menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mạc Văn Chiến

Không ngồi chờ khách đến, tiểu thương chợ Hà Nội bán hàng kiểu mới, ship luôn tận nhà

Nhắn gọi khách quen, mời giao hàng tận nhà, đăng thông tin rao bán thực phẩm trên các nhóm chợ online khu dân cư…. là cách mà nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống ở Hà Nội đang làm để bán hàng mùa dịch.

Không ngồi chờ khách đến, tiểu thương chợ Hà Nội bán hàng kiểu mới, ship luôn tận nhà

Tiểu thương chợ truyền thống rao bán hàng tại các chợ online để tăng khách mùa dịch... (Ảnh chụp màn hình trên các nhóm chợ).

Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, người dân được phát phiếu đi chợ theo giờ, theo ngày. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại dịch bệnh nên ít đi chợ hơn khiến các khu chợ truyền thống không còn đông khách như trước, hàng hóa tiêu thụ chậm. Thay vì thụ động ngồi chờ khách đến chợ hỏi mua hàng, nhiều tiểu thương đã chủ động tìm khách bằng nhiều cách.

Chị Nguyễn Dung, người chuyên bán thịt bò tại một chợ truyền thống trên địa bàn phường Đại Kim, quận Hoàng Mai cho biết, từ trước khi chưa xảy ra dịch bệnh, chị đã có hẳn một danh bạ khách hàng “ruột” hay mua hàng của chị nên bây giờ chị tận dụng để bán hàng.

"Nếu như trước đây, các mối lấy hàng của tôi phần nhiều là các nhà hàng, quán phở, quán cơm… thì nay do dịch bệnh họ phải đóng cửa nghỉ hết nên tôi cũng mất đi một lượng khách lớn. Giờ đây, chính những khách hàng quen lại trở thành những mối tiêu thụ hàng cho tôi.

Từ ngày xảy ra dịch bệnh, thay vì chờ khách đến mua, tôi thường gọi điện cho các khách hàng quen và hỏi họ cần mua loại thịt bò nào, số lượng bao nhiêu... tôi sẽ miễn phí chuyển đến tận nhà", chị Dung chia sẻ.

Theo chị Dung, điều thuận tiện là các khách hàng đều ở quanh khu vực chợ chị bán nên việc ship hàng cho khách khá thuận tiện, nhất là trong thời điểm giãn cách như hiện nay. Tiền thanh toán hầu hết các khách đều chuyển khoản là xong, chỉ có một số trường hợp khách trả tiền mặt thì họ cho tiền sẵn vào túi nilon và giữ khoảng cách khi nhận hàng.

Chị Dung không quên dặn khách, bất cứ hôm nào cần lấy thịt cứ nhắn tin chị sẽ chuyển đến tận nhà.

Không ngồi chờ khách đến, tiểu thương chợ Hà Nội bán hàng kiểu mới, ship luôn tận nhà
Một tiểu thương đăng bán rau trên các nhóm chợ, miễn phí vận chuyển đến tận nhà dưới 2km...

Bán thịt lợn và rau củ tại chợ dân sinh Cầu Lủ (quận Hoàng Mai), anh Vinh, một tiểu thương cho biết, do dịch bệnh lượng khách giảm nên để duy trì kinh doanh anh phải tìm khách bằng cách đăng bán thịt lợn, rau củ trên các nhóm chợ online ở các khu dân cư cùng địa bàn.

“Khách đặt đến đâu thì tôi đi ship đến đó, nhưng chỉ giao ở những khu vực cùng quận, cùng địa bàn bán hàng. Với những khách chỉ cách chỗ tôi 2km thì tôi miễn phí ship. So với trước dịch, việc tìm kiếm khách và bán hàng thời điểm này chỉ bằng một phần, nhưng vẫn phải duy trì kinh doanh. May mà một số khách quen cũ vẫn điện thoại đặt mua hàng”, anh Vinh nói.

Theo anh Vinh, để giữ khách, giá thịt lợn và rau củ gia đình anh bán vẫn không thay đổi so với trước. Ví dụ như thịt thăn lợn giá 140.000 đồng/kg, sườn giá 150.000 đồng/kg, thịt mông giá 120.000 đồng/kg…

Còn chị Nguyễn Hoa, chuyên bán hoa quả tại một chợ dân sinh thuộc huyện Thanh Trì, cho hay, trước đây chị sử dụng mạng xã hội facebook để chơi, thi thoảng đăng ảnh cho vui, hoặc để con cháu gọi điện về nhìn thấy mặt nhau. Thế nhưng từ khi dịch bệnh xảy ra, nhất là giờ thực hiện giãn cách xã hội nên khách đến chợ rất ít, hàng ứ đọng nhiều. Một số chị em ở chợ đã chỉ cho nhau cách tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội để bán hàng.

“Thấy vậy, tôi cũng học và tham gia mấy nhóm chợ cư dân chung cư quanh khu vực Thanh Trì để đăng hàng bán. Bên cạnh hình ảnh về hoa quả còn kèm giá bán công khai rõ ràng. Cách này cũng giúp tôi có thêm khách hàng, có người mua lần đầu thấy hoa quả chất lượng họ nhắn tin khen ngon và sẽ mua tiếp lần sau. Mặc dù khách chưa quen nên tôi chưa bán được nhiều song hàng hóa cũng không bị ứ đọng nhiều nên tôi rất vui”, chị Hoa nói.

Theo thống kê của Sở Công thương Hà Nội, trên địa bàn TP Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… Dịch bệnh xảy ra khiến xu hướng tiêu dùng trên thị trường thay đổi, nhiều kênh bán hàng ra đời đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chợ truyền thống, chợ dân sinh và buộc các tiểu thương ở chợi phải thay đổi, thích nghi và tận dụng mọi hình thức bán hàng để tồn tại; cũng như để cạnh tranh với các cửa hàng tiện lợi, bách hoá hiện nay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại