24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồng Ngọc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Không giao vốn cho Tổng công ty Đường sắt: Bộ GTVT nói gì?

Bộ GTVT khẳng định Việc giao dự toán bảo trì cho Cục Đường sắt VN để tổ chức thực hiện bảo trì KCHT đường sắt quốc gia là phù hợp với quy định của Luật Đường sắt.

Bộ GTVT không giao vốn cho Tổng công ty Đường sắt VN

Ngày 17/4, Văn phòng Bộ GTVT đã chính thức thông tin về việc giao vốn nhà nước để duy tu đường sắt và trả lương cho hơn 11.300 lao động trong năm 2021, đang bị vướng cơ chế khiến cho 4 tháng qua Tổng công ty Đường sắt VN vẫn chưa được giao vốn và đứng trước nguy cơ phá sản.

Trước những thông tin trên, Bộ GTVT khẳng định: "Việc không giao dự toán bảo trì cho Tổng công ty Đường sắt VN mà giao thẳng cho Cục Đường sắt Việt Nam để tổ chức thực hiện bảo trì KCHT đường sắt quốc gia là phù hợp với quy định của Luật Đường sắt".

Không giao vốn cho Tổng công ty Đường sắt: Bộ GTVT nói gì?
Ga Hà Nội là trung tâm kết nối hệ thống đường Việt Nam.

Lý giải về việc không giao vốn cho Tổng công ty Đường sắt VN, Bộ GTVT cho biết, trước đây Tổng công ty Đường sắt VN trực thuộc Bộ GTVT nên hàng năm vốn bảo trì sẽ được giao thẳng cho Tổng công ty Đường sắt VN để ký hợp đồng đặt hàng thực hiện với 20 doanh nghiệp bảo trì.

Đến nay, Tổng công ty Đường sắt VN đã được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý, không còn trực thuộc Bộ GTVT quản lý, vì vậy, theo Luật Ngân sách Nhà nước, Bộ GTVT không thể giao vốn các năm tiếp theo cho Tổng công ty Đường sắt VN như những năm trước đây.

Để giải quyết các vướng mắc về giao vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, các Bộ, ngành liên quan chưa thực sự thống nhất trong việc thực hiện giao vốn bảo trì đường sắt năm 2020, Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ đã đồng ý giao vốn năm 2020 cho Tổng công ty Đường sắt VN để triển khai thực hiện.

Năm 2021, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 125/TB-VPCP ngày 25/3/2020 của Văn phòng Chính phủ: "Bộ GTVT đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện bố trí, sử dụng kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia từ năm 2021 theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời, hiệu quả, đồng thời bảo đảm chất lượng, ATGT đường sắt và chế độ cho người lao động" và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Công văn 8412/VPCP-KTTH ngày 7/10/2020.

Ngoài ra, Bộ GTVT căn cứ vào Khoản 1 Điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước, Khoản 1 Điều 31 Nghị định 163/2016/NĐ-CP và ý kiến của Bộ Tài chính - Bộ chuyên ngành quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách, tháng 12/2020, Bộ GTVT đã có quyết định giao vốn bảo trì năm 2021 cho Cục Đường sắt VN.

Vai trò của Cục Đường sắt VN là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về đường sắt, là đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và là đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới nên việc giao vốn cho Cục chủ trì thực hiện hoàn toàn phù hợp với các văn bản, quy định pháp luật trên.

Do vậy, Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường sắt VN khẩn trương thực hiện các thủ tục về đặt hàng bảo trì để việc bảo trì KCHT đường sắt năm 2021 được thường xuyên, liên tục và triển khai ngay từ đầu năm 2021.

Không giao vốn cho Tổng công ty Đường sắt: Bộ GTVT nói gì?
Hạ tầng đường sắt Việt Nam lạc hậu, cần nâng cấp cải tạo.

Bộ GTVT giao vốn cho Cục Đường sắt VN

Theo báo cáo của Cục Đường sắt VN, ngay trong tháng 1/2021, Cục đã dự thảo các hợp đồng đặt hàng bảo dưỡng KCHT đường sắt quốc gia, quản lý, giám sát công tác bảo dưỡng KCHT đường sắt quốc gia; Tổ chức 5 cuộc họp với Tổng công ty Đường sắt VN và 4 cuộc họp với 20 công ty cổ phần đường sắt, thông tin tín hiệu đường sắt để triển khai nhiệm vụ đặt hàng bảo trì KCHT đường sắt quốc gia năm 2021.

Tuy nhiên, Tổng công ty Đường sắt VN và 20 công ty bảo trì đường sắt không đồng ý thương thảo ký hợp đồng đặt hàng vì theo Tổng công ty vẫn còn vướng mắc một số quy định pháp luật như: Điều 21 Luật Đường sắt, Điều 10 Nghị định số 46 và Luật Đấu thầu.

Để tháo gỡ những khó khăn về việc ký hợp đồng bảo trì đường sắt, các đơn vị đã tổ chức các cuộc họp với Cục Đường sắt VN và 20 công ty bảo trì. Do Tổng công Đường sắt VN giữ trên 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp, nên theo quy định của Luật Doanh nghiệp, khi doanh nghiệp cổ phần ký hợp đồng đặt hàng có giá trị hợp đồng trên 35% giá trị tài sản doanh nghiệp, thì người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại doanh nghiệp phải xin chủ trương của Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt VN và thông qua Đại hội cổ đông công ty. Đến nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chưa chấp thuận cho phép, do đó các công ty chưa đủ điều kiện để ký hợp đồng đặt hàng với Cục Đường sắt VN.

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định: "Việc giao dự toán bảo trì cho Cục Đường sắt VN để tổ chức thực hiện bảo trì KCHT đường sắt quốc gia là phù hợp với quy định của Luật Đường sắt".

Giải thích vì sao phù hợp, Bộ GTVT cho biết, Cục Đường sắt VN - Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường sắt ký hợp đồng đặt hàng với các doanh nghiệp bảo trì do Tổng công ty Đường sắt VN nắm giữ 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp, là đơn vị thực hiện bảo dưỡng công trình đường sắt.

Cục Đường sắt VN cũng ký hợp đồng đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt VN để kiểm tra, giám sát và quản lý công tác bảo dưỡng công trình đường sắt. Các chủ thể ký hợp đồng này đáp ứng đầy đủ điều kiện đặt hàng theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.

Như vậy, Tổng công ty Đường sắt VN và các doanh nghiệp bảo trì thuộc Tổng công ty vẫn trực tiếp thực hiện việc công tác quản lý bảo trì và bảo trì công trình theo đúng ngành nghề đăng ký kinh doanh, đảm bảo tuân thủ theo quy định của Luật Đường sắt nhưng phải thông qua cơ chế đặt hàng theo quy định của Nghị định 32/2019/NĐ-CP.

Đối với những khó khăn của Tổng công ty Đường sắt VN đang gặp phải, Bộ GTVT đã đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt VN nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật.

Đồng thời, có ý kiến đồng ý cho các đơn vị thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nắm quyền chi phối ký hợp đồng bảo dưỡng KCHT đường sắt quốc gia với Cục Đường sắt VN. Qua đó khẩn trương tiếp nhận dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế và thực hiện công tác bảo trì KCHT đường sắt quốc gia năm 2021 nhằm đảm bảo đời sống của cán bộ, công nhân đường sắt cũng như đảm bảo an toàn KCHT đường sắt.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả