24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quốc Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khủng hoảng Mỹ- Iran: Những điều bạn muốn biết

Chiến tranh có lẽ sẽ không lập tức xảy ra dù xung đột đang leo thang. Vụ bắn phá mới đây của Iran có thể coi như đòn trả đũa đầu tiên, nhưng chỉ có mục đích xoa dịu dân chúng và khó lan rộng.

Gần đây, tình hình Trung Đông trở nên căng thẳng sau khi Mỹ tấn công làm thiệt mạng tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran. Để hiểu được căn nguyên sâu xa và lường trước được hậu quả của diễn biến này, chúng ta phải nhìn sâu vào lịch sử.

Chủ nghĩa Hồi giáo Shia

Iran ngày nay có tiền thân từ Đế quốc Ba Tư (Persia) rộng lớn và hùng mạnh. Xứ này vốn theo Bái Hỏa giáo (Zoroastrianism), thờ thần mặt trời, sau đó bị Hồi giáo đánh chiếm và đổi đạo, phần lớn dân chúng đi theo dòng Hồi Shia (hay còn gọi là Shiite), chiếm khoảng 10%, đối lập với dòng Hồi Sunni chiếm số đông trên toàn thế giới.

Năm 1953, Thủ tướng Iran lúc bấy giờ là ông Mohammad Mosaddegh quyết định quốc hữu hóa các công ty dầu mỏ của Anh khiến cường quốc này nổi giận. Khi Mosaddegh bày tỏ sự gắn kết với Đảng Cộng sản Iran, Anh đã hỗ trợ cho một cuộc chính biến lật đổ ông. Cuộc chính biến này đưa Pahlavi lên ngôi vua (shah), biến Iran từ một nước dân chủ thành quân chủ.

Vua Pahlavi dù có nhiều cải cách hiện đại hóa đất nước và thúc đẩy bình đẳng giới, nhưng bị coi là con rối của phương Tây, làm ô uế Hồi giáo vì thú ăn chơi xa hoa và việc ông thu hẹp quyền lực của các giáo sĩ Shia. Cuộc cách mạng Iran năm 1979 đưa đất nước từ chế độ quân chủ tồn tại hàng nghìn năm trở thành một đất nước theo chế độ thần quyền, nơi Thượng Đế là lãnh đạo tối cao và người dẫn dắt là các giáo chủ (Ayatollah), có nghĩa là “tín hiệu của Thượng Đế”.

Khủng hoảng Mỹ- Iran: Những điều bạn muốn biết

Cuộc cách mạng Iran và sự trỗi dậy của Hồi giáo dòng Shia nhanh chóng hình thành một thế lực chính trị, kinh tế và tôn giáo mạnh mẽ. Sự hùng mạnh của Hồi giáo Shia khiến Ả Rập Xê Út theo dòng Hồi Sunni lo lắng. Từ đó, việc tranh chấp ảnh hưởng giữa hai dòng Shia và Sunni trở nên căng thẳng hơn, cụ thể là giữa Ả Rập Xê Út và Iran.

Tướng Soleimani là ai?

Chủ nghĩa Hồi giáo Shia phát triển được đến như ngày hôm này có công sức rất lớn của tướng Soleimani. Ông là người trực tiếp đàm phán, đối thoại và lên kế hoạch chính trị - quân sự với rất nhiều chính quyền tại Trung Đông. Ví dụ, nhờ sự tích cực tham gia của ông mà Nga dốc sức giúp Syria đánh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Trong cuộc chiến này, Mỹ và Iran bắt tay nhau. Mỹ đánh IS trên không, tướng Soleimani tấn công IS trên mặt đất. Tuy nhiên, Mỹ tham chiến vì IS là khủng bố Hồi giáo. Iran lại tham chiến vì IS là khủng bố thuộc dòng Hồi giáo Sunni đối địch. Iran bảo vệ chính quyền Syria vì tổng thống nước này, ông Bashar al-Assad, theo dòng Shia. Cuộc chiến chống IS là cơ hội vàng để Iran đẩy mạnh tầm ảnh hưởng của mình tại Trung Đông.

Thành quả lớn nhất của tướng Soleimani là việc ông giúp gầy dựng nhiều tổ chức quân sự bán chuyên nghiệp (militia) tại các quốc gia có người Hồi Shia sinh sống. Trong đó có Lực lượng dân quân Iraq (PMF) với quân số lên đến hàng chục nghìn người, và các nhóm tương tự khác là Hezbollah (Li Băng) và Houthis (Yemen), tất cả đều ít nhiều có liên hệ với Tehran. Thông qua những cánh tay nối dài, Iran có thể xiển dương tư tưởng Hồi giáo Shia, mở rộng ảnh hưởng của mình ra khu vực.

Chính vì vậy, tướng Soleimani tuy là anh hùng của Iran nhưng cũng là cái gai trong mắt không ít người tại các nước lân cận. Tại Iraq, chính quyền hiện tại là dòng Hồi Shia, được cho là có quan hệ thân cận với Tehran. Trước khi ông Soleimani bị sát hại, từ cuối năm 2019 nhiều cuộc biểu tình nổ ra tại Iraq mà một trong những nguyên nhân chính là nhằm phản đối ảnh hưởng của Iran đến Baghdad. Chính quyền đã mạnh tay trấn áp khiến hơn 500 người thiệt mạng, theo thông kê chính thức.

Giả thuyết nguyên nhân Tổng thống Trump hạ sát tướng Soleimani

Hai nhà nước Iran và Ả Rập Xê Út có nhiều điểm tương đồng về tham vọng mở rộng ảnh hưởng tôn giáo và chính trị ở khu vực và mức độ nghi kị phương Tây, nhưng Mỹ lại “thân thiện” với Ả Rập Xê Út hơn.

Điều này thoạt đầu hơi khó hiểu vì những kẻ tấn công khủng bố Mỹ ngày 11.9.2001 là người Ả Rập Xê Út. Nhưng khi Mỹ vẫn làm ăn, bán vũ khí cho Ả Rập Xê Út mà lại cấm vận thương mại Iran thì một trong những nguyên nhân chính là chính quyền Iran công khai ghét Mỹ, còn chính quyền Ả Rập Xê Út lại là đồng minh thân cận. Những lời dọa nạt nước Mỹ đến từ chính miệng những người lãnh đạo Iran với tiềm lực hạt nhân, trong khi khủng bố có nguồn gốc Ả Rập Xê Út phần lớn đến từ các thành phần dân chúng cực đoan. Nước Mỹ cần bắt tay với chính quyền Ả Rập Xê Út để chống khủng bố, và ngược lại, chính quyền Ả Rập Xê Út dùng Mỹ như một lực lượng bảo hộ trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng tôn giáo với Iran và dòng Hồi Shia.

Khủng hoảng Mỹ- Iran: Những điều bạn muốn biết

Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải ngoại lệ, nhậm chức xong là công du Ả Rập Xê Út và ký hợp đồng bán vũ khí. Ông lập tức phủ nhận những tiến triển của quá trình phi hạt nhân tại Iran và đảo ngược lại các cố gắng hòa giải trước đó. Ngoài miệng, chính quyền Mỹ cáo buộc ông Soleimani đứng sau những âm mưu tấn công người Mỹ - dù không đưa ra bằng chứng cụ thể - để biện minh cho hành động loại trừ ông. Tuy nhiên, giới quan sát phán đoán ba lý do ngầm khác như sau:

Thứ nhất, ông Trump chơi lá bài truyền thông. Tất cả các bản tin hàng đầu của thế giới lập tức ngừng nói về việc ông bị quốc hội Mỹ luận tội và đổ nhào sang nói về diễn biến leo thang ở Trung Đông.

Thứ hai, ông Trump muốn được nhìn nhận là một tổng thống mạnh mẽ quyết đoán trong hành động. Điều này sẽ khiến một bộ phận cử tri tin tưởng rằng ông thực sự muốn bảo vệ lợi ích của người Mỹ, ai động vào người Mỹ là sẽ bị trừng phạt.

Thứ ba, việc ông công khai giết tướng Iran sẽ khiến kẻ thù của Iran là Israel “mở cờ trong bụng”. Có thể Trump muốn sự ủng hộ triệt để của những cử tri giàu có người Do thái tại Mỹ hơn chăng?

Tại sao Mỹ ở Iraq?

Như đã nói ở trên, chủ nghĩa Hồi giáo Sunni và Shia tranh giành ảnh hưởng, nhưng vụ khủng bố ngày 11.9 lại đến từ những kẻ khủng bố thuộc dòng Sunni và mang quốc tịch Ả Rập Xê Út. Để trả thù, Mỹ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, tuy nhiên không tiến đánh đồng minh Ả Rập Xê Út, mà lại đánh Iraq vì cho rằng chính quyền của nước này dưới thời Tổng thống Saddam Hussein tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Sau khi ông Saddam - theo dòng Sunni - bị lật đổ, cả Mỹ và Iran đều bắt đầu quá trình tranh giành ảnh hưởng tại đất nước này. Năm 2003, Mỹ đổ quân vào đây rồi rút đi vào năm 2011 do thấy tình trạng sa lầy. Đến năm 2014, Washington lại điều quân sang Iraq để đánh IS. Năm 2017, thì liên quân Mỹ - Iraq cơ bản tiêu diệt phần lớn sức mạnh của IS ở đây.

Sau khi IS cơ bản bị tiêu diệt, chính quyền Iraq trở lại với một tình thế lưỡng nan. Vì một bên là Mỹ - lực lượng góp phần thay đổi thành phần tôn giáo của chính quyền từ Hồi giáo Sunni thành Shia. Bên kia là Iran - người hùng láng giềng cũng giúp đánh IS và chia sẻ tinh thần tôn giáo Shia.

Phản ứng của Iraq?

Ngày tướng Soleimani thiệt mạng cũng là ngày lẽ ra sẽ diễn ra cuộc gặp giữa ông và nhà lãnh đạo Iraq để bàn về cách ứng phó với Ả Rập Xê Út. Ông bị giết, về lý thuyết, khi đang thực hiện trọng trách ngoại giao, với tư cách khách mời và đối tác của chính phủ Iraq, ngay trên lãnh thổ Iraq.

Chính vì vậy, rất nhiều người Iraq bàng hoàng và cảm thấy bị xúc phạm, nhất là khi bằng chứng cho việc ông Soleimani đang lên kế hoạch tấn công Mỹ không mấy rõ ràng. Trong nội bộ chính phủ Iraq, kể cả những người chống Iran cũng không thể ủng hộ hành động của Mỹ, vì như vậy có thể bị coi là phản bội tổ quốc. Trong cuộc bỏ phiếu quốc hội diễn ra ngay sau đó, 172 phiếu đồng lòng bắt buộc Mỹ rút quân khỏi Iraq. Có đến 160 nghị sĩ khác cố tình vắng mặt.

Trên đường phố, những cuộc biểu tình lập tức chuyển màu, từ phản đối chính quyền sang phản đối Mỹ, từ việc yêu cầu Iran biến ra khỏi đất nước chuyển sang việc yêu cầu Mỹ rút quân.

Chưa hết, Tổng thống Trump tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa khi đe doạ tấn công 52 mục tiêu quân sự và văn hóa của Iran. Việc ông Trump bỏ qua (hoặc không biết) luật chiến tranh, coi các hạng mục văn hóa tôn giáo là mục tiêu triệt hạ khiến người dân càng thêm nổi giận. Không dừng lại ở đó, Washington tuyên bố sẽ không ngần ngại cấm vận Iraq. Nhiều quan chức Iraq, dù thân Mỹ và ghét Iran, cũng nhận định rằng Washington gây ảnh hưởng theo cách thức không hiệu quả bằng Tehran.

Trong khi Iran dùng quyền lực mềm, văn hóa, tôn giáo và kinh tế để gây ảnh hưởng lên Iraq thì Mỹ ngược lại, dùng bạo lực và đe doạ. Điều đó khiến cho bất kỳ động thái nào của Mỹ cũng đều có thể là động lực để người Iraq đoàn kết chống Mỹ và ngả về phía Iran hơn

Và khi Mỹ rút thì ai sẽ hưởng lợi nếu không phải là Iran? Oái oăm thay, điều mà tướng Soleimani mơ ước khi còn sống đã thành hiện thực bằng cái chết của chính mình: hất cẳng Mỹ tại Iraq, kéo Baghdad về với vùng ảnh hưởng của Tehran.

Phản ứng của Iran và sự cố máy bay rơi

Dưới áp lực của lệnh cấm vận từ Mỹ và châu Âu nhằm ép Iran từ bỏ chương trình hạt nhân, đất nước này luôn phải đối mặt với các thách thức về kinh tế. Từ năm 2017 cho đến nay, hàng trăm cuộc biểu tình nổi lên khắp nơi, khởi đầu ôn hòa và sau đó biến thành bạo động. Hơn 1.500 người mất mạng trong các trận đụng độ với quân đội và cảnh sát.

Việc Mỹ tấn công làm thiệt mạng tướng Suleimani thoạt đầu gây ra một cơn sốc và khiến Iran trở nên đoàn kết. Tương tự như ở Iraq, người xuống đường thay vì đòi chính quyền minh bạch thì hô khẩu hiệu chống Mỹ. Để đáp lại làn sóng đòi trả thù, ngày 8.1, Iran bắn tên lửa vào hai căn cứ quân sự của Mỹ, dù không gây ra thương vong nhưng được coi là "cú tát đầu tiên" vào mặt "kẻ thù". Vài giờ sau đợt phóng tên lửa, một chiếc máy bay của Ukraina gặp nạn trên đất Iran làm thiệt mạng toàn bộ phi hành đoàn và hành khách, trong đó có rất nhiều người Iran. Sau hai ngày đầu né tránh, đến khi bằng chứng đã rõ ràng thì chính quyền Iran đành thừa nhận là đã bắn nhầm mục tiêu trong tình trạng căng thẳng leo thang.

Sự cố đau thương này lập tức khiến tình hình Iran thay đổi. Người dân nổi giận vì bị lừa dối đã đổ xuống đường phản đối chính quyền. Hàng loạt những người nổi tiếng trong giới thể thao và giải trí cũng tuyên bố đứng về phía người dân. Bất ổn hiện đang leo thang, và tình hình còn có khả năng xấu đi.

Chiến tranh có xảy ra không và tương lai của Trung Đông?

Ông Soleimani đã chết, nhưng hệ thống các nhóm bán quân sự “hữu hảo” với Iran trên khắp Trung Đông vẫn còn. Thi thể của ông trên đường về quê nhà đã dừng lại ở thành phố Karbala của Iraq - một địa điểm tôn giáo quan trọng bậc nhất với người Hồi Shia. Đó là nơi Hussein - cháu trai của Thiên Sứ Muhammad và gia đình đã bị chính những người Hồi giết hại thảm khốc. Vì thế, mà Karbala trở thành biểu tượng của mối thù Sunni-Shia. Việc tướng Soleimani được coi như sự hóa thân của Hussein có thể là mồi lửa cho các cuộc trả thù trong tương lai đến từ mọi ngóc ngách của thế giới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả