'Không chủ quan với lạm phát'
Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Thi về mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7-7,5% có ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ hay không, bà Nguyễn Thị Hồng nói, việc điều hành chính sách tiền tệ với mục tiêu là góp phần ổn định giá trị đồng tiền. Biểu hiện của chính sách này thể hiện qua chỉ tiêu lạm phát.
Vì vậy, khi thực hiện chính sách tiền tệ, căn cứ để Ngân hàng Nhà nước căn cứ và xác định mục tiêu là lạm phát. Còn mục tiêu về tăng trưởng kinh tế cũng là một trong những căn cứ để đưa ra mục tiêu về tăng trưởng tín dụng đầu năm. Chỉ tiêu này sẽ được điều hành, có điều chỉnh tùy theo thực tế.
"Khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đó đương nhiên phải có sự phối hợp giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác như đầu tư, thương mại", bà nói.
Trong quá trình triển khai, việc điều hành về lãi suất, tín dụng và công vụ khác cũng được Ngân hàng Nhà nước theo dõi. "Nếu thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát như Quốc hội đề ra thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng có giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế như đã làm thời gian qua như gói cho vay 145.000 tỷ đồng hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà, hỗ trợ 60.000 tỷ đồng ngành thủy sản...
"Tuy nhiên, không được chủ quan với lạm phát. Lạm phát quay trở lại thì chúng tôi sẽ điều chỉnh để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô", bà Hồng cho hay.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi. Ảnh: Media Quốc hội
Hiện Ngân hàng Nhà nước điều tiết tiền tệ hằng ngày qua các phiên giao dịch trên nghiệp vụ thị trường mở. "Mỗi ngày chúng tôi thấy thanh khoản thiếu, sẽ đưa ra và thanh khoản dư thừa, tác động đến yếu tố như là tỷ giá, thì chúng tôi sẽ điều tiết", bà Hồng nói.
Hiện nay, Việt Nam ưu tiên tăng trưởng kinh tế nên chính sách tài khóa mở rộng sẽ có trọng tâm, trọng điểm. Hiện chỉ số nợ nước ngoài, nợ công, thâm hụt ngân sách dưới ngưỡng cho phép khá nhiều. Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu mở rộng chính sách tài khóa hợp lý để tránh phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ. Bởi tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ sẽ tiềm ẩn rủi ro với các ngân hàng.
Theo bà Hồng, hiện nay quy mô dư nợ tín dụng trên GDP Việt Nam là 120% GDP, ở mức cao trong số các nước và WB đã cảnh báo. Vì vậy, nếu Việt Nam tiếp tục dựa vào chính sách tiền tệ thì sẽ tiềm ẩn rủi ro. Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm thúc đẩy các phân khúc khác của thị trường tài chính như thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đây là thị trường giải quyết vốn dài hạn cho doanh nghiệp và người dân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận