Không phải thị trường chứng khoán nào cũng hồi phục mạnh trong thời gian qua
Tất cả những nhà đầu tư huyền thoại trên phố Wall đều cho rằng, chứng khoán đang khá đắt đỏ nhưng có lẽ họ đã quên theo dõi chứng khoán châu Âu.
Được định giá gần mức thấp kỷ lục so với S&P 500 trên cơ sở ước tính P/B, chỉ số Stoxx Europe 600 Index đã bị thụt lùi lại phía sau trong đợt hồi phục mạnh mẽ vừa qua so với thị trường chứng khoán thế giới khi chỉ hồi phục 18% kể từ mức đáy tháng 3 so với mức hồi phục hơn 30% của chứng khoán Mỹ.
“Cổ phiếu ở châu Âu diễn biến khá kém so với Mỹ trong cùng một thời điểm. Tuy nhiên, chúng tôi ngày càng ít quan điểm về xu hướng giảm giá hơn đối với một số lĩnh vực ở châu Âu như ô tô, tài chính, điều này chủ yếu là do định vị của nhà đầu tư và định giá cơ bản”, Alberto Tocchio, Giám đốc đầu tư tại Công ty quản lý tài sản Colombo Wealth SA.
Có nhiều lý do cho sự hồi phục chậm chạp của thị trường chứng khoán châu Âu và những điều này còn tồn tại rất lâu từ trước cuộc khủng hoảng Covid-19 như: căng thẳng chính trị và kinh tế giữa các thành viên EU với mức tăng trưởng lợi nhuận mờ nhạt hơn so với các công ty Mỹ, các công ty cấu thành nên chỉ số chứng khoán chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi yếu tố chu kỳ và lĩnh vực đầu tư giá trị.
Tuy nhiên, Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu là một trong những nước đầu tiên trên thế giới dỡ bỏ phong toả là thị trường có ít các cổ phiếu công nghệ, điều này có thể trở thành một điều may mắn nếu các nhà đầu tư vội vã thoát ra khỏi các cổ phiếu công nghệ đắt đỏ của Mỹ.
Đầu tư tăng trưởng và đầu tư giá trị
Trong sự hồi phục của thị trường gần đây, các công ty phòng thủ là những công ty có thể cho thấy sự tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, như công nghệ và chăm sóc sức khỏe, đã vượt xa các công ty ảnh hưởng nhiều bởi chu kỳ kinh tế và hàng hóa như ngân hàng, dầu mỏ, nhà sản xuất ô tô và khai khoáng.
Khi các nền kinh tế lớn bắt đầu giảm bớt các biện pháp phong toả và sự phục hồi dự kiến sẽ mất một thời gian, nhiều chiến lược gia, bao gồm cả những chiến lược gia tại JPMorgan Chase & Co. và Citigroup Inc. đã khuyên nhà đầu tư nên ưu tiên các ngành công nghiệp phòng thủ và tăng trưởng an toàn hơn và nói rằng cổ phiếu theo chu kỳ và giá trị sẽ tiếp tục có hiệu suất thấp. Điều này đặt thị trường châu Âu vào thế bất lợi vì nó có sự hiện diện rộng rãi của các cổ phiếu chu kỳ và giá trị.
Nhưng châu Âu có thể trở thành người chiến thắng nếu nền kinh tế toàn cầu nhìn thấy sự phục hồi nhanh chóng hình chữ V một khi các doanh nghiệp có thể mở cửa trở lại và người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu. Để giúp thúc đẩy sự phục hồi sau khủng hoảng, các nhà hoạch định chính sách châu Âu được cho là đang thực hiện các bước đầu tiên để tiếp tục nới lỏng quy tắc MiFID II trong một động thái nhằm khuyến khích các công ty đầu tư, giao dịch và tăng vốn trên thị trường chứng khoán.
Các chiến lược gia của Credit Suisse Group AG do Andrew Garthwaite dẫn đầu hôm thứ Năm (14/5) nói rằng, các cổ phiếu rẻ hơn trong khu vực châu Âu có thể vượt trội trong thời gian tới bởi vì đang có sự mua mạnh đặc biệt bởi các nhà đầu tư. Họ tin rằng tháng 4 đã chứng kiến tác động kinh tế tồi tệ nhất và các cuộc khảo sát về sản xuất và dịch vụ cho thấy sự phục hồi vào tháng 5, giúp hỗ trợ cho các cổ phiếu giá trị.
Tuy nhiên, theo dữ liệu từ EPFR Global và Bank of America Corp, những nhà đầu tư tham gia thị trường này đã rút khoảng 28 tỷ USD từ các quỹ chứng khoán khu vực trong năm nay. Điều này cho thấy việc tìm kiếm các nhà đầu tư tăng tỷ trọng cổ phiếu châu Âu là rất khó khăn.
Stuart Rumble, Giám đốc đầu tư đa tài sản tại Fidelity International đã thoát khỏi thị trường chứng khoán châu Âu do phản ứng của các chính sách tài khoá tiền tệ không có sức mạnh lớn như Mỹ và việc dỡ bỏ phong toả chỉ vừa mới bắt đầu. Nhưng ông cũng cho biết rằng đã nhìn thấy một vài cơ hội tại các cổ phiếu ngân hàng và năng lượng, do đó đầu tư chứng khoán vẫn là con đường để đi.
Sau sự sụp đổ lịch sử về giá dầu, Stoxx Europe 600 Oil & Gas Index đang giao dịch ở mức 0,9 lần giá trị sổ sách. Theo Rumble, mức định giá này còn có thể thấp hơn quanh mức 0,4 lần giá trị sổ sách.
“Rất khó có thể thoải mái khi nắm giữ cổ phiếu châu Âu, chúng tôi vẫn đang nghiêng về các cổ phiếu tăng trưởng mặc dù chúng tôi cũng đang xem xét trở lại một số cổ phiếu giá trị”, ông nói.
Theo Giám đốc quản lý tiền tệ Marcus Morris-Eyton của Allianz Global Investors, cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghệ ở châu Âu là tương đối nhỏ khi vốn hóa thị trường của Stoxx Europe 600 Technology Index chỉ bằng khoảng 10% của ngành công nghệ thông tin trên S&P 500.
Bên cạnh đó, Marcus Morris-Eyton cho biết, đã tăng cường theo dõi các cổ phiếu công nghệ ở châu Âu trong tháng 3 và tháng 4 với các câu chuyện chuyển đổi phần mềm và kỹ thuật số. Điều khiến ông quan tâm đến lĩnh vực này là nhiều xu hướng phụ trợ như số hóa, đám mây, thanh toán trực tuyến và thương mại điện tử đã tăng tốc.
“Và trong khi châu Âu có thể thiếu người khổng lồ công nghệ như thị trường Mỹ, thì nó có những lợi thế riêng”, ông nói.
“Ở châu Âu, chúng tôi có ít đám mây hơn, chúng tôi có ít mô hình kinh doanh trực tuyến và hướng tới người tiêu dùng hơn như FAANGs. Tuy nhiên, chúng tôi có công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp rất mạnh, chúng tôi có ngành bán dẫn tốt, chúng tôi có một số doanh nghiệp trong lĩnh vực thanh toán tốt và một số doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin mạnh”, Marcus Morris-Eyton nói thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận