Khủng hoảng chip toàn cầu kéo dài đến khi nào?
Các chuyên gia nhận định tình trạng cung không đáp ứng được cầu về chip bán dẫn chưa thể được giải quyết triệt để trong năm 2021.
Phó giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn Forrester Glenn O'Donnell cho rằng tình trạng thiếu hụt này có thể kéo dài đến năm 2023. “Chúng tôi dự đoán tình trạng thiếu hụt kéo dài đến hết năm 2022 và có thể sang đến 2023", ông viết.
Ông O'Donnell cho rằng nhu cầu về máy tính cá nhân PC có thể không tăng trong năm tới. Tuy vậy, các trung tâm dữ liệu chắc chắn mua thêm rất nhiều máy chủ với con chip trang bị trên đó trong năm tới. Vị này phân tích với sự phát triển của điện toán đám mây và đào tiền điện tử, nhu cầu chip càng bùng nổ thời gian tới.
Trong khi đó, Patrick Armstrong, Giám đốc công nghệ thông tin tại Plurimi Investment Managers dự đoán tình trạng thiếu hụt chip này kéo dài trong vòng 18 tháng. “Ngày nay có rất nhiều thứ sử dụng chip so với trước đây, tất cả chúng đều được kết nối Internet. Chip có mặt trên PlayStation 5, Xbox Series X, smartphone, smartwatch, PC cho đến bàn chải đánh răng, máy rửa bát hay cả đồng hồ báo thức”, Patrick Armstrong nói.
Với công nghiệp sản xuất ô tô, tình trạng thiếu chip cũng đang là bài toán khó giải. Mới đây, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC khẳng định có thể cung cấp đủ lượng chip cho ngành sản xuất ô tô từ tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, Armstrong cho rằng mục tiêu này của TSMC quá tham vọng: “Ford, BMW, Volkswagen đều nói về những nút thắt cổ chai với công suất của các nhà máy. Những công ty này không thể có được các con chip cần để sản xuất xe mới”.
Trước đó, công ty nghiên cứu thị trường Gartner từng khẳng định tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài trong cả năm 2021, ảnh hưởng đến tất cả loại chip cũng như khiến giá chip tăng lên. Nhà phân tích Alan Priestley tại Gartner cho biết tình hình có thể được cải thiện đối với một số lĩnh vực trong 6 tháng tới, nhưng hậu quả vẫn kéo dài sang năm 2022.
2 trong số 3 ông lớn của ngành sản xuất chip là TSMC và Intel đều công bố kế hoạch xây dựng nhà máy ở Đài Loan hay Mỹ, châu Âu. Nhưng “những dự án mất 2-3 năm và chỉ phục vụ nhu cầu trong tương lai xa hơn”, nhà phân tích Priestley nói.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất chip Infineon tại Đức Reinhard Ploss cho biết sẽ mất khá nhiều thời gian để giải quyết khủng hoảng chip toàn cầu. “Công suất của các nhà máy bán dẫn đang được tăng lên nhanh chóng nhưng có lẽ phải đến năm 2022, sự cân bằng về cung cầu mới được tái lập”, ông này cho biết.
Giám đốc kinh tế toàn cầu và chiến lược tại Credit Suisse Wenzhe Zhao phân tích tình trạng thiếu hụt chip thúc đẩy nhu cầu tích trữ chip, càng làm gia tăng khoảng cách cung và cầu trong điều kiện nguồn cung đình trệ. Ông Wenzhe Zhao khẳng định chưa có nguồn cung mới từ nay cho đến năm 2022. Các nhà sản xuất và cung ứng buộc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất để tối ưu hoá quy trình theo số lượng chip khả dụng hiện có.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận