Khu công nghiệp “đón sóng” bán dẫn
Việt Nam được đánh giá có tiềm năng thu hút đầu tư những ngành công nghệ cao như bán dẫn, qua đó mang tới triển vọng cho thị trường khu công nghiệp.
Tiềm năng lớn
Công ty cổ phần Thương mại xây dựng Đông Dương mới có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất chủ trương thành lập Khu công nghệ đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đề xuất này được thực hiện bởi sự ủy nhiệm của các nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Theo đề xuất, khu công nghệ đổi mới sáng tạo sẽ tập trung vào sản xuất, kiểm định, đóng gói chip nano và các loại linh kiện bán dẫn, điện tử theo công nghệ hiện đại nhất hiện nay của Hoa Kỳ, đồng thời đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn.
Công ty Đông Dương cho biết, dự án cần diện tích đất khoảng 350-400 ha đã được quy hoạch 1/2000 và đất thuộc diện quy hoạch khu công nghiệp hoặc định hướng dành cho ngành công nghệ cao, có đầy đủ cơ sở hạ tầng kết nối thuận lợi nhất.
Câu chuyện trên một lần nữa cho thấy, ngành bán dẫn đang đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh sản xuất chip bán dẫn được định vị là động lực mới đưa Việt Nam thành quốc gia thịnh vượng.
Dự báo đến cuối năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, đưa nước ta trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của ngành bán dẫn toàn cầu, theo Savills Việt Nam.
Có nhiều cơ sở cho dự báo trên, bởi đã có những dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, dây chuyền lắp ráp… giá trị tỷ USD hiện diện ở Việt Nam. Đơn cử, Intel - một trong những tên tuổi lớn nhất ngành bán dẫn trên thế giới, đã mở rộng giai đoạn 2 của nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM với tổng giá trị đầu tư lên tới 4 tỷ USD.
Tương tự, Samsung đầu tư trung tâm phát triển sản phẩm lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội, bao gồm cả sản phẩm bán dẫn.
Một số doanh nghiệp vi mạch bán dẫn từ Hà Lan cũng bắt đầu đầu tư vào Việt Nam, chẳng hạn Công ty BE Semiconductor Industries N.V đã nhận giấy chứng nhận đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM với số vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4,9 triệu USD) trong giai đoạn đầu để đầu tư thuê nhà xưởng, sản xuất. Dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ quý I/2025.
Mới nhất, Tập đoàn Foxconn - nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới - công bố thông tin thành lập pháp nhân triển khai dự án sản xuất, lắp ráp, gia công bảng mạch in PCB (bo mạch in) với tổng công suất 2,79 triệu sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh, tỉnh Bắc Ninh. Dự án có tổng diện tích thực hiện 14,26 ha với tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng (tương đương 383,3 triệu USD).
Ông Thomas Rooney - Quản lý cấp cao Bộ phận Cho thuê công nghiệp, Savills Việt Nam đánh giá, có nhiều lý do giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất bán dẫn quốc tế, qua đó mang tới triển vọng cho thị trường khu công nghiệp trong nước.
Dự báo đến cuối năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, đưa nước ta trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của ngành bán dẫn toàn cầu.
“Việt Nam có vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn trong khu vực, có điều kiện tự nhiên thuận lợi với trữ lượng đất hiếm lớn - nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chip bán dẫn, đồng thời có hệ thống chính trị ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn với những chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư hấp dẫn”, ông Thomas Rooney cho hay.
Sẵn sàng đón sóng
“Nhu cầu đầu tư sản xuất, lắp ráp bán dẫn đã kéo theo sự gia tăng trong việc tìm kiếm nhà xưởng, khu công nghiệp đáp ứng tốt các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, dịch vụ của ngành bán dẫn”, ông Thomas Rooney nói và cho biết thêm, để đón được làn sóng này, một số yêu cầu cơ bản từ các nhà sản xuất bán dẫn cần được đáp ứng gồm nguồn điện ổn định, internet tốc độ cao và hệ thống xử lý nước hiệu quả, từ đó đặt ra yêu cầu về nâng cấp chất lượng hệ thống nhà xưởng đối với các chủ đầu tư tại Việt Nam.
Còn theo ông Trương An Dương - Giám đốc Khối Bất động sản nhà ở, Frasers Property Vietnam, xu hướng các nhà sản xuất lớn trên thế giới dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng sang Việt Nam ngày một rõ nét, với yêu cầu sản xuất ngày một cao và tiên tiến hơn. Chính vì vậy, các mô hình bất động sản công nghiệp sẽ phải thay đổi nhiều.
“Trước đây, khu công nghiệp chỉ đơn thuần là làm hạ tầng cơ bản, rồi sau đó cho thuê các khu đất đã được phân lô. Đây là mô hình rất sơ khởi của việc phát triển khu công nghiệp”, ông Dương nói, đồng thời cho hay, thời gian tới, nhu cầu về các loại hình sản xuất cũng như các trung tâm nghiên cứu, trung tâm thử nghiệm, thậm chí là các trung tâm triển lãm hội nghị tại các khu công nghiệp sẽ cao hơn. Ngoài ra, các ngành nghề mới như thương mại điện tử, chip bán dẫn… cũng đặt ra yêu cầu về hạ tầng phục vụ.
“Đây là xu hướng sẽ diễn ra trong 5-10 năm tới và chúng ta bắt buộc phải thay đổi, đặc biệt là về quy hoạch khu công nghiệp”, ông Dương nhấn mạnh.
Cùng với “xây tổ đón đại bàng”, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp phụ trợ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ bán dẫn của các tập đoàn lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp này.
Nhóm khách hàng vừa và nhỏ có nhu cầu về diện tích kho xưởng không quá lớn, song họ vẫn cần đầy đủ các dịch vụ vận hành đi kèm, đồng thời yêu cầu thời gian đi vào vận hành sớm nhất. Điều này đòi hỏi các nhà phát triển khu công nghiệp phải linh hoạt trong các giải pháp về sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ.
Ông Đinh Hoài Nam - Giám đốc Phát triển kinh doanh, Công ty SLP Việt Nam cho hay, Việt Nam cần phát triển các khu công nghiệp chuyên biệt để thu hút các khách thuê chất lượng cao.
Theo ông Nam, khi dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam, khách thuê thường cần hệ thống kho xưởng tiêu chuẩn để sản xuất ngay, do đó các sản phẩm nhà xưởng, nhà kho xây sẵn sẽ là nhu cầu chủ đạo trong 3-5 năm tới.
Còn ông Thomas Rooney kỳ vọng, thị trường khu công nghiệp phía Bắc tiếp tục là “điểm nóng” trước làn sóng đầu tư bán dẫn mạnh mẽ hiện nay.
Theo chuyên gia Savills Việt Nam, trong khi khách thuê khu công nghiệp tại khu vực phía Nam thuộc các ngành chế biến sản phẩm từ cao su, nhựa, thực phẩm, nước giải khát…, thì tại phía Bắc, vốn đầu tư chủ yếu từ doanh nghiệp hoạt động trong các ngành hàng có giá trị gia tăng cao như máy vi tính, điện tử hay sản phẩm điện.
Bởi vậy, các địa phương và chủ đầu tư dự án cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để có thể đáp ứng một cách tốt nhất những nhu cầu khắt khe của ngành công nghiệp đặc thù này. Nổi bật là hiện nay, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam chưa thực sự hoàn thiện, hệ thống cung ứng điện chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là đường dây truyền tải điện trong những tháng cao điểm.
“Ngành công nghiệp bán dẫn cần lượng điện khổng lồ và để đáp ứng nhu cầu năng lượng rất lớn này, Việt Nam cần đẩy nhanh triển khai các dự án hạ tầng năng lượng quy mô lớn”, ông Thomas Rooney nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận