Không để bị động trong điều tiết thị trường xăng dầu
Về nguồn cung xăng dầu, khi giá xăng dầu tăng thì nguồn cung bị ảnh hưởng trong một khoảng thời gian. Ở đây có trách nhiệm và vai trò của Bộ Công Thương trong vấn đề điều tiết cung, cầu.
LTS: Sự bị động trước việc giá xăng dầu đã có lúc tăng cao nhất lịch sử làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân đang được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về vai trò điều tiết thị trường.
Chia sẻ với DĐDN ĐBQH Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thể hiện đúng những nội dung cấp thiết của đời sống.
- Ông đánh giá như thế nào về các giải pháp Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn?
Về quản lý xăng dầu, Bộ trưởng đã xác định mục tiêu của chúng ta trong giai đoạn hiện nay là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đây là mục tiêu cao nhất để đảm bảo sự ổn định, bền vững cho tăng trưởng lâu dài.
Tất nhiên, để kiểm soát được lạm phát thì phải kiềm chế được giá xăng dầu. Tuy nhiên, giá xăng dầu chỉ là một trong các nội dung để kiểm soát lạm phát, nhưng không đặt ưu tiên cho việc phải giảm giá xăng dầu.
- Mục đích tối thượng là kiểm soát lạm phát chứ không phải tối thượng là giá xăng dầu. Như vậy, giá xăng dầu tác động đến lạm phát thì cần những biện pháp quản lý như thế nào?
Giá xăng dầu phải bám sát giá thị trường thế giới, nhưng nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước với mục tiêu không để bị động bất ngờ và đột xuất từ bên ngoài. Mục tiêu của chúng ta là bình ổn giá. Đây là quan điểm quản lý giá xăng dầu của Bộ Công Thương và theo quan điểm của tôi là phù hợp.
Chúng ta có một số công cụ để quản lý giá xăng dầu, như Quỹ bình ổn giá thời gian qua đã phát huy hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, nếu giá xăng dầu tăng đột biến như vừa qua thì sẽ gây “cạn kiệt” quỹ.
Còn với các biện pháp khác, như giảm các yếu tố cấu thành giá xăng dầu, trong đó có phí, lệ phí, thuế môi trường... Mục đích của thuế môi trường là bảo vệ môi trường, nhưng trong thời điểm cấp bách này, Chính phủ và Bộ Công Thương cũng có đề xuất hỗ trợ để giảm giá xăng dầu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
- Đề xuất giảm thuế môi trường lúc này có hợp lý không, thưa ông?
Thuế GTGT hay thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định. Còn thuế môi trường thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Quốc hội. Trong khi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp hàng tháng nên quyết vấn đề này nhanh và kịp thời hơn.
Với đề xuất giảm thuế môi trường của Bộ Công Thương, tôi đánh giá là hợp lý vào giai đoạn này. Vì khi giá xăng dầu tăng, người dân và doanh nghiệp phải chịu sức ép tăng giá quá mức, khi đó chúng ta phải phát huy hiệu quả vai trò điều tiết của nhà nước. Mục tiêu là không để tăng giá xăng quá cao và quá nhanh như giá thế giới thời gian qua.
Tuy nhiên, về nguồn cung xăng dầu, khi giá xăng dầu tăng thì nguồn cung bị ảnh hưởng trong một khoảng thời gian. Ở đây có trách nhiệm và vai trò của Bộ Công Thương trong vấn đề điều tiết cung, cầu.
Trách nhiệm của Bộ Công Thương là không tính toán hết tất cả các yếu tố biến động của cung-cầu, để điều tiết nhập khẩu và cung cấp cho thị trường. Tất nhiên sau đó, Bộ Công Thương cũng đã kịp thời điều chỉnh nên chỉ bị “gián đoạn” trong vài ngày ở một số cửa hàng cung ứng xăng dầu nhỏ, lẻ nhưng đây cũng là bài học.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đề xuất nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia lên ít nhất 1, 2 tháng, thay vì 5, 7 ngày như hiện nay. Đề xuất này phù hợp, khả thi, đáp ứng được yêu cầu trong quản lý.
- Còn vai trò giám sát của Quốc hội trong các vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Các Đại biểu Quốc hội cũng đã rất trách nhiệm trong giám sát thực thi pháp luật trên các lĩnh vực. Đơn cử, giám sát các lĩnh vực thuộc Bộ Công Thương quản lý, các Đại biểu Quốc hội đã chất vấn nhiều vấn đề cụ thể, phản ánh từ tâm tư, suy nghĩ, nguyện vọng của người dân. Những vấn đề “nóng” trong đời sống xã hội hiện nay, như xăng dầu, nông sản, gian lận thương mại đã được đặt ra.
Các Đại biểu Quốc hội đặt ra những câu hỏi chất vấn thẳng thắn, trách nhiệm, đúng thực trạng. Đây là cơ hội để các bộ trưởng giải trình cũng như nâng cao trách nhiệm của mình với cử tri và nhân dân.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội:
Xăng dầu là đầu vào quan trọng của hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là vận tải. Để hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của việc giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp đã phải cắt giảm mạnh những chi phí không cần thiết, nâng cao ý thức của lái xe về tiết kiệm nhiên liệu. Tuy vậy, nếu giá xăng dầu tiếp tục duy trì ở mức cao sẽ phải điều chỉnh giá cước. Như vậy, đã khó lại càng khó, bởi lượng hành khách và hàng hóa vận chuyển giảm.
Ông Nguyễn Quang Sang, Phó Giám đốc Công ty TMDV Hàng hóa Phương Nam (Bình Dương):
Giá xăng dầu tăng gây áp lực rất lớn đến chi phí vận hành của doanh nghiệp. Chi phí xăng dầu cho đội xe tải bị đội lên từ 5-7%, buộc đơn vị phải có phương án thay đổi giá. Trong hoạt động của doanh nghiệp logistics, xăng dầu chiếm cơ cấu khoảng 35% giá cước. Vì thế, nếu không tăng giá cước logistics theo chi phí giá xăng, doanh nghiệp đối diện lỗ nặng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận