menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vương Nguyên Vũ

Khủng hoảng năng lượng luôn "ở rất gần" Trung Quốc

Theo tờ HK01 của Hong Kong (Trung Quốc), khủng hoảng năng lượng từng được cho là đã đi rất xa, nhưng gần đây lại tái hiện trên khắp toàn cầu, hơn nữa lại ở rất gần Trung Quốc.

Dưới sức ép biến đổi khí hậu toàn cầu, việc sử dụng năng lượng của thế giới bắt đầu chuyển đổi sang năng lượng mới trên quy mô lớn, năng lượng truyền thống bắt đầu trở thành năng lượng “lỗi thời”, “không thân thiện”, các tổ chức tài chính bắt đầu cắt giảm tài trợ vốn đối với các công ty năng lượng truyền thống và các công ty dầu mỏ bắt đầu chuyển sang phát triển năng lượng mới. Những thay đổi này đã phác họa triển vọng bi quan đối với lĩnh vực năng lượng truyền thống như dầu mỏ, than đá…, và việc giá dầu sụt giảm nên trở thành biểu hiện bình thường phù hợp với xu hướng nói trên.

Tuy nhiên, dưới tác động của một loạt nhân tố, giá dầu quốc tế lại tiếp tục đi lên. Từ tháng 12/2021 đến nay, giá dầu quốc tế gần như tăng một chiều, điển hình là giá dầu WTI (Mỹ) đã tăng từ mức 67 USD/thùng vào ngày 2/12/2021 lên 90 USD/thùng vào ngày 9/2/2022, ghi nhận biên độ tăng gần 33% trong 2 tháng. Trong cùng thời gian đó, giá dầu thô Brent cũng tăng đến 29%.

Điều cần nhấn mạnh là trong đợt tăng giá dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của toàn cầu lần này, bên cạnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhu cầu năng lượng tăng mạnh trong mùa Đông, thì nhân tố địa chính trị cũng đóng vai trò không hề nhỏ. Đặc biệt là lập trường đối lập giữa Nga và các nước phương Tây (Mỹ, châu Âu) về vấn đề Ukraine đã gây nên cú sốc khá lớn trên thị trường năng lượng toàn cầu. Đối với vấn đề Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nga đã sớm vạch ra lằn ranh đỏ, Ukraine gia nhập NATO đồng nghĩa với chiến tranh. Trong khi đó, Mỹ và NATO lại kiên trì cho rằng, Nga không thể quyết định việc Ukraine gia nhập NATO hay không

Mặc dù tổ chức nghiên cứu chiến lược độc lập Anbound đã sớm nhận định, Nga và phương Tây sẽ không khai chiến do vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, đối với thị trường năng lượng, tình hình địa chính trị căng thẳng đã làm trầm trọng hơn rủi ro của thị trường năng lượng, và điều này đã trở thành thực tế. Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cảnh báo, châu Âu đang đối diện với mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Lạnh đến nay.

Sự thiếu hụt khí đốt tự nhiên trùng hợp với tình hình căng thẳng Nga-Ukraine tiếp tục leo thang khiến cho vấn đề an ninh năng lượng được đưa trở lại chương trình nghị sự. EU đã ban hành quy định mới với mong muốn cải thiện dự trữ khí đốt tự nhiên, cho phép các nước thành viên phối hợp mua khí đốt tự nhiên để hình thành nguồn dự trữ chiến lược. Sự quan tâm của EU đối với các thỏa thuận cung ứng dài hạn cũng ngày càng lớn, các quan chức đang đàm phán với Azerbaijan, Qatar và Mỹ để có được nguồn cung bổ sung.

Khủng hoảng Nga-Ukraine kéo dài đã củng cố quyết tâm của EU đối với việc tăng cường an ninh năng lượng. Tuy nhiên, xuất phát từ thời gian cần có và nguồn lực đầu tư lớn để chuyển đổi nhiên liệu, xây dựng hệ thống đường ống hoặc các thiết bị đầu cuối LNG, nên sự thay đổi chỉ có thể diễn ra từng bước. Điều này đồng nghĩa với việc hạ thấp mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa EU và Nga về cung cầu năng lượng là điều không thể thực hiện trong ngắn hạn.

Theo Anbound, tình hình an ninh năng lượng toàn cầu diễn biến tiêu cực do nhân tố địa chính trị gây ra không chỉ tác động đến Nga và EU, mà Trung Quốc cũng đối diện với ảnh hưởng không thể xem nhẹ do cục diện cung-cầu năng lượng toàn cầu có sự thay đổi.

Trung Quốc là nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất toàn cầu, khối lượng nhập khẩu dầu thô và LNG đều đứng đầu thế giới. Theo số liệu sản xuất và nhập khẩu năng lượng do Cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố, năm 2021 Trung Quốc nhập khẩu 320 triệu tấn than đá, 512,98 triệu tấn dầu thô, 121,36 triệu tấn khí đốt tự nhiên (tăng 19,9% so với cùng kỳ). Xét từ góc độ phụ thuộc nhập khẩu, mức độ phụ thuộc nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá của Trung Quốc năm 2021 lần lượt là 72,1% (giảm 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ), 45,5% (tăng 3,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ) và 7,3% (tăng 0,05 điểm phần trăm so với cùng kỳ).

Mức độ phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đối với thị trường quốc tế cao như vậy đã lớn hơn nhiều sự phụ thuộc năng lượng của các nước EU đối với Nga. Sự phụ thuộc của Trung Quốc đối với nguồn cung năng lượng bên ngoài vừa thể hiện mối quan hệ cung cấp năng lượng giữa Trung Quốc và thị trường quốc tế, vừa là kênh rủi ro về khía cạnh an ninh năng lượng giữa Trung Quốc và thế giới. Trong bối cảnh thị trường năng lượng quốc tế mong manh như hiện nay, nếu xuất hiện xung đột địa chính trị tương đối cực đoan, cho dù các bên xung đột có liên quan đến Trung Quốc hay không, thì cú sốc của thị trường năng lượng đều lan tỏa đến Trung Quốc.

Với tư cách là “công xưởng thế giới” có lưu lượng vào và ra lớn trên khía cạnh năng lượng và tài nguyên khoáng sản, tất nhiên Trung Quốc nhận thức được tầm quan trọng của an ninh năng lượng. Trong “Quy hoạch 5 năm lần thứ 14” của Trung Quốc đã nhấn mạnh đến ba lĩnh vực an ninh kinh tế lớn mà Trung Quốc đối diện, bao gồm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh tài chính.

Trong số ba lĩnh vực an ninh kinh tế lớn nói trên, bảo đảm an ninh lương thực và an ninh tài chính chủ yếu thực hiện tốt các vấn đề trong nước. Tuy nhiên, chìa khóa của bảo đảm an ninh năng lượng lại không ở trong nước, mà nằm ở thị trường quốc tế. Do đó, Trung Quốc sẽ cần phải đầu tư nguồn lực quốc tế khá lớn để bảo đảm an ninh năng lượng cho sự phát triển của tương lai. Điều này cũng có nghĩa là vấn đề an ninh năng lượng sẽ là “điểm nhạy cảm” và điểm rủi ro tồn tại lâu dài của Trung Quốc, đồng thời cũng là “điểm đòn bẩy” địa chính trị rất dễ bị lợi dụng.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang nỗ lực xây dựng hệ thống an ninh năng lượng truyền thống. Ngày 4/2, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin, hợp đồng lớn về năng lượng giữa hai nước là nội dung hợp tác không thể thiếu. Các doanh nghiệp hai nước đã ký thỏa thuận mua bán khí đốt tự nhiên Trung-Nga ở vùng Viễn Đông. Đây là hợp đồng cung ứng dài hạn thứ hai về khí đốt tự nhiên mà hai nước ký kết, sau khi tuyến đường ống mới đi vào hoạt động, khối lượng khí đốt mà tập đoàn khí đốt tự nhiên Gazprom của Nga cung ứng cho Trung Quốc sẽ đạt 48 tỷ m3/năm.

Giá dầu mỏ và khí đốt tự nhiên thế giới tăng mạnh cho thấy quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu sẽ diễn ra lâu dài. Sự gia tăng cọ xát địa chính trị có thể sẽ dễ dàng kích hoạt những biến động dữ dội của thị trường năng lượng quốc tế. Là nước tiêu thụ năng lượng và nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, Trung Quốc luôn ở rất gần khủng hoảng năng lượng. Do đó, Trung Quốc cần phải dựa vào tâm thế cấp bách và lâu dài để ứng phó với sức ép khủng hoảng năng lượng lớn nhất toàn cầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả