Không học Đại học vẫn thành công
Từ trước đến nay, đa số mọi người luôn tin rằng đại học là con đường duy nhất để đi đến thành công. Họ tin rằng bằng đại học là tấm vé thông hành cho con đường sự nghiệp. Vì vậy mà có đến 99% các bạn trẻ luôn mong muốn nắm lấy cơ hội bước vào giảng đường.
Tuy nhiên, những năm gần đây, rất nhiều nhân vật điển hình cho câu nói “không học vẫn thành công” được truyền thông rộng rãi, từ doanh nhân, nhà bác học, nhà viết kịch, diễn viên… trên thế giới và Việt Nam như Charles Darwin, Thomas Edison, Bill Gates, Richard Branson, Mac Zuckerberg, Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức), Lê Phước Vũ, Dương Ngọc Minh… Những câu chuyện này khiến không ít bạn trẻ băn khoăn nên dừng việc học và theo đuổi con đường lập nghiệp từ sớm hay theo đuổi con đường học tập bài bản rồi mới tiến thân lập nghiệp? Giữa hai làn sóng trái chiều ấy, đâu là đúng và đâu là sai?
Hơn 17 năm trước cũng không ngoại lệ, không thoát khỏi nỗi ám ảnh này. Bạn thấy đấy, ngày trước tôi cũng như bao người, khao khát được học đại học, và nếu thi đậu đại học, tôi cũng không dại gì chọn học cao đẳng. Nhưng sau hơn 10 năm ra trường và đi làm, tôi lại thấy mình may mắn vì đã rớt đại học. Có thể nhiều người nghĩ rằng tôi “lý sự” để ngụy biện cho thành tích học tập không mấy ấn tượng. Có thể điều đó là đúng với họ, nhưng tôi chẳng quan tâm. Mục đích tôi chia sẻ câu chuyện của bản thân không phải để cổ xúy cho quan điểm không cần nỗ lực vào đại học. Tôi chỉ muốn bày tỏ quan điểm rằng đại học không phải là con đường duy nhất. Đó chỉ là một trong số rất nhiều những con đường ngắn nhất để sở hữu những nền tảng cho hành trình chinh phục thành công.
Đại học là một con đường tốt. Bởi việc học đại học không chỉ trang bị cho bạn những kiến thức chuyên ngành, mà còn trang bị về khả năng tư duy, lập luận và những kỹ năng thiết yếu như: kỹ năng hùng biện (lập luận và nêu ra quan điểm của bản thân), kỹ năng làm việc nhóm, làm việc độc lập và hệ thống vấn đề, lên kế hoạch… Chính bởi những ưu điểm đó giúp những người sở hữu bằng đại học có lợi thế hơn trên con đường thăng tiến. Dù không tính đến yếu tố chuyên môn thì tâm lý chung của các tổ chức, doanh nghiệp tên tuổi và quy mô là sẽ e ngại khi giao việc quản lý cho một người chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng.
Tôi không khuyên bạn NÊN hay KHÔNG NÊN trong việc lựa chọn con đường nào. Bởi điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: năng lực, sở thích, nền tảng gia đình và điều kiện kinh tế. Bạn đã xác định được mình là ai trong chương trước, hãy dựa vào những hiểu biết về bản thân để tự đưa ra cho mình câu trả lời.
Tôi chỉ nói với bạn một điều: học gì không quan trọng, quan trọng là cách ứng xử, thái độ và khả năng thích ứng của bạn trong quá trình học tập. Tinh thần cầu thị, khả năng đúc kết lý thuyết để ứng dụng trong công việc thực tế sẽ quyết định bạn thành công hay thất bại trong tương lai.
Chúng ta có rất nhiều cách học khác nhau chứ không phải chỉ khi đặt chân đến trường mới gọi là đi học. Chúng ta cũng chẳng cần thiết phải so sánh con đường của bản thân với con đường của ai khác. Bởi bạn sẽ không biết được trên con đường đó, họ đã trải nghiệm những gì.
Bạn cần hiểu rằng dù lựa chọn con đường nào, làm bất kỳ việc gì, khi bạn dành thời gian và tâm huyết, nỗ lực hết mình và thực thi quyết liệt thì thành quả sẽ đến. Sự học là suốt đời, hãy học khi bạn có cơ hội và còn có thể. Vì học là con đường đi đến thành công nhanh nhất, rộng nhất và ít chông gai nhất.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận