Khủng hoảng năng lượng châu Âu, làn sóng công ty 'di cư' sang Mỹ sẽ lớn chưa từng thấy?
Dây chuyền lắp ráp tại nhà máy sản xuất đồ thủy tinh Duralex không hoạt động, các thiết bị công nghiệp khổng lồ đang nằm im lìm trong bóng tối tĩnh lặng.
Trước đây, vào một ngày bình thường, có tới 250 nhân viên làm việc suốt ngày đêm tại nhà máy này để sản xuất 200.000 các loại cốc và bát có độ bền cao.
Nhưng đầu tháng này, nhà máy ở Orléans đã tạm dừng hoạt động do chi phí sản xuất tăng vọt sau khi Nga giảm xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu. Điều đó khiến nhiều công nhân của họ phải nghỉ tạm thời.
Giá năng lượng tăng chóng mặt có thể phá vỡ hình ảnh của nhà sản xuất thủy tinh mang tính biểu tượng này — và làm thay đổi bối cảnh công nghiệp của châu Âu, khi các nhà hoạch định chính sách và nhà phân tích châu Âu ngày càng lo ngại rằng các doanh nghiệp có thể "khăn gói đồ đạc" để tới Mỹ lập nghiệp.
Guillaume Bourbon, Giám đốc mảng dự báo của Duralex, cho biết công ty đã phải tạm dừng sản xuất khi khí đốt tự nhiên chiếm tới 40% chi phí vận hành - từ mức thấp nhất là 4% chỉ trong vòng một năm trước.
"Thật là điên rồ đối với chúng tôi," ông nói trong một chuyến tham quan nhà máy. "Chúng tôi không thể trả nhiều tiền như vậy cho năng lượng. Đơn giản là không thể."
Bourbon cho biết Duralex, công ty xuất khẩu 80% sản phẩm ra nước ngoài, đã có nhiều thăng trầm kể từ khi thành lập vào năm 1945. Nhưng ông chưa bao giờ nghĩ tới cảnh này.
Ông nói rằng công ty đã đàm phán một hợp đồng năng lượng 3 năm thấp hơn nhiều bắt đầu từ ngày 1/4 tới và sẽ tiếp tục hoạt động. Nhưng các biến động khiến cho việc dự đoán chi phí kinh doanh vượt quá mức đó là điều không thể.
Các công ty trên khắp châu Âu đang bước vào chế độ "ngủ đông". Các nhà sản xuất phân bón sử dụng nhiều khí đốt gần như đã ngừng sản xuất. Nhà sản xuất thép ArcelorMittal đã tạm thời đóng cửa các nhà máy ở Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Ba Lan.
Đạo luật giảm lạm phát vừa được thông qua của Mỹ sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đối với việc này. Theo đó, đạo luật cung cấp 369 tỷ USD chi tiêu bao gồm các khoản trợ cấp để hỗ trợ các công ty đầu tư vào năng lượng tái tạo. Các ưu đãi, kết hợp với giá năng lượng rẻ hơn ở Mỹ, đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc di cư của các nhà sản xuất từ châu Âu sang Mỹ.
François-Régis Mouton, Giám đốc khu vực châu Âu tại Hiệp hội các nhà sản xuất dầu khí quốc tế cho biết: "Mối quan tâm của tôi với tư cách là một công dân châu Âu là những ngành này sẽ bị đóng cửa và sẽ không hoạt động trở lại".
Mouton cho rằng xung đột ở Ukraine và quyết định của Nga về việc chậm xuất khẩu khí đốt đã đẩy vấn đề tới mức nghiêm trọng. Ông nói rằng các nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu nên giảm bớt tham vọng chống biến đổi khí hậu và xem xét các nỗ lực hướng tới sự độc lập về năng lượng của châu Âu.
"Họ cứ nói rằng 'khí đốt hóa thạch, chúng ta phải loại bỏ khí đốt hóa thạch'. OK, chúng tôi đã loại bỏ nó rồi nhưng bây giờ thì chúng tôi sống sót kiểu gì đây?" ông nói. "Thay vì làm điều đó, họ có thể nói rằng nếu sản xuất khí đốt ở châu Âu và không phụ thuộc vào Nga thì sẽ tốt hơn. Hệ quả của việc này là sản xuất năng lượng trong nước đang giảm đi rất nhiều ở châu Âu. Bởi vì chúng tôi không đầu tư".
Thierry Bros, chuyên gia về năng lượng toàn cầu tại trường đại học Science Po ở Paris, cho biết EU đã loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong nỗ lực đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.
"Chúng tôi nói với ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch này rằng nó đã lỗi thời, rằng chúng tôi không cần nó," ông nói. "Nhưng suy cho cùng, nếu mọi người muốn sưởi ấm, nếu muốn nấu ăn, nếu ngành công nghiệp cần tiếp tục sản xuất, chúng ta vẫn cần nhiên liệu hóa thạch."
Sự trở lại của than đá
Các nhà lãnh đạo châu Âu nhận thức được tầm quan trọng của nhu cầu năng lượng để vượt qua mùa đông tới. Để lấp đầy khoảng trống từ việc cắt giảm khí đốt của Nga, một số quốc gia lại một lần nữa chuyển sang sử dụng than đá.
Năm ngoái, Đức đã cam kết loại bỏ than đá vào cuối thập kỷ này. Nhưng thay vì đóng cửa một số nhà máy nhiệt điện than vào cuối năm nay, thì 20 nhà máy đang được khôi phục - hoặc kéo dài thời gian trước khi đóng cửa - để đảm bảo đất nước có đủ năng lượng để vượt qua mùa đông.
Các nước châu Âu cũng đang tìm kiếm khí đốt cho mùa đông sắp tới. Phần lớn nhu cầu hiện tại của lục địa sẽ được đáp ứng bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ. Nhưng khối lượng này sẽ là không đủ, Bros cho hay.
Các công ty có thể rời đến Mỹ
"Khá nhiều trong số những ngành này sẽ không bao giờ xuất hiện lại ở châu Âu," Bros nói. "Các công ty sẽ nghĩ rằng: Dù sao thì cũng sẽ không bao giờ có đủ năng lượng để dùng, vậy tại sao lại phải sử dụng khí đốt ở châu Âu nếu nó đến từ Mỹ? Tốt hơn hết là nên đặt công ty ở Mỹ".
Ngày càng có nhiều lời bình luận về quá trình phi công nghiệp hóa sắp tới của châu Âu, kéo theo tình trạng thất nghiệp, thay đổi lối sống và có thể là bất ổn xã hội.
Các chuyên gia cho rằng các công ty châu Âu đóng cửa có thể chuyển hoạt động sang Mỹ, nơi năng lượng dồi dào và rẻ hơn nhiều.
Nhà kinh tế học và sử gia người Pháp Nicolas Baverez đã viết gần đây trên tạp chí Le Point: "Châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng công nghiệp, việc làm và nguồn vốn của họ tháo chạy sang Mỹ". Ông ước tính sẽ mất vài năm để bù đắp lượng khí đốt của Nga, và trong thời gian này, năng lượng sẽ bị hạn chế và rất đắt đỏ ở châu Âu.
Faice Le Saché, phát ngôn viên của hiệp hội doanh nghiệp lớn nhất Pháp, MEDEF, gọi khả năng mất doanh nghiệp vào tay Mỹ là "một thảm họa đối với nền kinh tế của châu Âu."
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận