Khủng hoảng đăng kiểm
4 tháng từ khi những bê bối trong đăng kiểm bị phát hiện, toàn ngành chao đảo trước khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử gần 30 năm.
Đi hai trạm đăng kiểm đều đóng cửa, anh Nguyễn Hữu Trung vượt 30 km từ nhà ở huyện Ứng Hoà tới trung tâm 29-06V tại Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Trước mặt anh, ôtô xếp hàng dài gần hai km trên đường 70 dẫn vào nơi kiểm định. Chiếc xe 5 chỗ - "cần câu cơm" duy nhất nuôi sống cả gia đình, sẽ hết hạn đăng kiểm trong 4 ngày tới. Không có lựa chọn, anh đành nhập vào hàng xe, chờ đợi.
Điều hòa không thể bật mãi, anh Trung thỉnh thoảng mở cửa xe, hứng chịu cái nắng cùng khói bụi và tiếng còi inh ỏi. Chờ đến nhá nhem tối, hàng xe phía trước vẫn dài dằng dặc. Trung tâm đăng kiểm tới giờ đóng cửa. Nhìn trước sau, không thấy một ai quay xe về, anh quyết định tiếp tục chờ tới sáng.
Đêm, xe container chạy ầm ầm không nghỉ. Vừa lạnh vừa muỗi, anh chỉ ngủ chập chờn 1-2 tiếng. Cả người mệt mỏi, đau nhức. Vợ ở nhà thi thoảng nhắn tin than thở đứa con 8 tháng tuổi quấy khóc khiến anh càng thêm sốt ruột.
"Kinh hoàng", anh đúc kết ngắn gọn khi bước sang ngày chờ đợi thứ ba. "Trước đây, một lần đăng kiểm chỉ mất 2-3 giờ, tối đa là nửa ngày. Giờ ăn chực nằm chờ hai ngày vẫn chưa tới lượt".
Sau 3 ngày 2 đêm chờ đợi, xe của anh mới được kiểm định.
Anh Trung vẫn còn may. Nhiều người ở lại gần một tuần vì xe vào đăng kiểm bị lỗi, phải quay ra sửa chữa rồi xếp hàng lại. "Thật lãng phí thời gian, công sức. Chưa bao giờ thấy đi đăng kiểm xe phải chịu vất vả thế này", anh bức xúc.
Bên trong, trung tâm đăng kiểm 29-06V chỉ hai dây chuyền vận hành, một "đắp chiếu". Số đăng kiểm viên cũng giảm phân nửa, từ 17 xuống 9, sau khi bị công an khám xét hồi trước Tết. Tất cả họ đều bị khởi tố, tại ngoại, được vận động đi làm lại vì quá thiếu người. Thỉnh thoảng, vài người lại xin vắng mặt để phục vụ điều tra. Năng lực kiểm định mỗi ngày giảm một nửa, còn 80-100 ôtô.
Ông Hoàng Trung Liêm vừa được cử về đây làm Phó giám đốc khi chỉ còn một năm trước tuổi hưu, thay lãnh đạo trung tâm bị tạm giam. "Chưa bao giờ ngành đăng kiểm bê bết như giai đoạn này. Đây thực sự là cú sốc", ông Liêm nói. "Tôi sắp tới cũng có thể bị cơ quan điều tra gọi".
Khủng hoảng của ngành đăng kiểm khởi đầu từ 26/10/2022 khi CSGT TP HCM chặn một xe tải, phát hiện sai số trong dữ liệu đăng kiểm và thủ đoạn phi pháp của các trung tâm. Trong 4 tháng, công an cả nước liên tiếp mở rộng điều tra, khám xét 62 trung tâm, khởi tố gần 400 người về các tội: Môi giới hối lộ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi các thiết bị, phần mềm để sử dụng trái pháp luật; Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, phương tiện viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác...
Tại TP HCM, ngày làm việc của đăng kiểm viên như Tạ Công Nghĩa thường bắt đầu bằng tin nhắn từ cấp trên: "Nghiêm cấm đăng kiểm viên nhận tiền, quà cáp".
Thời gian làm việc của Nghĩa tăng gấp rưỡi, 12 tiếng mỗi ngày, cùng tâm trạng nặng nề vì lo vướng vào lao lý như nhiều đồng nghiệp. "Tôi cũng không thể lường được mình có vi phạm hay không", anh Nghĩa nói.
Trước đây, với xe còn mới hay đăng kiểm lần đầu, Nghĩa chỉ kiểm tra chừng 10 phút. Nhưng giờ, anh nói không dám chủ quan, phải làm "trăm xe như một" nên thời gian đăng kiểm tăng gấp đôi. "Mỗi xe vào dây chuyền được quan sát cẩn thận, đo đạc kỹ lưỡng, thùng xe không được khác thiết kế dù chỉ một cm", Nghĩa khẳng định.
Do 9 trung tâm đăng kiểm tại TP HCM đóng cửa, gánh nặng dồn lên 10 đơn vị còn hoạt động. Ba dây chuyền tại trạm 50-08D chạy thêm bốn giờ mỗi ngày, nhưng dòng xe xếp hàng trước cổng không lúc nào thưa. Công suất tối đa thường ngày khoảng 100 xe, với 15 đăng kiểm viên. Giờ số xe tăng lên 140, nhân viên lại giảm còn 13.
"Chạy hết công suất mà không xuể. Lượng xe dồn từ nơi khác về quá lớn", lãnh đạo trung tâm đăng kiểm 50-08D than thở. Ông còn lo từ tháng này, toàn bộ nhân viên phải làm thêm 4 tiếng mỗi ngày không công. Bởi họ đã làm hết 200 giờ có lương một năm theo quy định.
Thêm vào đó, hoạt động đăng kiểm siết lại nên lượng xe không đạt yêu cầu tăng từ 15% lên 35% so với trước. Tức là, một xe đăng kiểm không đạt có thể phải quay lại nhiều lần, có xe lên đến 7 lượt, làm tăng nhu cầu.
"Chúng tôi đang trong tình thế bế tắc", ông nói.
Phó cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam - Nguyễn Tô An thở dài khi nói về chuỗi bê bối đang phủ màu u ám lên toàn ngành, đè nặng tâm lý từng nhân viên.
"Các sai phạm vừa qua như cơn sóng thần xóa đi công sức hàng chục năm mà nhiều cán bộ đăng kiểm đã xây dựng", ông nói, nhắc lại thời cán bộ đăng kiểm phải tự mày mò thiết kế ra từng thiết bị. "Ngành đăng kiểm được xây dựng từ số 0, lớn mạnh, rồi giờ đây tất cả đổ sông đổ bể".
Cánh cửa xã hội hoá
Ngành đăng kiểm được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý từ năm 1995, hoàn toàn là công vụ. Đến 2005, ngành đã có chủ trương xã hội hóa nhưng rất ít đơn vị mới thành lập do vướng quy hoạch đăng kiểm. 10 năm sau, trạm đăng kiểm thường xuyên ùn tắc vì số phương tiện tăng nhanh, trung bình 250.000-300.000 ôtô mới mỗi năm, nhưng số doanh nghiệp thành lập mới vẫn nhỏ giọt.
Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 139 về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định, mở toang cánh cửa xã hội hóa đăng kiểm với "ba không": không hạn chế số đơn vị mới; chủ đầu tư không phải thỏa thuận với UBND cấp tỉnh về địa điểm xây dựng; và không còn quy hoạch trung tâm đăng kiểm.
Ông Nguyễn Tô An đánh giá việc bỏ quy hoạch trung tâm đăng kiểm phù hợp với kinh tế thị trường, xóa cơ chế "xin cho", tận dụng được nguồn lực xã hội, giảm tải cho các đơn vị đăng kiểm cũ.
Từ năm 2019, số trung tâm mới mọc lên nhanh. Năm 2018, cả nước có 172 đơn vị đăng kiểm. 4 năm sau, con số này tăng lên 281. Trong đó, gần 70% là xã hội hoá, 25% thuộc Sở GTVT các tỉnh, còn 5% do Cục Đăng kiểm quản lý.
Đại án đăng kiểm đã khiến 52 trung tâm phải tạm đóng cửa để phục vụ điều tra, tính đến 12/3, tức cứ 5 đơn vị thì một nghi sai phạm. Trong đó, 41 nơi là xã hội hoá, chiếm gần 80%; còn lại 5 trạm thuộc Sở GTVT và 4 thuộc Cục Đăng kiểm.
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ Công an, nhận định đại án đăng kiểm là vụ tham nhũng có tổ chức, hành vi sai phạm tiêu cực có hệ thống, được tổ chức xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, Phòng kiểm định xe cơ giới đến giám đốc nhiều trung tâm đăng kiểm. Công an phát hiện có sự móc nối chặt chẽ giữa nhân viên kiểm định của Cục Đăng kiểm và các trung tâm để cấp giấy chứng nhận cho xe dưới chuẩn thông qua các công ty sân sau.
Một giám đốc trung tâm đăng kiểm ở Bình Dương lý giải, áp lực doanh thu là nguyên nhân buộc các đơn vị phải cạnh tranh để thu hút khách hàng, đặc biệt ở nơi có nhiều trung tâm như Hà Nội, TP HCM. Xã hội hoá đồng nghĩa với tự chủ hoàn toàn, doanh nghiệp phải tự xoay xở để có nguồn thu ổn định. Trong khi đó, vốn đầu tư ban đầu lớn.
Ông dẫn chứng với diện tích 3.000 m2, có ba dây chuyền, trung tâm của ông hàng tháng phải chi ít nhất 500 triệu đồng để trả lương, thuê mặt bằng, bãi đỗ. Nếu tính thêm khoản phát sinh, thuế, bảo trì máy móc, có thể tăng thêm 20%.
Theo tính toán của Cục Đăng kiểm năm 2006, khi đề án xã hội hoá được duyệt, đầu tư cho một trạm đăng kiểm 6.000 m2 với hai dây chuyền cần ít nhất 30 tỷ đồng. Sau 7-8 năm hoạt động, đơn vị mới có thể hoàn vốn khoảng 10 tỷ đồng.
Nhiều nơi đã chọn cách cạnh tranh không lành mạnh, khiến tham nhũng dễ dàng len lỏi vào từng khâu trong quy trình kiểm định.
Cú bắt tay mờ ám
Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam phân tích, nhiều chủ xe muốn cơi nới thành thùng để chở quá tải, hoặc thay động cơ công suất lớn đặt từ nước ngoài. Thậm chí, họ tự hoán cải công năng xe, rồi "lo lót" đơn vị đăng kiểm để được cấp giấy đạt tiêu chuẩn.
"Có tình trạng chủ xe làm hư đăng kiểm viên. Họ bắt tay nhau để những xe không đạt chuẩn được lưu thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, làm hỏng đường, thiệt hại lớn cho xã hội", ông Thanh nói.
Dưới góc nhìn của một tài xế, anh Phạm Hoài, 20 năm kinh nghiệm lái xe tải, đánh giá việc đăng kiểm thoáng hơn từ năm 2019, và hầu hết lần xét xe nào cũng đạt. Cánh tài xế có thói quen đặt vài trăm nghìn ở táp-lô, hộc xe hoặc cần số để bồi dưỡng đăng kiểm viên, mong phương tiện được làm nhanh, đỡ bị bắt lỗi.
"Việc này cũng giống như đi ăn uống rồi để lại tiền tip cho nhân viên phục vụ", anh so sánh.
Cũng có trường hợp sai quy định, nhưng tài xế chung chi để được cho qua. Thay vì bỏ ra vài triệu đồng thuê cẩu thùng lạnh khỏi xe đầu kéo container trước khi đưa vào đăng kiểm, nhiều chủ xe chọn cách "bôi trơn".
Theo anh Hoài, cánh tài xế thường truyền tai nhau chọn nơi kiểm định dễ, nhanh để tiết kiệm thời gian, chỗ làm chặt chẽ thì ít quay lại.
Chung đánh giá, ông Thanh lý giải thêm đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều đơn vị chấp nhận hạ tiêu chuẩn để hút khách.
Cục phó Nguyễn Tô An nhận định có tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các trung tâm để thu hút chủ xe, cụ thể như làm sai quy chuẩn, quy định, bỏ nội dung, hạng mục kiểm tra, giả mạo trong kiểm định xe cơ giới. "Đáng lẽ các đơn vị cần cạnh tranh bằng cách nâng chất lượng dịch vụ, nhưng nhiều nơi cố tình làm sai quy chuẩn để giữ chân khách hàng", ông nói.
Ngoài ra, để giảm chi phí, các chủ đầu tư thường thuê đăng kiểm viên mới, thiếu kinh nghiệm nên chất lượng nguồn nhân lực hạn chế. Chưa kể, bản chất đăng kiểm viên là người làm thuê nên chịu tác động của chủ đầu tư, không còn tính độc lập trong kiểm tra, đánh giá, xác nhận kết quả kiểm định.
Tuy nhiên, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cho rằng trách nhiệm trước hết phải thuộc về Cục Đăng kiểm. Tiêu cực kéo dài, có hệ thống là hệ quả của buông lỏng quản lý và khâu thanh kiểm tra, giám sát yếu kém.
Về lý thuyết, mỗi trung tâm đăng kiểm hiện có ba tầng giám sát: Sở GTVT các địa phương, Cục Đăng kiểm, và cuối cùng là Thanh tra Bộ GTVT. Nhiều chỉ báo trong các đợt thanh, kiểm tra định kỳ trước đó đã cho thấy dấu hiệu tiêu cực.
9 tháng đầu năm 2022, Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra đột xuất, kỷ luật 19 người do sai phạm trong kiểm định. Giai đoạn 2020-2021, Bộ GTVT thanh tra 6 tỉnh Bắc, Nam cũng phát hiện vi phạm chất lượng kiểm định. Hầu như lỗi dừng ở mức bị kỷ luật và đình chỉ 1-2 tháng, không có trường hợp nào tham nhũng. Trong khi đó, 4 tháng điều tra, công an 28 tỉnh, thành đã phát hiện loạt trung tâm nhận tiền "lót tay", dẫn tới khởi tố 42 vụ án. Con số này vẫn chưa dừng lại.
Cục Đăng kiểm từng khẳng định có thể kiểm soát 100% kết quả kiểm định, quy trình đăng kiểm qua rà soát dữ liệu và phúc tra. Nhưng thực tế, Công an TP HCM xác định nhiều trung tâm đăng kiểm can thiệp vào hệ thống máy móc tinh vi; hoặc dùng thủ thuật, lấy giấy che thiết bị camera giám sát của Cục Đăng kiểm để cho qua xe không đủ điều kiện.
Thiếu nhân lực giám sát, kiểm tra là nguyên nhân khác được Cục Đăng kiểm lý giải cho việc khó kiểm soát toàn bộ hoạt động của các đơn vị. Tuy nhiên, lý do này không thuyết phục được chuyên gia Nguyễn Văn Thanh. Ông đánh giá camera của đơn vị đăng kiểm kết nối với cơ quan quản lý không giám sát được hành vi của đăng kiểm viên hay chủ phương tiện. Hệ thống công nghệ thông tin lạc hậu, chậm đổi mới khiến trung tâm đăng kiểm dễ dàng tạo phần mềm để thay đổi kết quả kiểm định.
"Nếu thiếu nhân lực thì phải hiện đại hóa công nghệ, thiết bị giám sát. Thực tế đã có nhiều lỗ hổng để các đơn vị bịt mắt, hoặc lãnh đạo Cục đã cố tình chịu bịt mắt khi nhận tiền hàng tháng của doanh nghiệp. Điều đó không thể chấp nhận được", ông Thanh nói.
Vỡ trận
Đến ngày 9/3, Hà Nội còn 6/31 trung tâm đăng kiểm mở cửa, năng lực kiểm định còn 14%. TP HCM duy trì 10/19 trung tâm, đáp ứng 49% nhu cầu. Ôtô xếp hàng dài trước các trạm đăng kiểm. Tài xế bảo nhau sang tỉnh lân cận vẫn rơi vào cảnh xếp hàng vài ngày; dịch vụ thuê người đăng kiểm hộ nở rộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cuộc sống người dân quanh các trạm bắt đầu đảo lộn khi ùn tắc liên tục, xe đậu cả ngày trước cửa khiến tiểu thương buôn bán khó khăn.
"Không nên chỉ vì đánh án mà để đình trệ cả hệ thống đăng kiểm, đình đốn sản xuất, gây bức xúc trong xã hội", chuyên gia Nguyễn Văn Thanh nêu quan điểm.
Dòng phương tiện chật kín đường vào trung tâm đăng kiểm
Ông Thanh nhìn nhận, mức phí đăng kiểm xe hiện nay khá thấp, dẫn đến thu nhập của người lao động không cao, trong khi đây là nhân lực chất lượng. Một sinh viên tốt nghiệp đại học phải đào tạo thêm một năm để trở thành đăng kiểm viên, riêng bậc cao phải qua 4-5 năm. Thu nhập không tốt khiến khó tuyển lao động và đăng kiểm viên dễ mắc sai phạm nếu không có bản lĩnh. Ông Thanh cho rằng ngành này cần kiến nghị tăng phí kiểm định xe và tăng lương cho người lao động.
Về lâu dài, chuyên gia này đề xuất giao cho các trung tâm bảo dưỡng chính hãng 3S (nơi trưng bày xe, sửa chữa, cung cấp phụ tùng) cũng được kiểm định. Cùng với đó, Bộ GTVT cần nghiên cứu kéo dài chu kỳ kiểm định phương tiện, đặc biệt với xe không kinh doanh vận tải để giảm chi phí cho xã hội.
"Dù đáng giận song các đăng kiểm viên cũng đáng thương vì họ làm việc vất vả, thu nhập không tương xứng. Chúng ta cần chỉ ra những lỗi lầm để họ đứng dậy. Đừng vùi dập để lại gây tác động xấu cho xã hội", ông Thanh nêu ý kiến.
Trước khả năng đáp ứng ngày càng giảm của ngành đăng kiểm, ngày 8/3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà lần đầu họp với lãnh đạo Bộ GTVT và Công an. Nhiều biện pháp được gấp rút thực hiện. Hà Nội mở lại nhiều trung tâm đăng kiểm sau hai tháng tạm dừng. Bộ Công an điều động 50 CSGT tham gia kiểm định tại Hà Nội và TP HCM từ 11/3. Cùng lúc, Cục Đăng kiểm Việt Nam có tân cục trưởng sau hai tháng khuyết lãnh đạo.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT nhanh chóng tính toán phương án để trao quyền kiểm định cho trung tâm bảo trì, bảo dưỡng đủ điều kiện; bỏ đăng kiểm lần đầu với ôtô mới sản xuất. Cục Đăng kiểm cũng gấp rút tuyển 142 viên chức để bù đắp thiếu hụt.
Cục phó Nguyễn Tô An đánh giá tình trạng xấu nhất là đứt gãy hệ thống đăng kiểm. "Nếu hệ thống sụp đổ, người dân, chủ phương tiện, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều thiệt hại. Tổn thất kinh tế của quốc gia là rất lớn", ông An nói.
4 tháng ngành đăng kiểm chìm trong khủng hoảng, những doanh nghiệp như Công ty vận tải Minh Hoàng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã "thấm đòn".
Là doanh nghiệp vận tải hàng hóa với gần 50 xe tải và container, công ty này phải đưa xe đi kiểm định mỗi 6 tháng một lần. Giám đốc Nguyễn Văn Hưng cho biết từ đầu tháng 2, công ty có 20 xe đến hạn, ông phải bố trí ba tài xế thay nhau đưa đi bảo dưỡng, đăng kiểm.
Mỗi tháng, doanh thu mỗi xe khoảng 100 triệu đồng. 20 ôtô dừng hoạt động một tuần là ông mất trắng 500 triệu. Có lúc để kịp giao hàng, ông phải thuê xe ngoài giá 4-5 triệu đồng mỗi ngày, trong khi phương tiện của doanh nghiệp nằm không.
"Mỗi xe nằm ở trạm đăng kiểm, doanh nghiệp giảm doanh thu, lái xe bức xúc vì giảm ngày công, chưa kể chúng tôi không kịp giao hàng, nguy cơ bị phạt hợp đồng rất lớn", ông nói. Nếu khó khăn còn tiếp diễn, doanh nghiệp có thể phải tăng giá cước, sẽ ảnh hưởng đến chi phí xã hội.
Ba tháng tới, nhu cầu kiểm định sẽ lên đến đỉnh điểm với gần 90.000 ôtô mỗi tháng, năng lực đáp ứng của Hà Nội hiện vẫn chưa tới 20%. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, chờ hiện thực hóa. Những chủ doanh nghiệp như ông Hưng, nhiều tháng qua, vẫn đang "ngồi trên đống lửa".
* Dữ liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam và công an các tỉnh, thành, cập nhật đến ngày 11/3.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận