Không để giá hàng hóa “té nước theo mưa”
Sau 7 lần liên tục tăng mạnh kể từ cuối tháng 12/2021, giá xăng trong nước đã lập đỉnh lịch sử lên gần 30.000 đồng/lít sau kỳ điều hành giá ngày 11/3.
Tương tự, các mặt hàng dầu cũng tăng giá mạnh khi dầu diesel đã lên mức 25.268 đồng/lít, dầu hỏa 23.918 đồng/lít và dầu mazut 20.987 đồng/kg. Không chỉ xăng, dầu tăng, giá nhiều loại hàng hóa thực phẩm, vật liệu, dịch vụ “đua theo” cao ngất ngưởng khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng trước, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,2% so với tháng 12/2021. Theo cơ quan này, nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng là do giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nhâm Dần 2022. Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng dự báo một số yếu tố sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong tháng 3 và các tháng còn lại của năm.
Không chỉ người tiêu dùng, DN cũng lo lắng cơn bão giá sẽ gây áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh trong khi dịch bệnh còn phức tạp. Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc này sẽ tác động mạnh đến hiệu quả của chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế VAT nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng đang được triển khai, ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng cả năm.
Khó khăn dồn dập, chỉ mong cơ quan nhà nước có những biện pháp ổn định thị trường, ngăn chặn đà tăng giá. Giá xăng dầu tăng theo giá thế giới là chuyện chẳng đặng đừng, nhưng đáng lo hơn là các loại hàng hóa, dịch vụ khác cũng lấy cớ để tăng giá một cách bất hợp lý.
Cơ quan quản lý cần kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thổi giá, té nước theo mưa, trục lợi bán hàng hóa ở mức giá bất hợp lý. Đơn cử như trong dịch Covid-19 đang căng thẳng, tại Hà Nội mỗi ngày có hàng chục nghìn ca nhiễm mới, lợi dụng tình trạng này, các loại thiết bị y tế cũng bị đẩy giá tăng mạnh đã xuất hiện tình trạng khan hiếm, nhảy giá liên tục. Hay như tình trạng găm hàng xăng dầu trước ngày điều chỉnh giá. Còn rất nhiều những mặt hàng khác, muôn hình muôn vẻ của thị trường cũng dễ dàng bị tận dụng tình hình để trục lợi.
Cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt hành vi găm hàng, tăng giá, trục lợi. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá đối với các loại hàng hóa thiết yếu. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, yêu cầu các bộ, ngành sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân. Đối với các trường hợp vi phạm, cần có chế tài xử phạt nghiêm, bảo đảm sự ổn định cho thị trường, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận