menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thành Chung

Không nên tạo gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và ngân hàng

Theo đánh giá của VNBA, việc áp dụng thu thuế VAT không đúng bản chất của thư tín dụng, đặt vấn đề truy thu thuế, phạt kê khai sai và tiền chậm nộp thuế VAT đối với các khoản thu liên quan đến thư tín dụng phát sinh từ đầu năm 2011 đến nay sẽ gây tác động

Ngân hàng bất ngờ bị truy thu thuế VAT

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có văn bản số 117/HHNH-PLVN gửi Bộ Tài chính và NHNN liên quan đến thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ thư tín dụng (L/C) của các TCTD. VNBA cho biết, cơ quan này đã nhận được phản ánh của các TCTD hội viên về việc Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính ban hành Công văn số 1606/TCT-DNL ngày 22/4/2020 về thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ thư tín dụng (L/C) của các TCTD gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong văn bản này, Tổng cục Thuế có nêu căn cứ quy định tại Luật Các TCTD năm 2010 và các quy định pháp luật liên quan,… kể từ ngày 1/1/2011, khi Luật Các TCTD số 47/2010/QH12 có hiệu lực thi hành thì thư tín dụng (L/C) là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán. Do vậy sẽ không thuộc đối tượng không chịu thuế VAT theo quy định; đồng thời yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, hướng dẫn các TCTD trên địa bàn quản lý có phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ L/C thực hiện kê khai, nộp thuế VAT theo đúng quy định. Thực hiện Công văn số 1606/TCT-DNL nêu trên, hiện các cơ quan thuế địa phương đang yêu cầu các TCTD rà soát, kê khai và nộp thuế VAT đối với các khoản thu từ thư tín dụng phát sinh từ ngày 01/01/2011 đến nay.

Theo đánh giá của VNBA, việc thu thuế VAT với nghiệp vụ L/C là không hợp lý. Bởi theo các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về nghiệp vụ thư tín dụng chứng từ và thông lệ quốc tế (Bộ quy tắc về thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ - UCP 600) thì thư tín dụng, trong đó ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng phát hành/xác nhận L/C, về bản chất là cam kết/bảo lãnh thanh toán như đối với thư tín dụng nhập khẩu (bao gồm cả thư tín dụng dự phòng). Trong trường hợp này, ngân hàng cung cấp dịch vụ bảo lãnh thanh toán và được luật pháp coi là hình thức cấp tín dụng (Khoản 14 Điều 4 và Khoản 3 Điều 98 Luật Các TCTD).

Mặt khác, NHNN cũng đã yêu cầu các TCTD phải phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro cho các cam kết này theo quy định. Cho nên, các khoản phí liên quan trực tiếp đến việc phát hành, xác nhận, thông báo L/C để bảo lãnh thanh toán cho khách hàng là phí thu trên hoạt động cấp tín dụng và không thuộc đối tượng chịu thuế VAT theo quy định của Luật thuế Giá trị gia tăng, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.

Lâu nay các văn bản hướng dẫn thuế như Thông tư số 219/2013/TT-BTC, Công văn số 11754/BTC-CST ngày 06/9/2010 của Bộ Tài chính, Công văn số 4520/TCT-DNL ngày 4/10/2017 của Tổng cục Thuế…, các TCTD đã và đang thực hiện đúng chính sách thuế trên cơ sở bóc tách rõ bản chất của các khâu trong dịch vụ là dịch vụ thanh toán hay hoạt động cấp tín dụng để xác định các loại phí liên quan đến thư tín dụng thuộc hay không thuộc đối tượng chịu thuế VAT.

Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho rằng, đề xuất truy thu thuế rất vô lý. “Từ năm 2011 đến nay, làm gì có ngân hàng nào không bị thực hiện quyết toán thuế. Định kỳ 3 năm các ngân hàng quyết toán thuế một lần. Như vậy, sau 9 năm, việc quyết toán thuế đều không có vấn đề gì khúc mắc, tại sao thời điểm này lại viện dẫn quy định để truy thu? Rõ ràng yêu cầu trên là không hợp lý”, ông Văn đặt vấn đề.

Truy thu thuế gây khó cho cả người vay và cho vay

Theo đánh giá của VNBA, việc áp dụng thu thuế VAT không đúng bản chất của thư tín dụng, đặt vấn đề truy thu thuế, phạt kê khai sai và tiền chậm nộp thuế VAT đối với các khoản thu liên quan đến thư tín dụng phát sinh từ đầu năm 2011 đến nay sẽ gây tác động xáo trộn lớn, ảnh hưởng xấu tới hoạt động của các NHTM, nhất là trong bối cảnh phải tập trung hỗ trợ chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Đồng quan điểm, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, do sự chồng chéo trong các quy định cũng như chưa hiểu hết bản chất nghiệp vụ dẫn đến việc đưa ra các yêu cầu không hợp lý. Điều này sẽ tạo tiền lệ không tốt trong việc thực hiện các quy định pháp luật cũng như gây khó cho ngân hàng thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho DN. Đặc biệt, trong giai đoạn này ngân hàng đang phải dành rất nhiều thời gian giải quyết các hồ sơ, thủ tục để hỗ trợ các DN cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Chưa kể quy định trên lại đánh mạnh vào hầu bao của DN vốn đang ngày càng mỏng.

Theo chia sẻ của ông Võ Tấn Hoàng Văn, một trong những lý do các hình thức cấp tín dụng không bị tính thuế VAT là nhằm giảm áp lực tài chính cho người đi vay, bởi chi phí thuế sẽ lại hạch toán vào chi phí của người vay. Đồng quan điểm trên, theo VNBA, trong lúc nhiều DN gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, việc đồng loạt truy thu tiền thuế VAT là không khả thi, ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng và các DN liên quan. Ngoài ra, yêu cầu “hồi tố” sẽ làm phát sinh một loạt chi phí xã hội do phải điều chỉnh hóa đơn, số liệu về kê khai, nộp thuế, khấu trừ thuế…

Vì vậy VNBA kiến nghị, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế hướng dẫn các Cục Thuế địa phương không áp dụng thuế VAT đối với nghiệp vụ phát hành thư tín dụng và các khoản phí có liên quan đến quy trình cấp tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế VAT theo đúng tinh thần của Luật Các TCTD 2010, Luật Thuế VAT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, không yêu cầu “hồi tố”, bắt các TCTD rà soát, kê khai và nộp thuế VAT đối với khoản thu từ nghiệp vụ thư tín dụng phát sinh từ năm 2011 đến nay.

Hiệp hội cũng kiến nghị NHNN Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan làm rõ các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để việc hiểu và áp dụng thuế VAT đối với nghiệp vụ thư tín dụng đúng bản chất, thống nhất, không gây khó khăn trong hoạt động của các TCTD.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại