Khu công nghiệp Việt Nam là điểm sáng đầu tư của khu vực
Theo JLL, nhiều dự án bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhờ tiềm năng của thị trường non trẻ và đang phát triển.
Theo báo cáo mới đây của JLL châu Á - Thái Bình Dương, trong thời gian qua, Việt Nam có nhiều thương vụ gọi vốn từ các chủ đầu tư trong nước có danh mục phát triển quy mô lớn, hiệu suất sinh lợi cao và có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhờ tiềm năng tăng trưởng của thị trường.
Mặc dù các giao dịch này vẫn trong giai đoạn đàm phán và rà soát pháp lý, JLL vẫn đánh giá đây là yếu tố tích cực bởi niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài về sự phục hồi của nền kinh tế và sức mua của người dân sẽ được cải thiện trong những quý tiếp theo.
Ở quy mô khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hoạt động đầu tư bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi trong quý III với 35 tỷ USD giao dịch trực tiếp trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9. Lượng giao dịch phục hồi 35% so với quý trước và thấp hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.
"Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy hoạt động đầu tư bắt đầu khởi sắc xuất hiện trong quý III, với khối lượng đầu tư cải thiện đáng kể ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong tương lai gần, chúng tôi tin rằng hoạt động giao dịch sẽ tăng dù nhà đầu tư vẫn do dự trước bất ổn và chúng tôi cảm thấy lạc quan hơn về quý IV", ông Stuart Crow, CEO Thị trường vốn JLL châu Á - Thái Bình Dương cho biết.
Cụ thể trong quý III, thị trường công nghiệp hoạt động mạnh mẽ với lượng giao dịch tăng 76% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu được thúc đẩy bởi các giao dịch về trung tâm dữ liệu và hậu cần của khu vực.
"Chúng tôi ghi nhận số lượng lớn nhà đầu tư tái khẳng định khẩu vị của họ đối với bất động sản hậu cần và trung tâm dữ liệu. Chúng tôi lạc quan rằng quý cuối năm sẽ mang đến nhiều cơ hội hơn trong phân khúc công nghiệp và nhà ở tại những thị trường trên đà phục hồi như Singapore và Việt Nam", bà Regina Lim, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Vốn, JLL châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 có thể tạm thời làm gián đoạn đầu tư nhưng sự quan tâm từ các nhà đầu tư vẫn mạnh mẽ do Việt Nam được xem là cường quốc công nghiệp mới ở khu vực.
Theo thống kê của Cushman & Wakefield Việt Nam, tính đến cuối quý III, giá thuê bất động sản công nghiệp trung bình tại TP.HCM tăng 4,9% so với quý trước và tăng 9,4% theo năm, chủ yếu do ít nguồn cung mới và nhu cầu đất công nghiệp gia tăng trong xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Vừa qua, nhà phát triển khu hậu cần Logos Property đang khởi động đầu tư 350 triệu USD tại Việt Nam với dự án đầu tiên tại tỉnh Bắc Ninh. Ngoài ra, nhà kho Global Logistic Properties (GLP) đã công bố liên doanh trị giá 1,5 tỷ USD với một số khu hậu cần đang được triển khai ở Việt Nam.
Ông Paul Tonkes, Giám đốc Bộ phận Tư vấn Dịch vụ Kho vận & Công nghiệp, Cushman & Wakefiled Việt Nam cho biết ở cả Hà Nội và TP.HCM, mức tăng giá thực tế của đất công nghiệp vượt xa tốc độ tăng trưởng bất động sản nhà xưởng và kho bãi cho thuê. Riêng ở một số khu vực cụ thể, giá thuê vẫn đang dẫn đầu, trở thành điểm nóng thu hút khách thuê.
"Trong khi đó, các khu công nghiệp trong thành phố vẫn chuyển đổi chậm, ví dụ như chuyển đổi diện tích sang phòng khám, khu văn phòng và cửa hàng trưng bày. Giá trị vốn của đất công nghiệp đã tăng 20-30% ở các tỉnh kinh tế trọng điểm như Đồng Nai, Bình Dương, Long An và tăng gần gấp đôi tại một số khu công nghiệp ở TP.HCM trong những năm qua", ông Paul Tonkes nói thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận