Không để “bê tông hóa” Phú Quốc
Theo các chuyên gia, việc quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch phải làm sao để đảo Ngọc Phú Quốc thêm “sáng”, hài hòa lợi ích và vì mục tiêu phát triển bền vững.
Quy hoạch xây dựng đảo Phú Quốc, Kiên Giang đến năm 2030 vừa được Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt theo hướng tăng hàng trăm ha đất ở, tăng dân số, đồng thời giảm diện tích đất rừng phòng hộ, đất trồng cây xanh, công cộng.
Tốc độ đô thị hóa nhanh đang đặt thành phố Phú Quốc trước bài toán làm sao hài hòa các mục tiêu phát triển
Cụ thể, trong báo cáo thẩm định điều chỉnh quy hoạch xây dựng đảo Phú Quốc, Kiên Giang đến năm 2030 vừa được Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng cho thấy 8 khu vực quy hoạch trên đảo sẽ được điều chỉnh với tổng diện tích 674ha. Trong đó, đáng lưu ý đất ở điều chỉnh tăng 168ha, đất tái định cư tăng 54ha, đất công trình công cộng giảm 23ha, đất giao thông tăng 6,7ha, đất du lịch hỗn hợp giảm 178ha, đất nông nghiệp giảm 129ha, đất rừng phòng hộ giảm 71,9ha...
Việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng được xem là cần thiết trong bối cảnh Phú Quốc vừa chính thức được “nâng cấp” lên thành thành phố Đảo đầu tiên của cả nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phải làm sao để đảo Ngọc Phú Quốc thêm “sáng”, hài hòa lợi ích và vì mục tiêu phát triển bền vững tránh việc chạy theo những mục tiêu ngắn hạn về thu hút đầu tư mà làm mất đi những nét đặc trưng vốn là bản sắc, giá trị tạo nên lợi thế so sánh.
Đối với định hướng quy hoạch và phát triển của Phú Quốc, từ khá sớm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc để phát triển du lịch bền vững, cần giữ môi trường tự nhiên và xã hội an bình nơi đây và phải thực hiện tốt quy hoạch, không được “bê tông hóa” Phú Quốc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Kiên Giang vào tháng 7/2019.
Việc trung tâm thành phố Phú Quốc bị úng ngập đặt ra câu hỏi về sự đồng bộ quy hoạch đô thị
Nhìn lại bức tranh phát triển “nóng” tại Phú Quốc thời gian qua khi có hàng trăm dự án khiến phần lớn bờ biển khu vực trung tâm đã bị các nhà hàng, khách sạn lấn chiếm hoặc xây dựng kiên cố với chiều cao che lấp toàn bộ không gian biển. Như tại tuyến đường Trần Hưng Đạo gần như đã bị bê tông hóa dọc hai bên, vỉa hè cho người đi bộ hầu như bị lấn chiếm gần hết, nhiều dòng suối thoát nước bị san lấp để có mặt bằng kinh doanh quán nhậu, làm nơi chứa phế liệu.
Như vậy, để thực hiện được quy hoạch điều chỉnh xây dựng đảo Phú Quốc, Kiên Giang đến năm 2030 theo hướng vừa được Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt cũng đồng nghĩa với việc thành phố Phú Quốc sẽ phải tìm lời giải cho bài toán đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đặt ra tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Kiên Giang vào tháng 7/2019 là việc thành phố cũng nên tập trung vào những lợi thế so sánh cốt lõi là tài nguyên biển và tài nguyên sinh thái. Cần phát triển chuỗi giá trị du lịch bao gồm những ngành kinh tế liên quan để các ngành đó không mâu thuẫn với phát triển du lịch, giữ được vẻ đẹp tự nhiên, cảnh quan môi trường và bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương Phú Quốc.
Đối với việc lập quy hoạch cũng như xem xét điều chỉnh quy hoạch của các địa phương, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định các địa phương cần xuất phát thực tiễn của địa phương mình, căn cứ vào Quy chế quản lý kiến trúc để rà soát quy hoạch theo định hướng vừa xây dựng quy hoạch mới, vừa điều chỉnh quy hoạch cũ.
Cũng theo ông Nghiêm có quy hoạch tốt chỉ là bước đầu, việc đưa được quy hoạch vào thực tế của các địa phương mới là quan trọng. Dẫn câu chuyện “vỡ quy hoạch” của thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc), TS. Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh việc điều chỉnh quy hoạch phải luôn tâm niệm việc tôn trọng cảnh quan thiên nhiên là để gìn giữ, bảo vệ cho thế hệ sau cùng được hưởng và phát triển, chứ không phải vì lợi ích trước mắt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận