Khủng hoảng hành củ tại nhiều nước châu Á
Ấn Độ, nhà xuất khẩu nguyên liệu chế biến lớn nhất thế giới, đã buộc phải cấm xuất khẩu hành củ sau khi mùa mưa kéo dài tại nước này khiến việc gieo trồng hành vào mùa Hè phải lùi lại.
Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu hành trên toàn nước này kể từ ngày 30/9 vừa qua, sau khi giá nguyên liệu này tại khu vực trồng hành ở các địa phương tăng lên 63,3 USD/100 kg, mức cao nhất trong gần 6 năm qua. Nguyên nhân là do mưa lớn kéo dài bất thường khiến các hộ trồng hành không thể gieo trồng vào mùa Hè.
Trước tình hình khan hiếm hành trong nước, Ấn Độ buộc phải nhập khẩu hành từ Ai Cập nhằm kìm hãm giá hành tăng cao. Tuy nhiên, ông Ajit Shahm, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu hành Ấn Độ, cho rằng biện pháp này không mấy hiệu quả do đã qua vụ gieo trồng hành trong nước vào mùa Hè, và lệnh cấm này có thể được duy trì đến giữa tháng 11.
Việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu hành củ buộc nhiều nước như Bangladesh phải tìm kiếm các nguồn cung khác từ Myanmar, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc nhằm giảm giá hành trong nước. Theo thống kê của Cơ quan Phát triển xuất khẩu thực phẩm chế biến sẵn và nông nghiệp của Ấn Độ, trong năm 2018-2019, Ấn Độ đã xuất khẩu 2,2 triệu tấn hành tươi, chiếm hơn 50% tổng lượng hành nhập khẩu của các nước châu Á.
Nhiều thương lái tại các nước châu Á và châu Âu đã nhân cơ hội để tăng giá hành. Ở thủ đô Dhaka, Bangladesh, các bà nội trợ phải bỏ ra 1,42 USD để mua 1 kg hành, gấp hai lần so với 2 tuần trước đó và là mức cao nhất kể từ cuối năm 2013. Giá hành tại Sri Lanka cũng tăng 50% trong vòng 1 tuần, lên mức 1,7 USD/kg. Nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng này, Chính phủ Bangladesh đã phải áp dụng chính sách trợ giá mặt hàng này thông qua một công ty quốc doanh, đồng thời nỗ lực nhập khẩu hành trong thời gian ngắn nhất có thể. Theo giới chức Bangladesh, việc vận chuyển từ Ai Cập phải mất 1 tháng, từ Trung Quốc mất 25 ngày, trong khi từ Ấn Độ chỉ mất có vài ngày.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận