Khủng hoảng Myanmar: Hàng chục nhà máy Trung Quốc bị đốt phá
Đã có gần 40 người chết trong các vụ đụng độ hôm 14/5 , một trong những ngày đẫm máu nhất kể từ khi quân đội làm đảo chính ở Myamar. 32 nhà máy có vốn đầu tư Trung Quốc bị đốt phá.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar nói với Hoàn cầu thời báo hôm 15/3 rằng 32 nhà máy do Trung Quốc đầu tư đã bị phá hoại trong các vụ tấn công ở Yangon, thiệt hại lên tới 36,89 triệu USD. Hai người Trung Quốc bị thương trong các vụ tấn công. Các doanh nhân Trung Quốc ở Yangon đang có kế hoạch tạm ngừng kinh doanh và cùng bảo vệ nhau sau các cuộc tấn công dữ dội hôm Chủ nhật. Chưa có vụ tấn công mới nào xảy ra sau khi “thiết quân luật” được ban bố tại các thị trấn nơi nhiều nhà máy bị phá hoại, một số người Trung Quốc ở khu vực cho biết.
Các con đường từ trung tâm thành phố Yangon đến Hlaing Thar Yar, một trong hai thị trấn có các nhà máy bị đốt phá, đã bị tê liệt một phần.
Một doanh nhân Trung Quốc ở Yangon nói với Hoàn cầu thời báo với điều kiện giấu tên rằng anh ta phải đi nhiều đường vòng vèo để đến được khu công nghiệp từ trung tâm thành phố.
Lu Tong, một công dân Trung Quốc ở Yangon, nói rằng anh ta phải ở lại khu công nghiệp Hlaing Thar Yar cho đến thời điểm sáng thứ Hai và không dám ra ngoài vì sợ đụng độ.
Lu nói quân đội Myanmar đã nắm quyền kiểm soát khu công nghiệp, nhưng không gửi quân đến bảo vệ các nhà máy của Trung Quốc.
Chính quyền quân sự Myanmar tuyên bố “thiết quân luật hoàn toàn” từ cuối ngày Chủ nhật tại một số khu vực của Yangon sau khi các nhà máy của Trung Quốc bị hư hại, Bloomberg đưa tin. Thiết quân luật có nghĩa là chỉ huy quân sự của khu vực Yangon được trao “toàn quyền hành chính và tư pháp” ở các quận áp dụng thiết quân luật, theo hãng truyền thông địa phương Myanmar Now.
Một nhân viên doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có trụ sở tại Yangon nói với Hoàn cầu thời báo rằng một số công ty sử dụng nhiều lao động trong thành phố hiện đang lên kế hoạch liên kết với nhau để tự bảo vệ mình và đang tích cực liên lạc với đại sứ quán.
Một doanh nhân ở Yangon, phụ trách hiệp hội thương mại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc ở Myanmar bày tỏ lo lắng sau khi một trong những công ty may mặc thuộc hiệp hội của ông bị đốt cháy.
“Tôi sợ rằng có thể có nhiều hoạt động bạo lực nghiêm trọng hơn,” ông nói và rằng những kẻ đốt phá dường như rất có tổ chức. Hơn nữa, người Trung Quốc ở Myanmar khó có thể liên lạc với nhau do tình trạng thiết quân luật và kết nối internet kém.
Ngày đẫm máu
Lực lượng an ninh Myanmar được nói là đã giết chết ít nhất 38 người hôm Chủ nhật. Thương vong nặng nề nhất là ở một khu công nghiệp ngoại ô của thành phố Yangon, nơi quân đội và cảnh sát đã nổ súng vào những người biểu tình, giết chết ít nhất 22 người, CNN dẫn theo nhóm vận động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP). Quận Hlaingthaya được mô tả là “như một bãi chiến trường”.
Và ít nhất 16 người đã thiệt mạng ở các khu vực khác hôm Chủ nhật, bao gồm thành phố Mandalay và Bago, nơi truyền thông nhà nước nói một cảnh sát đã chết vì vết thương ở ngực sau cuộc đối đầu với người biểu tình, theo tin của Reuters. Đây là cảnh sát thứ hai được nói là chết trong các cuộc biểu tình.
Theo AAPP, số người tử vong cuối tuần qua khiến số người chết kể từ ngày 1/2, thời điểm diễn ra cuộc đảo chính, lên tới ít nhất 126 người.
“Trung Quốc kêu gọi Myanmar thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn nữa để ngăn chặn mọi hành vi bạo lực, trừng phạt thủ phạm theo quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của các công ty và nhân viên Trung Quốc tại Myanmar”, đài CGTN dẫn tuyên bố của đại sứ quán.
Trong tuyên bố hôm Chủ nhật, Trung Quốc kêu gọi những người biểu tình ở Myanmar bày tỏ yêu cầu của họ một cách hợp pháp và không làm suy yếu quan hệ song phương với Trung Quốc.
CNN nói những người biểu tình thường xuyên nhắm vào đại sứ quán Trung Quốc ở Yangon và những người biểu tình cáo buộc Bắc Kinh ủng hộ cuộc đảo chính và chính quyền quân sự.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận