Không để doanh nghiệp “núp bóng” FDI làm ăn gian lận
Đầu tư "núp bóng" hầu như địa phương nào cũng có và gian lận xuất xứ hàng hóa nằm ở đây.
Dự kiến trong tháng 7, Tổng Cục Hải quan sẽ công bố những vụ gian lận đã được điều tra và báo cáo.
Mới đây, tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt là các hình thức đầu tư chui, núp bóng doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) để nhập hàng không rõ nguồn gốc về giả là hàng xuất xứ Việt Nam.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư phải có bộ lọc đối với các dự án đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp FDI đáp ứng đủ các yêu cầu. "Đầu tư chui, đầu tư núp bóng, hầu như địa phương nào cũng có. Và gian lận xuất xứ hàng hóa là nằm ở chỗ này. Một mặt chúng ta kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu nhưng mặt khác phải có bộ lọc để lựa chọn các doanh nghiệp FDI", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo khẳng định của ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan đã thu thập được thông tin nhiều vụ gian lận các loại hàng hóa nhập khẩu về rồi giả mạo xuất xứ là hàng Việt Nam, bán ra thị trường lừa dối người tiêu dùng. Thậm chí, các mặt hàng nhập từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó lấy danh nghĩa là hàng Việt để xuất khẩu ra nước ngoài nhằm hưởng ưu đãi thuế như gỗ và sắt thép.
Thực tế không hề có chuyện mua nguồn nguyên liệu trong nước. Quá trình điều tra cũng xác minh một số địa phương đã ký khống cho các doanh nghiệp này để có giấy tờ mua bán nguyên liệu đầu vào giả là hàng tự sản xuất.
“Chúng tôi đã điều tra, xác minh và chuẩn bị công bố các doanh nghiệp gỗ. Các doanh nghiệp này khai mua nguyên liệu từ người dân, địa phương để chế biến, đều có giấy tờ xác nhận của chính quyền địa phương. Tuy nhiên toàn bộ việc không sản xuất trong nước đã được chứng minh. Chúng tôi cũng đề nghị UBND các địa phương không thực hiện hành vi tiếp tay cho doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Cẩncho biết.
Nhiều mặt hàng nhập từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó lấy danh nghĩa là hàng Việt để xuất khẩu ra nước ngoài nhằm hưởng ưu đãi thuế như gỗ và sắt thép
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục thống kê nhận định năng lực sản xuất sản phẩm gỗ của Việt Nam trong mấy năm gần đây không có sự tăng trưởng đột biến, nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm đạt 4.867 triệu USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2018. Nhìn vào năng lực sản xuất, có thể thấy, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ “có vấn đề”.
Không chỉ sản phẩm gỗ, mà còn 7 chủng loại hàng hóa khác cũng có nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa. Chính vì vậy, Tổng cục Thống kê đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan, đặc biệt là với Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan để đưa ra giải pháp loại trừ gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế, tránh tình trạng doanh nghiệp vì cái lợi trước mắt, nhập khẩu hàng hóa, thực hiện gia công, sơ chế rất ít và sau đó xuất khẩu đi các nước đã ký kết FTA với Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội giảm thuế nhập khẩu của các thị trường này.
Vụ việc mới đây, Chi cục Hải quan Tân Thanh cùng các lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ kho hàng có 280 kiện hàng, chứa 8.400 chiếc cốc giữ nhiệt in dòng chữ “Made in Thailand” trên sản phẩm, mới 100% có dấu hiệu giả mạo xuất xứ Thái Lan tại chợ Hữu Nghị - Lạng Sơn. Hiện Chi cục cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng trong tỉnh Lạng Sơn để điều tra làm rõ.
Cơ quan Hải quan còn phát hiện nhiều vụ buôn lậu khi siết chặt khu vực cảng biển, nhiều lô hàng nhập khẩu vào Campuchia, Lào rồi xé lẻ để nhập lậu về Việt Nam. Nếu gian lận xuất xứ sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm xuất khẩu khác của Việt Nam. Khi các nước như Mỹ, Ấn Độ điều tra ngược lại về vấn đề nguồn gốc thì các sản phẩm của Việt Nam sẽ bị phạt và đánh thuế rất nặng.
Vị lãnh đạo Tổng cục Hải quan còn lấy ví dụ về việc Mỹ áp mức thuế nhập khẩu lên tới 456% với sản phẩm thép từ Việt Nam. Trong đó, các sản phẩm gắn mác thép Việt nhưng có xuất xứ tại Hàn Quốc và Đài Loan sẽ bị chịu mức thuế nói trên, còn thép sản xuất trong nước chỉ phải áp dụng mức thuế là 20%.
Hiện Tổng cục Hải quan đang làm việc với cơ quan cung cấp giấy phép xuất xứ là Bộ Công Thương để đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng gian lận xuất xứ diễn ra thời gian qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận