"Không có chỗ cho cổ phiếu thiếu nền tảng mà tung hoành như năm ngoái"
Chuyên gia của Maybank Investment Bank nhận định, bước qua năm nay, sân chơi bắt đầu khó hơn, thể hiện qua 3 tháng đầu năm cho thấy việc kiếm tiền không thuận lợi như năm 2021.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phân tích của Maybank Investment Bank cho rằng chứng khoán vẫn là kênh hút dòng tiền tuy nhiên nhà đầu tư cần lưu ý khi giải ngân, bởi bối cảnh 2022 đã khác…
Ông có đánh giá gì về diễn biến thị trường tuần qua với pha giảm mạnh đầu tuần và lên điểm 4 phiên liên tiếp?
Tuần qua tôi nhìn nhận thị trường có sự cân bằng, cải thiện hơn so với áp lực giảm mạnh ở tuần trước đó. Quan sát cho thấy, 1.436 là vùng hỗ trợ mạnh của thị trường, là khu vực thị trường ít nhất 4 lần có phản ứng bật tăng khi tiếp cận vùng này, lực cầu trong vùng giá này là tốt.
Điểm trừ tuần rồi là thanh khoản thị trường chưa thực sự cao, lực bắt đáy của nhà đầu tư khá thận trọng khi thị trường hồi phục.
Nhưng với tình trạng hiện tại, bắt đầu có quyền hy vọng thị trường dần dần ổn định, có thể quay trở lại pha tăng nhất định, mục tiêu tiệm cận vùng lịch sử trước đó.
Ông có bình luận gì về giao dịch của khối ngoại gần đây, liệu sẽ có sự trở lại mua ròng?
Tôi có lưu ý, trong hội thảo gần đây, chúng tôi có tổng hợp dữ liệu giao dịch của khối ngoại ở thị trường Thái Lan, Indonesia, Malaysia thấy khá bất ngờ chứng kiến họ mua ròng rất mạnh, đặc biệt ở thị trường Thái Lan trong vài tháng đầu năm nay.
Với Việt Nam, diễn biến khối ngoại chưa thực sự tốt như các thị trường trên. Nhưng nhìn rộng cho thấy cường độ bán ròng đã bớt, không quá mạnh như giai đoạn cuối 2021. Tôi nghĩ nhìn tương quan khu vực, với những thị trường tương đồng, NĐTNN có thể đang quay trở lại mạnh mẽ. Tôi kỳ vọng dòng tiền khối ngoại tốt lên trong thời gian tới. Có thể chưa quay trở lại mua ròng quá nhanh, ít nhất khối ngoại giảm dần bán ròng ở trong giai đoạn mới.
Ông nhận định ra sao về xu hướng thị trường trong tuần mới, VN-Index sẽ được hỗ trợ bởi các yếu tố nào?
Yếu tố hỗ trợ đầu tiên của thị trường, những gì mang yếu tố lo ngại đối với nhà đầu tư đã ở lại trong tuần trước. Cụ thể, chúng ta lo Fed điều chỉnh lãi suất, xung đột Nga - Ukraine có thể ở mức trầm trọng hơn. Tuần rồi cũng có hàng loạt yếu tố mang tính chất thời điểm như đáo hạn phái sinh, review ETF… khiến cho nhà đầu tư khựng lại quan sát, giữ tâm thế phòng thủ.
Các thông tin trên đã ra, thị trường phản ứng không quá tệ. Theo đó, tuần này sẽ là sự cởi mở hơn về góc độ tâm lý của nhà đầu tư khi những thông tin đó không còn ảnh hưởng quá lớn tới thị trường nữa.
Đáng chú ý hiện chỉ có vấn đề Nga - Ukraine, dù tình hình ở mức không quá căng thẳng nhưng vẫn có nhiều ẩn số khó lường, có thể là yếu tố tạo rủi ro, biến động dành cho thị trường ở tuần này. Nhưng nhìn chung tôi nghiêng về hướng là tuần tương đối cân bằng, thuận lợi với thị trường.
Còn yếu tố lạm phát thì sao, thưa ông?
Chúng tôi đang theo dõi sát tính toán về CPI. Chúng tôi đánh giá đây là yếu tố rủi ro đáng kể vào giai đoạn hiện nay mà nhà đầu tư phải để mắt tới. Nếu tình hình lạm phát năm nay ở dưới 4,5% đó là kịch bản tích cực cho thị trường. Nếu lạm phát kiềm chế dưới 4,5%, khả năng Chính phủ ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế là chuyện rõ ràng. Nếu lạm phát ở mức cao hơn, từ trên 5% lúc đó sự thận trọng dành cho thị trường chắc chắn tăng lên. Khi ở mức cao, Chính phủ cần phải cân nhắc cân đối giữa hai nhiệm vụ là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát.
Chúng tôi đánh giá xác suất 70% Việt Nam giữ được lạm phát ở dưới 4,5% trong năm nay. Do đó, trong ngắn hạn nhà đầu tư có thể ấn tượng với các thông tin giá hàng hóa cao như giá xăng dầu. Trên thực tế, vài tuần trước giá dầu đã có dấu hiệu hạ nhiệt trước khi tăng lên lại ở tuần rồi. Chúng tôi nhận thấy giá dầu có thể đã tiệm cận ở một mức đỉnh trong ngắn hạn, có thể sắp tới sẽ hạ nhiệt. Nếu điều này diễn ra sớm thì lạm phát sẽ kiểm soát được dưới mức 4,5%.
Chúng tôi đánh giá tình hình xung đột Nga - Ukraine không kéo dài quá lâu.
Ông có đánh giá gì về triển vọng bức tranh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp quý 1/2022? Ông có lưu ý gì với nhóm cổ phiếu đã tạo sóng thời gian qua như dầu khí, hàng hóa…
Năm 2021 nền kinh tế gặp nhiều khó khăn vì COVID. Nhưng khi mọi thứ quay trở lại đà phục hồi. Tôi cho rằng, bức tranh kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp trên sàn năm nay sẽ có gam màu sáng. Tuy nhiên sự phân hóa là tất yếu.
Với nhóm cổ phiếu dầu khí, nhiều nhà đầu tư lo ngại nhóm này nhạy cảm với giá dầu. Nếu giá dầu rớt xuống dưới 100 USD hoặc 90 USD có thể ngắn hạn bị biến động giảm, nhưng nhà đầu tư cần lưu ý, vào đầu năm không ai kỳ vọng giá dầu sẽ lên trên 80 USD. Với vùng giá 80 USD, phần lớn các doanh nghiệp dầu khí nói chung đã có được sự thuận lợi về kinh doanh của mình. Về ngắn hạn, các cổ phiếu hàng hóa nguyên vật liệu sẽ nhạy cảm với diễn biến giá. Tuy nhiên về dài hạn, giá dầu có thể hạ nhiệt nhưng sẽ vẫn quanh vùng 80 USD. Theo đó một kết quả kinh doanh tốt, có thể không phải ngay trong quý 1 nhưng trong dài hạn là điều đáng quan tâm.
Hay là nhóm phân đạm là nhóm hưởng lợi tương đối cao trong giai đoạn này, sẽ khó có sự thay đổi nhanh chóng về giá bán, nên giá vẫn có thể ở mức cao. Ngoài ra còn có nhóm ngân hàng, chúng tôi lạc quan về bức tranh gam màu sáng trong năm nay…
Chúng ta thấy bối cảnh 2022 đã khác nhiều so với 2021, 2020. Ông có lời khuyên gì với nhà đầu tư?
Tôi đồng ý với nhận định bối cảnh hiện nay đã khác trước rất nhiều. Năm ngoái hoặc 2020 đã chứng kiến sự bùng nổ về nhà đầu tư mới tham gia thị trường với dòng tiền mới cuồng nhiệt. Tiền đổ vào, cổ phiếu dễ dàng tăng giá, thậm chí cổ phiếu có tính chất đầu cơ lớn tăng nhiều hơn cổ phiếu có nền tảng. Đó cũng là điều khó xử trong 2021 dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Bước qua năm nay, sân chơi bắt đầu khó hơn, thể hiện qua 3 tháng đầu năm cho thấy việc kiếm tiền không thuận lợi trong năm nay. Thị trường cũng có những đợt tăng nhưng cũng xuất hiện những đợt điều chỉnh mạnh ngay trong 3 tháng vừa qua, liên tục nhiều đợt. Nếu lấy tham chiếu là các quỹ đầu tư sẽ thấy lợi nhuận của họ không phải là tốt, phần lớn hòa vốn, thậm chí lỗ nhẹ.
Nhà đầu tư cần phải có sự chọn lọc kỹ lưỡng hơn nhiều, không có chỗ cho cổ phiếu thiếu nền tảng mà tung hoành như năm ngoái, sẽ khó có sự ăn may. Dòng tiền sẽ chắt chiu hơn dù vẫn có số lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường nhưng % tăng trưởng sẽ không thể bằng 2021. Nhiều nhà đầu tư tham gia vào nhưng sẽ có nhà đầu tư bước ra.
Tôi nghĩ dòng tiền năm nay trong nước khá cân bằng. 2022 vẫn sẽ là một năm thuận lợi nhưng khó có câu chuyện đầu tư như năm ngoái. Nhà đầu tư cần suy nghĩ kỹ khi giải ngân, giữ kỷ luật cao mới có cơ hội tìm lợi nhuận tốt.
Vậy theo ông chứng khoán có còn là kênh đầu tư hút dòng tiền hiện nay?
Một cách khách quan, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như năm nay, tôi tự tin cho rằng chứng khoán vẫn là một trong hai kênh có kết quả đầu tư tốt nhất. Dựa vào gì? Đồng ý lạm phát là biến đe dọa nhiều vấn đề trên thị trường, nhưng trong bối cảnh chính phủ thúc đẩy tăng trưởng, các doanh nghiệp cũng phải lấy lại “phong độ” sau năm 2021 làm ăn có phần bết bát, động lực tìm kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp là lớn. Chúng ta cũng trong mặt bằng lãi suất thấp cho tới thời điểm này là một trong những yếu tố hỗ trợ với kênh chứng khoán.
Nếu lạm phát không kiểm soát được và ở mức trên 5%, có thể mặt bằng lãi suất sẽ tăng, lúc đó phải thận trọng hơn với kênh đầu tư chứng khoán. Năm nay nếu kỳ vọng tỷ suất sinh lời như năm ngoái là khó nhưng vẫn là kênh đầu tư hiệu quả ổn nhất trong số các kênh đầu tư hiện nay.
Cảm ơn ông chia sẻ!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận