24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mỹ Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Không còn mức lãi suất huy động trên 10%/năm tại các ngân hàng

Cuộc đua lãi suất thời gian qua liên tục nóng, nhất là sau 2 đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Có thời điểm lãi suất huy động cao nhất tại một số ngân hàng đã lên mức 10-11%/năm. Tuy nhiên, đến nay, mức lãi suất này đã không còn được niêm yết.

Cụ thể, trong tuần cuối tháng 10/2022, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) công bố áp dụng lãi suất cao nhất lên tới 11%/năm. Đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất hệ thống tại thời điểm đó.
Tuy nhiên, lãi suất 11%/năm thực chất chỉ áp dụng cho 3 tháng đầu với tiền gửi Happy Future tại kỳ hạn 9 tháng, còn 6 tháng cuối lãi suất điều chỉnh về 5,95%/năm. Như vậy, lãi suất huy động bình quân trong 9 tháng chỉ ở mức 7,63%/năm. Đồng thời, khách hàng cũng không được rút trước hạn.

Sang đến tháng 11, Nam A Bank đã điều chỉnh bảng lãi suất, cao nhất hiện nay là 8,9%/năm áp dụng đối với khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 36 tháng và được phê duyệt của Tổng Giám đốc. Đối với khoản tiền gửi dưới 500 tỷ đồng cùng kỳ hạn, Nam A Bank áp dụng lãi suất là 8,3%/năm.

Còn với tiền gửi thông thường tại Nam A Bank, lãi suất cao nhất được áp dụng là 8,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Mức lãi suất này cũng được áp dụng cho khách hàng gửi tiền trực tuyến tất cả các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tại Nam A Bank.

Tương tự tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), lãi suất 10,5%/năm cho khoản gửi từ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng đã không còn được niêm yết. Thay vào đó, lãi suất huy động cao nhất đang được áp dụng là 8,95%/năm đối với tiền gửi trực tuyến Tiết kiệm An Phú, kỳ hạn từ 24 tháng trở lên; 8,85%/năm cho kỳ hạn 15-18 tháng; 8,75%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng.

Ngoài ra, NCB còn ưu đãi cộng thêm 0,2% lãi suất khi gửi trên NCB iziMobile cho khách hàng lần đầu gửi tiết kiệm tại ngân hàng này. Như vậy, lãi suất cao nhất khách hàng có thể được hưởng tại NCB là 9,15%/năm.

Còn với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, NCB áp dụng lãi suất cao nhất là 8,65%/năm cho tiền gửi tiết kiệm rút gốc linh hoạt, kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.

Ngày 5/11, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng vừa công bố biểu lãi suất mới với lãi suất cao nhất huy động là 8,9%/năm đối với tiền gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 18-36 tháng, gửi từ 50 tỷ đồng trở lên. Trước đó, VPBank từng niêm yết lãi suất huy động lên tới 10,02%/năm đối với lãi suất tháng đầu của sản phẩm Tiết kiệm gửi góp Prime Savings kỳ hạn 36 tháng.

Trái ngược với diễn biến trên, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục tăng mạnh lãi suất tiền gửi.

Như tại Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), lãi suất cao nhất áp dụng cho tháng 11 là 9,2%/năm cho khoản gửi từ 300 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 và 13 tháng. Với khoản gửi dưới 300 tỷ đồng, lãi suất áp dụng là 7,9 và 7,95%/năm, cao hơn mức 7,8%/năm trước đó.

Các kỳ hạn 6 và 9 tháng tại HDBank, lãi suất cũng lần lượt tăng mạnh từ mức 6,6 và 6%/năm lên thành 7,5 và 7,3%/năm.

Đối với tiền gửi trực tuyến, HDBank áp dụng lãi suất huy động cao hơn khoảng 0,1%/năm so với biểu lãi suất tại quầy.

Một ngân hàng khác cũng có lãi suất huy động cận kề mốc 9%/năm là Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank). Nếu như tháng trước, để được hưởng lãi suất huy động cao nhất lên tới 8,9%/năm tại ngân hàng này, khách hàng sẽ cần gửi tiền kỳ hạn dài là 60 tháng tại quầy hoặc kỳ hạn 18 và 24 tháng trên kênh trực tuyến, thì nay, lãi suất này đã áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng khi gửi từ 100 triệu đồng trở lên. Thời gian áp dụng đến hết ngày 30/11/2022.

Cũng trong khoảng thời gian trên, Viet Capital Bank còn huy động tiền gửi tiết kiệm 6 tháng với lãi suất ưu đãi 8,6%/năm, điều kiện là khách hàng gửi từ 100 triệu đồng lên.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) điều chỉnh lãi suất cao nhất từ mức 8,5%/năm lên thành 8,7%/năm, áp dụng cho tiền gửi Phát Lộc kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đối với khách hàng VIP mở mới.

Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PGBank) tăng mạnh 0,8%/năm lãi suất nhiều kỳ hạn, đưa lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng lên 8,5%/năm khi gửi tiền kỳ hạn 12, 13 và 18 tháng. Lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng tại PGBank cũng có bước tăng tương tự, lên thành 8,2%/năm.

Lãi suất huy động mới nhất tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng tăng từ 0,6-0,7%/năm với nhiều kỳ hạn. Lãi suất cao nhất tại VIB lên tới 7,7%/năm với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn từ 15 tháng trở lên, thay vì mức 7%/năm như hồi cuối tháng 10. Lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng cũng tăng đồng loạt từ 6,9%/năm lên 7,5%/năm.

Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), lãi suất các kỳ hạn đều tăng từ 0,5-0,8%/năm so với trước. Đáng chú ý, lãi suất cao nhất tại ACB được điều chỉnh lên mức 8,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng, điều kiện khách hàng gửi từ 100 tỷ đồng trở lên.

Sau loạt điều chỉnh trên, lãi suất cao nhất hệ thống hiện ở mức 9,3%/năm, áp dụng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn từ 15 tháng.

Trong khi đó, tại 4 ngân hàng lớn là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), lãi suất huy động cao nhất chỉ ở mức 7,4%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng trở lên. Mức lãi suất này đang có sự cách biệt đáng kể so với các ngân hàng thương mại khác và cũng là mức huy động thấp nhất hệ thống.

Theo báo cáo từ Trung tâm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), mặt bằng lãi suất huy động đã về mức tương đương với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát, thậm chí có ngân hàng còn cao hơn. Không những vậy, nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi cộng lãi suất cũng được các ngân hàng tung ra để hút dòng tiền nhàn rỗi.

So với cuối năm 2021, lãi suất trung bình đã tăng từ 3-4%/năm, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng hầu hết đã được đẩy lên mức kịch trần 6%/năm và dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp. Lãi suất cho vay vì thế cũng khó giảm trong thời gian tới.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá bối cảnh tình hình năm 2022 biến động rất lớn và khó khăn hơn rất nhiều so với dự kiến đánh giá của Chính phủ vào thời điểm cuối năm 2021. Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề lạm phát chỉ xảy ra tạm thời trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, lạm phát đang là xu hướng của toàn thế giới và hiện có hơn 80 quốc gia có mức lạm phát từ 2 con số trở lên. Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất cao và dự kiến sẽ vẫn tiếp tục ở mức cao, đồng đô la Mỹ (USD) tăng mạnh khiến nhiều đồng tiền khác suy giảm.
"Ngay trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng cao, Ngân hàng Nhà nước vẫn được giao nhiệm vụ giảm lãi suất trong khoảng 0,5-1% trong hai năm (2022 và 2023). Đây thực sự là nhiệm vụ rất khó khăn trong hoàn cảnh này", bà Hồng chia sẻ.

Nhấn mạnh giải pháp ứng phó với những biến động trong chính sách kinh tế vĩ mô và tiền tệ, Thống đốc nêu rõ xuyên suốt vẫn là phải kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả