Không tiêm vắc xin ngừa COVID-19, mỗi tháng bị phạt 100 euro
Đối mặt số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, tốc độ tiêm chủng chậm lại, hai quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang đưa ra tối hậu thư cho công dân của mình: hoặc đi tiêm vắc-xin hoặc bị phạt tiền (lên tới 92,6 triệu đồng), NPR đưa tin sáng 1/12.
Ngày 30/11 (giờ địa phương), Hy Lạp thông báo, mọi công dân từ 60 tuổi trở lên đều phải tiêm vắc xin phòng COVID-19. Hạn cuối là giữa tháng 1/2022. Ai không thực hiện sẽ bị phạt mỗi tháng 100 euro (2,6 triệu đồng).
Mức phạt theo tháng là tương đối cao đối với người nghỉ hưu. Lương hưu trung bình của người dân Hy Lạp là 730 euro (18,8 triệu đồng).
Đầu tháng 11, Áo yêu cầu tất cả người lớn phải tiêm vắc xin phòng COVID-19; hạn cuối là 1/2/2012. Những ai từ chối tiêm sẽ phải nộp phạt 3.600 euro (92,6 triệu đồng).
“Đây không phải là hình phạt. Tôi nói rằng, đây là cái giá cho sức khỏe. Đây cũng là hành động công lý cho những người tiêm vắc xin. Họ không đáng bị tước đoạt dịch vụ chăm sóc sức khỏe chỉ vì những người khác ngang bướng từ chối làm điều hiển nhiên”, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis phát biểu trước nội các trong một cuộc họp được phát trên truyền hình.
Hy Lạp là nước EU đầu tiên yêu cầu một nhóm dân số nhất định (theo độ tuổi) phải tiêm vắc xin phòng COVID-19. Thủ tướng Mitsotakis nói rằng, khoảng 83% người cao tuổi Hy Lạp đã được tiêm chủng. Những người chưa tiêm, hơn 500.000 người, rất có thể bị bệnh nặng, thậm chí tử vong.
Riêng ngày 30/11, Hy Lạp ghi nhận hơn 7.500 ca mắc COVID-19 với hàng trăm ca nhập viện. Cùng ngày, 88 bệnh nhân COVID-19 tử vong, theo Tổ chức Y tế công cộng quốc gia của Hy Lạp.
Ngày 30/11, một ủy ban quốc hội Áo phê chuẩn nghị định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm 10 ngày (tăng lên 20 ngày), US News đưa tin. Chính phủ Áo nói rằng, đây sẽ là đợt phong tỏa dài ngày nhất. Áo là nước đầu tiên ở Tây Âu tái áp dụng phong tỏa mùa thu này.
Thế giới chia cách
Cả Hy Lạp và Áo áp dụng biện pháp tiêm chủng bắt buộc sau khi một loạt biện pháp, bao gồm cấm người chưa tiêm đến các địa điểm trong nhà, không hiệu quả. Cả hai nước này đối mặt các phong trào chống vắc xin được thổi bùng bởi các thuyết âm mưu, lý do tôn giáo và chống chủ nghĩa độc tài.
Tại Áo, một chính trị gia cực hữu chưa được tiêm vắc xin đã thúc đẩy việc sử dụng thuốc tẩy giun cho ngựa ivermectin để điều trị COVID-19. Thành viên đảng của ông này đã tham gia cùng hàng nghìn người xuống đường để phản đối các biện pháp phong tỏa và tiêm chủng bắt buộc.
Bà Christine Bertl, một nhà sinh hóa học người Áo, nhận định: “Xã hội nên gắn bó với nhau, quan tâm lẫn nhau trong những thời điểm như thế này. Nhưng thay vào đó, chúng ta đang tách ra thành hai thế giới - người đã tiêm chủng và người chưa tiêm chủng. Và những người chưa được tiêm chủng chỉ nghĩ về bản thân họ”. Bà Bertl nói rằng, họ đang từ chối các loại vắc xin do EU mua về mà lẽ ra có thể được cung cấp cho các quốc gia không đủ khả năng mua chúng.
Hơn 61% người Hy Lạp và 67% người Áo đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19, theo dữ liệu của Trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Biện pháp tiêm chủng bắt buộc được đưa ra khi thế giới đang phải đối mặt biến chủng mới Omicron. Nhiều nhà khoa học nói rằng, dường như Omicron có khả năng lây nhiễm cao. Các ca nhiễm Omicron đã được ghi nhận ở một số quốc gia EU, bao gồm Áo. Thủ tướng Mitsotakis nói rằng, biến chủng mới có thể sẽ xuất hiện ở Hy Lạp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận