Khu công nghiệp phía Bắc thêm lợi thế
Nhiều doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp đang rốt ráo hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ cũng như bổ sung thêm nguồn cung mới để đón làn sóng đầu tư khi Trung Quốc chính thức mở cửa trở lại.
Tín hiệu tích cực
Đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) cho biết, sự kiện Trung Quốc mở cửa trở lại sau gần 3 năm áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đại dịch Covid-19 được cả thế giới mong chờ và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Trên thực tế, số lượng nhà đầu tư từ Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc) hay Trung Quốc Đại lục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các khu công nghiệp Việt Nam vài tháng gần đây đã nhiều hơn thời gian trước.
Cũng theo đại diện IDICO, đây là tín hiệu tích cực bởi các nhà đầu tư Trung Quốc luôn giữ một vai trò quan trọng trên thị trường sản xuất, nhất là khi dòng vốn đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc có dấu hiệu chững lại.
“Để chuẩn bị tốt cho việc thu hút đầu tư, nhất là với những dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, IDICO đang tập trung đẩy mạnh tiến độ dự án khu công nghiệp ở nhiều địa phương như Thái Bình, Hải Phòng…, xúc tiến mở thêm dự án ở Dung Quất, Quảng Ngãi”, vị này thông tin thêm.
Theo thông tin phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán ghi nhận được, các nhà phát triển dự án khu công nghiệp trong nước đều mong chờ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, bởi đây luôn là lực lượng quan trọng trong thu hút đầu tư ở các địa phương, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền đầu tư toàn cầu đang suy yếu.
Đại diện một nhà phát triển khu công nghiệp lớn cho biết, sự suy yếu của nhóm nhà đầu tư Nhật Bản đã trở nên khá rõ rệt khi đồng nội tệ đã giảm trên 20%, khiến các nhà đầu tư nước này phải tạm thời thu hẹp hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Với các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, lãi suất cao và khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa cũng đang đang là rào cản.
“Lãi suất các nước đều tăng cao, người dân các nước châu Âu, Mỹ có thói quen tiêu trước trả sau nên bối cảnh hiện tại buộc họ phải hạn chế tiêu dùng, từ đó tác động đến các ngành sản xuất. Nhiều ngành sản xuất hàng hóa đang thu hẹp quy mô, hiệu suất… khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa giảm, từ đó ảnh hưởng tới sản xuất trong nước. Đầu tư giai đoạn tiền đắt khó khăn nên việc đầu tư ra ngoài cũng bị hạn chế”, vị đại diện doanh nghiệp trên nói.
Ghi nhận phản ánh từ nhiều khách thuê khu công nghiệp cho thấy, nhiều đơn hàng xuất khẩu đã giảm cả về khối lượng lẫn giá trị từ tháng 9/2022 - vốn là thời điểm thị trường hàng hóa sôi động nhất để chuẩn bị cho mùa lễ tết cuối năm và đến hiện tại, tình hình vẫn chưa nhiều khởi sắc.
Khu công nghiệp phía Bắc: Lợi thế vị trí
Ông Đinh Thanh Phương, Giám đốc Phát triển kinh doanh, KCN Việt Nam cho hay, để đón làn sóng đầu tư sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại cũng như sẵn sàng cho các doanh nghiệp đang có nhu cầu mở rộng sản xuất, trong năm 2023, KCN Vietnam sẽ triển khai giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu như Khu công nghiệp Hố Nai, Khu công nghiệp Phú An Thạnh, Khu công nghiệp Deep C…, bên cạnh phát triển thêm dự án ở các khu vực trọng điểm như Thuận Thành - Bắc Ninh, Tân Hưng - Bắc Giang và An Phát - Hải Dương…
“Hiện tại, KCN Vietnam đã có sẵn sản phẩm để chào thuê cho các nhà đầu tư tại các khu công nghiệp. Từ trước đó, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, KCN Vietnam đã tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý cho các dự án, sau đó là đẩy mạnh thi công hạ tầng, nhà xưởng, đảm bảo nguồn cung sẵn sàng khi hoạt động đầu tư, dịch chuyển được diễn ra”, ông Phương thông tin.
Đánh giá tiềm năng thu hút đầu tư tính theo khu vực, ông Phương cho rằng, khu vực phía Bắc có lợi thế rất lớn về hạ tầng kết nối, điển hình là hệ thống cao tốc xuyên suốt kết nối từ Hà Nội sang các địa phương lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai... và xa hơn là khu vực biên giới sát Trung Quốc, cùng với hệ thống cảng nước sâu tại Hải Phòng giúp vận chuyển đường biển trở nên thuận tiện hơn. Ngoài ra, với việc là nơi các nhà sản xuất điện tử chọn đặt trụ sở/nhà máy cũng giúp lực lượng nhân công tại miền Bắc có cơ hội cải thiện trình độ, tay nghề…, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí đào tạo cho chính nhà sản xuất.
Với khu vực phía Nam - vốn được xem là “cái nôi” của bất động sản công nghiệp, dù có những đặc điểm riêng để thu hút đầu tư như lực lượng nhân công đông đảo và lành nghề, quy hoạch khu công nghiệp cụ thể, rõ ràng cho các ngành nghề, thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước, hệ thống cơ sở hạ tầng về đường xá và cảng biển được quy hoạch đồng bộ, xuyên suốt…, nhưng vẫn không được đánh giá cao bằng miền Bắc.
“Nhìn chung, về mặt địa lý, thị trường khu công nghiệp miền Bắc hấp dẫn và là địa điểm lý tưởng cho các doanh nghiệp Trung Quốc +1. Đây là lợi thế lớn nhất, tiếp theo là lợi thế về hạ tầng, kết nối cùng hệ thống cảng nước sâu. Dù vậy, KCN Vietnam đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp trên cho các dự án của mình tại miền Nam. Nói về khu vực phía Nam, đặc biệt là Đồng Nai, chính quyền địa phương này đã rất tích cực trong công tác thu hút đầu tư, giảm thiểu các thủ tục hành chính, cộng thêm đây là thị trường tiêu thụ lớn, là cửa ngõ giao thương với các nước Đông Nam Á. Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến ở miền Bắc có các công ty sản xuất thuộc chuỗi cung ứng của Apple mở rộng nhà máy, trong khi ở miền Nam, nhà sản xuất đồ chơi hàng đầu thế giới Lego cũng đã đầu tư nhà máy sản xuất thứ 6 của mình trên toàn cầu”, ông Phương nói.
Ở góc nhìn khác, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp, CBRE Việt Nam phân tích, miền Bắc là khu vực dành cho các nhà sản xuất lớn, còn miền Nam là khu vực phát triển tiêu thụ và tạo ra nguồn cầu cho sản xuất. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy, miền Bắc có phân khúc nhà xưởng cho thuê phát triển mạnh hơn so với nhà kho, còn với thị trường miền Nam thì ngược lại.
Ông Hiếu cho biết, hiện giá chào thuê nhà kho bình quân ở miền Bắc là 4,7 USD/m2/tháng, còn ở phía Nam là 4,8 USD/m2/tháng và dù thị trường đang phải đối mặt với những khó khăn không chỉ từ bối cảnh trong nước mà còn cả thế giới, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư hàng đầu tại khu vực APAC (châu Á - Thái Bình Dương), trong đó thị trường khu công nghiệp đang được hỗ trợ nhiều từ các chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ.
“Chúng tôi nhận thấy đang có thêm những dòng vốn mới chảy vào thị trường khu công nghiệp Việt Nam, tập trung tại phân khúc nhà kho, nhà xưởng xây sẵn cho thuê”, ông Hiếu chia sẻ thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận