Không để trục lợi khi thu hồi đất
Người dân có thể chấp nhận thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng chứ không chấp nhận việc lợi dụng kẽ hở thu hồi đất để trục lợi, lợi ích nhóm.
Ngày 14-11, Quốc hội (QH) dành gần trọn ngày để thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Việc xác định giá đất, thu hồi đất, đền bù đất… là những vấn đề làm nóng nghị trường.
Khó định giá đất theo thị trường
Dù đánh giá việc bỏ khung giá đất là bước đột phá, phù hợp thực tiễn nhưng nhiều đại biểu (ĐB) QH cho rằng để đưa giá đất sát với giá thị trường là một bài toán rất khó.
Theo ĐB Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh), trong giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất luôn tồn tại 2 giá khác nhau: giá trong hợp đồng và giá thực tế. Giá trong hợp đồng thường thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Nguyên nhân dẫn đến trốn thuế là do thuế chuyển quyền sử dụng đất cao, trong khi bảng giá đất do nhà nước ban hành quá thấp so với giá thị trường. "Do đó làm thế nào để xác định giá đất sát với giá thị trường là điều mà luật phải tính toán kỹ và cần quy định chặt chẽ; công khai thông tin, tuyên truyền về giá để hạn chế tình trạng sốt đất ảo, giúp cân bằng, ổn định về giá thị trường, có chế tài xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, lướt sóng, tạo giá đất gây nhiễu loạn thị trường đất đai" - ĐB Phương góp ý.
Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An): “Các quy định liên quan đến thu hồi đất còn nhiều bất cập” Ảnh: PHẠM THẮNG
ĐB Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) băn khoăn quy định về bảng giá đất tại khoản 1 điều 164 của dự thảo luật, vì trên thực tế tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương trong thời gian qua, một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất.
Theo bà Bích Ngọc, tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất được sát, đúng. Do vậy, cần quy định theo hướng có tổ chức độc lập và chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hằng năm.
Thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trước đó, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH - đề nghị Chính phủ định nghĩa cụ thể hơn "giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường" và quy định rõ phương pháp định giá đất, trường hợp áp dụng cụ thể. Ông Vũ Hồng Thanh lưu ý: "Có thể áp dụng nhiều phương pháp xác định, thẩm định giá đất khác nhau nhưng phải chọn phương án có kết quả cao nhất để không làm thất thoát ngân sách".
Góp ý thêm về nội dung định giá đất, ĐB Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho rằng rất khó để xác định giá đất phù hợp với giá thị trường. Bởi lẽ, giá thị trường thì sẽ có lúc lên, lúc xuống nhưng lâu nay việc xác định giá đất theo nguyên tắc năm sau cao hơn năm trước. Nguyên tắc định giá này không phù hợp với quy định định giá đất phù hợp với giá thị trường. "Tâm lý chung của người dân khi bị thu hồi đất thì luôn mong muốn được áp giá cao nhưng khi nộp tiền sử dụng đất thì luôn muốn nộp với giá thấp. Do đó, phải định giá thế nào để hài hòa vấn đề này nhằm tránh khiếu kiện, khiếu nại rất phức tạp" - ĐB Phan Thái Bình nhấn mạnh.
Băn khoăn nhà nước thu hồi đất
Cho ý kiến về nội dung thu hồi đất, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng đây luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và mọi người dân. Báo cáo thường niên của Chính phủ cho thấy khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại, tố cáo. "Người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế cho lợi ích của cộng đồng, của nhà nước. Người dân sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người nhưng lại áp giá đền bù thấp mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở trục lợi, lợi ích nhóm" - ĐB Tô Văn Tám nói.
Theo ĐB Tô Văn Tám, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cần làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Cần tiếp cận theo hướng: Những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược, quy định sự phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng thì thu hồi. Các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, thương mại theo quy hoạch mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư sẽ thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Trong khi đó, ĐB Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) quan tâm tới các trường hợp nhà nước thu hồi đất. ĐB này cho rằng đây là một trong các lĩnh vực có nhiều khiếu nại, do những quy định liên quan còn bất cập, chưa giải quyết được mối quan hệ hài hòa giữa nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất. ĐB Trần Nhật Minh chỉ rõ: Điều 86 của dự thảo luật so với điều 62 Luật Đất đai hiện hành, phạm vi thu hồi đất được mở rộng hơn, song vẫn chưa rõ ràng, tách biệt vì mục đích khi nhà nước thu hồi đất dễ bị áp dụng chủ quan. Đặc biệt, dự thảo luật chưa làm nổi bật được tiêu chí trường hợp "thật cần thiết" theo khoản 3 điều 54 Hiến pháp năm 2013. Đây chính là bất cập rất lớn, gây khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư trong thời gian vừa qua.
Do đó, theo ĐB Trần Nhật Minh, cần làm rõ hơn các điều kiện, tiêu chí đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để tách biệt với các dự án phát triển kinh tế có lợi ích thuần túy của chủ đầu tư, nhằm tránh sự áp đặt chủ quan, máy móc, tràn lan khi nhà nước thu hồi đất dẫn đến sự không đồng thuận của người có đất bị thu hồi; qua đó áp dụng cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải cho biết việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ, dự kiến phải 3 kỳ họp để có thời gian rà soát kỹ lưỡng với tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. "Ủy ban Thường vụ QH sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu; tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị ĐB chuyên trách để tiếp tục hoàn chỉnh dự án luật trình QH tiếp tục xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 5" - Phó Chủ tịch QH cho biết.
Đại biểu NGUYỄN HỮU THÔNG (đoàn Bình Thuận): Quan tâm đến nhà ở cho công nhân Thời gian qua, khu công nghiệp mọc lên rất nhiều nhưng khâu quản lý về quy hoạch nhà ở cho công nhân (CN) hầu như chưa được quan tâm đúng mức, chương trình phát triển nhà ở cho CN không đạt được kết quả như mong muốn. Hiện đa số CN phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư khá xập xệ và không ít gia đình có 4 người - vợ chồng, con cái - sống trong những căn nhà chưa đầy 10 m2, bao gồm cả nhà vệ sinh; không dám mua tủ lạnh, máy giặt vì không có chỗ để. Để bảo đảm nhu cầu an cư lạc nghiệp của hàng triệu CN, để bảo đảm quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cần xác định chỉ tiêu đất làm nhà ở cho CN - lao động tùy theo nhu cầu thực tế và định hướng phát triển của từng địa phương. Đại biểu ĐỖ ĐỨC HIỂN (đoàn TP HCM): Đấu giá đất khi chưa bồi thường tiềm ẩn nguy cơ khiếu kiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu rõ thu hồi đất chỉ thực hiện sau khi phương án bồi thường, tái định cư đã được phê duyệt. Mặt khác, theo quy định hiện hành, tài sản đấu giá là tài sản được phép giao dịch theo quy định của pháp luật. Vì vậy, điều 136 tại dự thảo luật cho phép đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là không phù hợp với chủ trương của Đảng và quy định pháp luật hiện hành và tiềm ẩn nguy cơ khiếu kiện, khiếu nại. Do đó, cần quy định về đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa thực hiện bồi thường, tái định cư. |
Chiều 14-11, các ĐBQH biểu quyết thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với 465/474 phiếu tán thành (chiếm 93,37% tổng số ĐBQH ). Dự kiến hôm nay (15-11), QH bước vào ngày làm việc cuối cùng, thông qua một số luật, nghị quyết (trong đó có nội dung về kéo dài thời thời hạn thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP HCM) và họp phiên bế mạc. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận