Không theo nổi BHXH vì mất việc trước tuổi nghỉ hưu
'Mất việc ở tuổi tứ tuần, tôi ráng theo tiếp cho đủ số năm đóng BHXH để có lương hưu, nhưng chỉ được thêm sáu tháng là đành bất lực'.
Chưa đến hưu đã hết tuổi nghề, đố là nỗi trăn trở lớn với người lao động Việt khi nói đến câu chuyện BHXH. Không được doanh nghiệp trọng dụng sau tuổi 40, dễ rơi vào cảnh mất việc khi trải qua các đợt cắt giảm nhân sự... trong khi tuổi nghỉ hưu liên tục tăng cao. Tất cả tạo ra một khoảng trống mênh mông trước tuổi hưu mà nhiều người lao động, đặc biệt là trong ở các ngành nghề thâm dụng lao động, phải đối mặt. Đấy cũng là nguyên nhân lớn khiến họ rời bỏ quỹ hưu trí, lựa chọn rút BHXH một lần để tự tìm lối thoát.
Thấm thía nỗi khó khăn khi mất việc trước tuổi hưu, độc giả Dream chia sẻ: "Tôi rất đồng cảm với những người mất việc trước tuổi hưu và buộc phải rút BHXH một lần. Bản thân tôi cũng là một trong số đó, khi bước vào tuổi tứ tuần, công ty tôi bị phá sản, khiến gần 30 con người bị thất nghiệp, trong đó có tôi. Lúc đó, tôi đã đóng BHXH được 15 năm. Sau đó, tôi cũng ráng đóng tiếp cho đủ số năm để có lương hưu, nhưng chỉ được thêm sáu tháng là bất lực, vì công việc mới không ổn định, xin vào công ty khác thì đã quá tuổi, chẳng đâu chịu nhận.
Cuối cùng, tôi cũng đành rút BHXH một lần để có số tiền ít ỏi làm vốn mưu sinh. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn nghĩ rằng đó không phải là một quyết định tồi, vì dù có đóng BHXH đến giờ, đủ số năm theo quy định, thì tôi cũng vẫn phải chờ thêm bảy năm nữa mới có lương hưu. Nếu vậy thì từ khi mất việc đến nay, gia đình tôi biết sống bằng gì? Lấy vốn đâu để mưu sinh, bươn chải, duy trì cuộc sống?
Thực tế, công nhân trực tiếp sản xuất cho các doanh nghiệp, khi ngoài 50 tuổi, đã phần đã đủ số năm đóng BHXH theo quy định, nhưng họ lại dần dần bị doanh nghiệp thải loại. Các doanh nghiệp cũng chẳng mặn mà gì với người lớn tuổi, vì sức khỏe giảm sút và chân tay chậm chạp, hiệu suất lao động thấp, không đáp ứng được công việc. Vậy là một lượng lớn lao động cao tuổi thất nghiệp trước tuổi hưu, họ không thể chờ thêm cả chục năm nữa để có lương hưu.
Vì vậy, tôi cho rằng, nên quy định lại số năm tối thiểu người lao động phải đóng BHXH là 20 năm. Sau khi hoàn thành đủ, họ sẽ được nhân lương hưu ngay, theo phần trăm lương cơ bản, dù chưa đến tuổi hưu. Nếu số năm đóng BHXH nhiều hơn, theo các mức 25, 30, 35, 40 năm thì số phần trăm tính lương hưu cũng sẽ được tăng lên. Như vậy, người lao động đã đóng BHXH trên 10 năm, cũng sẽ có thêm động lực để ráng sức đóng thêm cho tới lúc có lương hưu. Điều đó sẽ giúp giảm tình trạng rút BHXH một lần, vì thời gian chờ tuổi hưu quá lâu như hiện tại"
Đồng cảm với những trăn trở của người lao động mất việc ở tuổi tứ tuần, bạn đọc Nhựt đoàn nhận định: "Chính sách BHXH hiện nay chỉ thật sự phù hợp với lao động thuộc khối Nhà nước, khi vị trí làm việc không phù hợp sẽ được điều chuyển sang vị trí khác, việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc sa thải chỉ là hy hữu. Còn ở các doanh nghiệp, công ty tư nhân, người ta chú trọng đến năng lực cũng như năng suất lao động, nên việc cắt giảm lao động khi gặp khó khăn hoặc sức khỏe người lao động giảm sút ở độ tuổi sau 45-50 là chuyện chẳng hiếm.
Hơn nữa, việc cắt giảm lao động có tuổi còn để giảm chi phí lương do thâm niên. Mặt khác, việc tham gia mức BHXH hiện nay cho người lao động lại ở mức tối thiểu của quy định, nên việc lương hưu về sau của người lao động thật sự có đảm bảo được mức sống tối thiểu của 10-20 năm sau không? Tất cả những thứ ấy công hưởng lại khiến người lao động không muốn kiên nhẫn chờ lương hưu".
"Người lao động về già được hưởng lương hưu, không phải làm phiền con cháu, điều đó ai mà không muốn. Nhưng thực tế, lao động từ 45 tuổi trở lên ở các công ty tư nhân là con số rất ít ỏi. Những người ở độ tuổi đó rất khó trụ lại vì sức khỏe giảm sút. Cái máy hoạt động lâu ngày cũng phải hư, cần bảo trì bảo dưỡng, thậm chí là phải thay thế một cái máy khác hoạt động tốt hơn. Người lao động lớn tuổi cũng như vậy, nên không doanh nghiệp nào muốn sử dụng những lao động tay chân mà năng suất không đạt vì vấn đề tuổi tác. Do vậy, Nhà nước cần phải có những chính sách tốt hơn để người lao động có thể làm việc đến tuổi nghỉ hưu và hưởng lương hưu theo đúng mục tiêu của BHXH", độc giả Le Quoc Thinh nói thêm.
Nhấn mạnh những bất cập tồn tại trong chính sách BHXH hiện nay, bạn đọc Tô Vũ bình luận: "Nan giải chủ yếu nằm ở các lao động ngoài quốc doanh:
Thứ nhất, lao động có tuổi nghề ngoài 40 hầu như không còn được các doanh nghiệp sử dụng hay tuyển dụng.
Thứ hai, khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh (trừ doanh nghiệp nước ngoài) đa phần đóng BHXH cho người lao động với mức tối thiểu, cho nên dù họ đủ thời gian đóng bảo hiểm thì mức lương hưu nhận về cũng sẽ rất thấp.
Thứ ba, khoảng trống trước tuổi hưu là quá lớn, dẫn tới nhiều người có điều kiện sống không cao, không có cơ hội sử dụng các loại thực phẩm sạch và dịch vụ y tế chất lượng, có nguy cơ chỉ kịp nhận một, hai năm lương hưu, thậm chí qua đời khi chưa tới tuổi hưu, khiến họ thấy thiệt thòi khi đóng BHXH.
Vì những lý do trên, hầu hết những người lao động trong khối doanh nghiệp tự nhân sẽ chọn rút BHXH một lần. Chính vì thế, muốn cải thiện tình trạng trên, Nhà nước cần phải có những chính sách phù hợp hơn".
Làm gì để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần? Độc giả Tho P Duc đề xuất: "Tôi cho rằng, có hai vấn đề lớn cần giải quyết:
Thứ nhất là quy định thời gian đóng BHXH và tuổi được hưởng lương hưu: Theo tôi, thời gian đóng BHXH đối với những người làm trong các công ty, doanh nghiệp ngoài Nhà nước nên giảm xuống từ 20-25 năm là phù hợp. Tuổi để được hưởng lương hưu đối với những người đã đóng đủ số năm cũng nên giảm xuống dưới 60 với cả nam và nữ.
Thứ hai, mức hưởng bảo hiểm cũng nên điều chỉnh cho phù hợp với mức sống hiện tại cũng như tương lai sau này. Ví dụ, tôi đóng BHXH đủ 30 năm theo quy định, nhưng mới 57 tuổi. Theo quy định hiện hành, nếu tôi muốn lãnh lương hưu 75% sẽ phải chờ hơn ba năm nữa. Thời gian đó, tôi lấy gì để mưu sinh hàng tháng? Còn nếu muốn lãnh lương hưu ngay, tôi lại bị trừ mỗi năm 1%, chỉ còn xấp xỉ 72%.
Còn trường hợp vì điều kiện không cho phép, 35 tuổi tôi mới tham gia bảo hiểm, mới đóng được 25 năm mà tuổi lao động đã hết, muốn lãnh lương hưu cũng chỉ được 45%, với mức lương đóng bảo hiểm 7 triệu đồng một tháng, tôi chỉ được lãnh 3.150.000 đồng. Số tiền đó có đủ để tôi sống trong một tháng khi vật giá leo thang không ngừng?
Rất mong các cơ quan chức năng để ý và điều chỉnh những vấn đề này để người lao động không bị thiệt thòi".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận