, Nigeria và Angola, cho phép nước này có thể thay thế 4 bcm khí đốt nhập từ Nga, Eni tiết lộ.
Còn Đức nhập khẩu 58 bcm khí đốt của Nga trong năm ngoái, chiếm 58% lượng tiêu thụ. Nhập khẩu khí đốt của nước này thông qua hệ thống đường ống Nord Stream 1 giảm đáng kể từ tháng 6 và tạm dừng từ tháng 8. Vì không thể đảm bảo đủ nguồn cung thay thế dài hạn từ các nước khác cũng như thiếu một công ty dầu khí quốc gia có hoạt động sản xuất ở nước ngoài, Đức buộc phải mua hàng trên thị trường giao ngay, nơi họ phải trả mức giá gấp 8 lần so với một năm trước để mua được khí đốt.
Quan chức và giới doanh nghiệp Đức đã có những tính toán sai lầm trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Nga sáp nhập Crimea.
Trở lại năm 2006, Italy là quốc gia nhanh nhất trong việc tiếp cận với nguồn cung khí đốt của Nga. Khi đó, Eni, với tư cách là nhà nhập khẩu khí đốt lớn của nước này, đã ký thoả thuận khí đốt lớn nhất từ trước đến nay (đối với một công ty châu Âu) với tập đoàn dầu khí Gazprom thuộc sở hữu của chính phủ Nga.
Nhưng trong 8 năm qua, hai quốc gia đã có những bước đi khác biệt: Đức tăng nhập khí đốt của Nga hai lần và ngày càng phụ thuộc vào nó, trong khi Italy tìm cách bảo vệ vị thế của mình. Italy bắt đầu lập lộ trình khác từ năm 2014 khi nước này thay chính quyền mới, thay thế ông Silvio Berlusconi cũng là người bạn lâu năm của Putin, và ông Descalzi lên lãnh đạo Eni, theo các nguồn thạo tin.
Là một chuyên gia về thăm dò dầu khí và đã giám sát các dự án ở những nơi như Libya, Nigeria và Congo, ông Descalzi tập trung thai thác nguồn nhiên liệu ở châu Phi.
Thành công lớn mà ông đạt được là ở Ai Cập vào năm 2015 khi Eni phát hiện ra mỏ khí đốt lớn nhất Biển Địa Trung Hải, Zohr. Theo các nguồn tin, ông Descalzi đã thúc đẩy tiến độ dự án để Eni có thể bắt đầu sản xuất khí đốt tại Zohr trong vòng chưa đầy hai năm rưỡi.
Còn tại Algeria, nơi Eni có mặt từ năm 1981, công ty đã đạt được thoả thuận vào năm 2019 để gia hạn hợp đồng nhập khẩu khí đốt đến năm 2027.
Việc Nga sáp nhập Crimean vào năm 2014 cùng các lệnh trừng phạt theo sau đó của phương Tây là một bước ngoặt đối với cả Đức và Italy.
Rome rút lại khoản hỗ trợ cho dự án South Stream trị giá 40 tỷ USD của Gazprom. Dự án này nhằm vận chuyển khí đốt từ Nga đến Hungary, Áo và Italy mà không đi qua Ukraine. South Stream đã bị Eni bỏ rơi vào cuối năm đó. Thay vào đó, Italy chuyển hướng sang xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí Trans Adriatic nhỏ hơn từ Azerbaijan qua Hy Lạp và Albania.
Trong khi đó, Đức không rút lại mối quan hệ của họ với Nga. Giám đốc điều hành Johannes Teyssen của E.ON khi đó, tự tin cho rằng: “Châu Âu và Nga đã xây dựng mối quan hệ hợp tác về năng lượng suốt 4 thập kỷ qua và sẽ không có chuyện một ngày nào đó khí đốt trở thành vũ khí chiến lược để họ sử dụng chống lại phương Tây”. Hơn nữa, năm 2015, Gazprom và các doanh nghiệp, gồm E.ON của Đức và Wintershall, đã ký kết một thoả thuận để thành lập một tập đoàn xây dựng đường ống Nord Stream 2.
Sau này, một ngày trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine, Klaus-Dieter Maubach, giám đốc điều hành của Uniper, nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất của Đức, vẫn gọi Gazprom là một nhà cung cấp đáng tin cậy. Nhưng sau này, chính ông đã phải thay đổi quan điểm của mình.
7 tháng sau, Uniper đang chuẩn bị kiện Gazprom về những thiệt hại do cắt giảm nguồn cung và đã được chính phủ Đức cứu trợ với số tiền 29 tỷ euro (28 tỷ USD). Nước này cũng đã đồng ý quốc hữu hoá Uniper vào tháng 9.
Đức đặt mục tiêu thay thế hoàn toàn nguồn cung khí đốt của Nga từ giữa năm 2024, mặc dù một số công ty, bao gồm nhà sản xuất điện hàng đầu RWE, cho rằng có thể họ phải mất nhiều thời gian hơn thế do nguồn cung thay thế khan hiếm và khối lượng khó mua.
“Chúng tôi đã phụ thuộc quá lâu và quá nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Niềm tin rằng Nga là một đối tác kinh tế đáng tin cậy ngay cả trong các cuộc khủng hoảng không còn đúng nữa”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói hồi tháng 6.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận