menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hương Mai

Khu công nghiệp ứng phó COVID-19: Vừa cách ly vừa sản xuất

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN), TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai đã nâng mức cảnh báo, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân, ổn định sản xuất…

Tăng cường biện pháp phòng dịch

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sonion Việt Nam cho biết, công ty có phần mềm khai báo y tế riêng, lưu giữ đầy đủ thông tin cơ bản như tên, tuổi, lịch trình di chuyển, dấu hiệu ho, sốt…của công nhân. Bộ phận nhân sự công ty mỗi ngày đều cập nhật những vùng có dịch COVID-19 để nắm bắt tình hình, ứng phó kịp thời.

Công ty PouYuen Việt Nam (Q.Bình Tân, TPHCM) có hơn 60.000 công nhân, ngoài yêu cầu thực hiện nguyên tắc 5K, công ty chủ động bố trí lệch giờ ăn của công nhân, nhằm tránh tập trung đông người.

Khu công nghiệp ứng phó COVID-19: Vừa cách ly vừa sản xuất ảnh 1

Công nhân ở Bình Dương tuân thủ quy định phòng dịch

“Bàn ăn được khử khuẩn thường xuyên và duy trì vách ngăn để tránh tiếp xúc gần. Mỗi ngày, DN đều phát cho mỗi lao động một khẩu trang (6 chiếc/tuần) để sử dụng trong suốt thời gian làm việc, đưa đón”, Chủ tịch Công đoàn Công ty PouYuen Việt Nam - Củ Phát Nghiệp nói.

Ngày 1/6, UBND tỉnh Long An cho biết, đã yêu cầu lãnh đạo các huyện thị xã, thành phố và các sở liên quan rà soát, xác định danh sách công nhân lao động trở về từ vùng dịch (đặc biệt là TPHCM)từ ngày 26 đến 31/5. Chính quyền yêu cầu những người này không đến công ty, xí nghiệp liên hệ với cơ quan y tế gần nhất để khai báo y tế và test nhanh theo quy định.

Theo ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn Công ty Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TPHCM), công ty lắp đặt vách ngăn ở toàn bộ nhà ăn, tiến hành phân luồng để công nhân đi vào và đi ra khỏi nhà ăn riêng biệt, tránh tiếp xúc gần giữa lao động tại khu vực nhà ăn. DN còn lắp đặt phòng cách ly riêng ngay tại cổng ra vào để những công nhân đi làm hoặc khách đến liên hệ có thân nhiệt cao sẽ tạm bố trí, không gây ảnh hưởng đến người khác.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, đã giao UBND các quận huyện và TP Thủ Đức, Ban Quản lý KCN, KCX, khu công nghệ cao ký cam kết với chủ các DN thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch. Với DN bên ngoài, chủ tịch UBND quận, huyện phải ký bản cam kết với tổ chức công đoàn cùng chủ DN, nếu vi phạm cam kết thì phải ngừng hoạt động. Sắp tới, TPHCM sẽ chọn một số DN khoanh vùng, vừa cách ly vừa sản xuất.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, TPHCM đặc biệt quan tâm đến hoạt động của các KCN, KCX, nơi có trên 1,6 triệu công nhân, lao động. Sau khi đã đi kiểm tra một số cơ sở, DN, TPHCM sẽ lên phương án diễn tập, đặt ra tình huống xử lý với dịch bệnh.

Không để dịch xâm nhập

Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn Cơ sở công ty Pousung VN (Đồng Nai) cho biết DN có hơn 30.000 công nhân. Hằng ngày, công nhân đến nhà máy phải mang khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và qua cổng có máy đo thân nhiệt, khai báo y tế nếu ra khỏi địa phương. Nhà ăn duy trì ô ngăn, có khoảng cách giữa các công nhân. Công ty còn có phương án từ cách ly đến ngưng hoạt động trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Nâng mức hỗ trợ đối với lao động

Một số DN đã nâng mức hỗ trợ để công nhân bớt khó khăn. Công ty May mặc Triple Việt Nam (huyện Củ Chi, TPHCM) tăng mức thưởng chuyên cần cho người lao động từ 350.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng và duy trì mức hỗ trợ tiền nhà trọ, xăng xe cho tất cả công nhân. Còn Công ty Cổ phần An Khuê (huyện Nhà Bè, TPHCM) hỗ trợ lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 3-10 triệu đồng/trường hợp.

Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, qua kiểm tra, hướng dẫn phòng chống dịch cho 89/1.821 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong các KCN, có 86 DN được đánh giá từ rất ít nguy cơ đến nguy cơ thấp lây lan dịch COVID. Chỉ có 3 trường hợp có nguy cơ ở mức trung bình.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng còn yêu cầu các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh SARS-CoV-2 hằng tuần cho toàn bộ lao động tham gia cung cấp các dịch vụ cho cơ sở sản xuất kinh doanh trong KCN như: ăn uống, dịch vụ khách sạn, lưu trú cho chuyên gia, vận chuyển vật tư, hàng hóa, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì máy móc ...Khi có ca mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, trước khi đưa các trường hợp F1 đi cách ly y tế, DN phải phân nhóm theo từng dây chuyền, phân xưởng sản xuất và mức độ nguy cơ tiếp xúc. Những nhóm có cùng nguy cơ bố trí cách ly y tế trong cùng phân khu cách ly.

Tính đến sáng 1/6, Bình Dương ghi nhận 3 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Đây là các trường hợp liên quan đến ổ dịch tại điểm nhóm truyền giáo ở TPHCM. Theo ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ngoài việc khẩn trương truy vết người liên quan đến ca bệnh, địa phương đã nâng mức độ cao nhất ngăn không để dịch xâm nhập vào khu công nghiệp.

“Bình Dương có hơn 1,2 triệu lao động nếu một khu công nghiệp dừng sản xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và chính đời sống của công nhân lao động”, ông Nguyễn Lộc Hà nói.

Theo ông Hà, người quản lý khu công nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp chịu trách nhiệm về thực hiện phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý, thường xuyên kiểm tra và kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các bất cập, lỗ hổng, vi phạm liên quan phòng, chống dịch.

Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp Bình Dương, cho biết thêm, công đoàn DN trên địa bàn lập nhóm zalo để nhận thông báo về tình hình dịch bệnh. Công nhân được hướng dẫn phòng dịch tại DN và khu nhà trọ.

Không để sản xuất ngưng trệ

Chiều 2/6, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đến Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh để kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm sản xuất tại một trong những “điểm nóng” về dịch bệnh của cả nước. Phó Thủ tướng đã đến kiểm tra Công ty Goertek, doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị và linh kiện điện tử cho các tập đoàn lớn. Lãnh đạo Goertek cho biết, doanh nghiệp bắt đầu hoạt động theo mô hình “vừa sản xuất, vừa lưu trú” (bố trí chỗ ở tạm cho công nhân trong khu vực nhà máy để phòng chống COVID-19). Công nhân phải có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ mới được vào nhà máy làm việc và cứ 3 ngày lại xét nghiệm 1 lần. Công nhân được hỗ trợ 150.000 đồng/ngày khi tham gia “vừa sản xuất, vừa lưu trú”.

Kiểm tra khu ký túc xá công nhân, căng-tin của công ty, Phó Thủ tướng đánh giá cao Goertek trong phòng chống dịch bệnh và khôi phục sản xuất và cần nhân rộng mô hình này. Sau khi kiểm tra, Phó Thủ tướng có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh về các biện pháp phòng chống dịch và duy trì sản xuất.THÀNH NAM
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại