Không chủ quan với lạm phát
Thị trường giá cả ở các tỉnh phía Bắc đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão, làm dấy lên lo ngại về tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và khả năng kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm. Trước những lo ngại này, liệu mục tiêu lạm phát 4 - 4,5% do Quốc hội đề ra có còn khả thi?
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9, cho thấy mức tăng 0,29% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 9 đã tăng 2,18%, và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,63%. Tính trung bình quý III/2024, CPI tăng 3,48% so với quý III/2023. Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm nay, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lạm phát cơ bản chỉ tăng 2,69%.
Đảm bảo mục tiêu đề ra
Với những kết quả này, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thu Oanh, tự tin rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 4 - 4,5% do Quốc hội đề ra trong năm 2024 hoàn toàn có thể đạt được.
Bà Oanh cũng lý giải nguyên nhân giúp Việt Nam duy trì mức lạm phát ổn định trong 9 tháng đầu năm. Theo bà, sự thành công này đến từ sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Với chỉ số CPI bình quân 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước đạt 103,88%, chuyên gia nhận định có thể “yên tâm” lạm phát năm nay đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra 4 - 4,5%.
Thứ nhất là yếu tố khách quan do sự hạ nhiệt của lạm phát thế. Theo đó, xu hướng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn thế giới đang tiếp tục mở rộng do lạm phát của các nước đang tiến gần đến mục tiêu 2%. Việc lạm phát thế giới hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm bớt áp lực lạm phát từ kênh nhập khẩu.
“Theo tính toán của chúng tôi thì chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá bình quân 9 tháng đã giảm 1,73% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, thời gian vừa qua, giá xăng dầu thế giới giảm đã tác động làm cho nhóm chỉ số giá xăng dầu trong nước quý III giảm 7,72%, từ đó CPI chung giảm 0,28%”, bà Oanh lý giải xăng dầu là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số CPI của Việt Nam.
Nguyên nhân thứ hai giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát thành công xuất phát từ nội tại nền kinh tế. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành và địa phương quyết liệt triển khai rất nhiều giải pháp như đảm bảo nguồn cung, hoạt động cung ứng, phân phối hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân. Bên cạnh đó, Chính phủ đã tăng cường công tác quản lý điều hành giá trong thời điểm thiên tai bão lũ, kịp thời xuất cấp hàng hóa dự trữ để hỗ trợ, cứu trợ cho người dân.
“Thủ tướng Chính phủ đã triển khai và ban hành nhiều công điện chỉ đạo khẩn trương cung ứng hàng hóa, cũng như khắc phục hậu quả do bão cho nên hầu như không bị thiếu hàng hóa và cũng không xảy ra hiện tượng tăng giá một cách bất hợp lý. Nhờ đó mà hoạt động thương mại trong thời gian qua đã sớm trở lại bình thường đối với các cái địa phương bị ảnh hưởng của bão”, bà Oanh cho biết.
Thêm vào đó, các cái chính sách về thuế, phí, lệ phí hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp đã tiếp tục được Chính phủ thực hiện. Đơn cử như chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn; giảm 2% thuế VAT đối với một số hàng hóa và dịch vụ rồi; tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước; tiếp tục giảm mức thu đối với 36 khoản phí và lệ phí trong năm 2024… Chính sách được tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả cũng góp phần kiểm soát lạm phát.
Trước đó, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế cũng đã đưa ra nhận định lạc quan về kiểm soát lạm phát của Việt Nam dựa trên một số luận điểm như giai đoạn cuối năm diễn biến giá cả thuận lợi hơn, FED giảm lãi suất giúp tháo gỡ bớt áp lực về tỷ giá…
Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo lạm phát Việt Nam sẽ đạt đỉnh giai đoạn 2020 - 2025 vào năm nay, ở mức 4,1%, trước khi hạ trong năm kế tiếp ở mức 3,5%. Ngân hàng Thế giới dự báo lạm phát cả năm 2024 khoảng 4,2%. HSBC thậm chí duy trì dự báo lạm phát năm 2024 của Việt Nam ở mức 3,6%, năm 2025 là 3,0%.
Chứng khoán MBS dự báo CPI bình quân năm 2024 sẽ đạt 3,9% được hỗ trợ bởi sự sụt giảm của giá xăng dầu trong bối cảnh nhu cầu phục hồi tương đối chậm và nỗi lo về thu hẹp nguồn cung được giảm bớt.
Vẫn còn rủi ro khó lường
Dư địa để đạt được mức lạm phát mục tiêu còn nhiều, tuy nhiên theo các chuyên gia, công tác điều hành không được lơ là, chủ quan bởi đang tồn tại một số yếu tố có thể gây áp lực lên lạm phát những tháng cuối năm.
Theo TS. Lê Quốc Phương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp - Thương mại, Bộ Công Thương, đó là việc đồng loạt tăng lương cơ sở từ 1/7; việc tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế, học phí theo lộ trình và tăng giá điện.
Một yếu tố tác động khác là kinh tế thế giới đang có xu hướng phục hồi sau khi các ngân hàng trung ương nhiều nền kinh tế lớn bắt đầu hạ lãi suất cơ bản. Điều đó sẽ đẩy giá hàng hóa thế giới tăng, từ đó gây sức ép lạm phát lên Việt Nam - vốn có độ mở với thế giới rất cao.
Chung quan điểm, bà Nguyễn Thu Oanh lo ngại, nếu CPI các tháng cuối năm liên tục tăng ở mức cao sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng, gây áp lực cho việc điều hành giá năm 2025.
Theo đại diện Vụ Thống kê giá, thế giới có thể xảy ra các cú sốc lạm phát. Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt, xung đột chính trị quân sự leo thang khó lường có thể gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng, làm gia tăng chi phí vận tải, gây nên rủi ro an ninh lương thực, an ninh năng lượng, đồng thời gây sức ép lên giá dầu thô cũng như là các nguyên vật liệu chính đầu vào cho sản xuất.
“Trong những ngày qua giá dầu thô là đã quay trở lại tăng cao do tình hình căng thẳng của Trung Đông. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên các rủi ro của lạm phát thế giới sẽ rất nhanh chóng tác động tới lạm phát của Việt Nam”, bà Oanh lưu ý.
Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu trên thế giới đang giảm nhưng vẫn ở mức cao so với thời kỳ trước đại dịch, tạo áp lực cho doanh nghiệp về chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó gây sức ép lên chi phí tiêu dùng và lạm phát.
Theo các chuyên gia, nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi, dự báo nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, tiêu dùng có khả năng tăng mạnh. Theo tính toán, nếu chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 10% sẽ tác động làm CPI tăng 0,33 điểm phần trăm.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thời gian qua Chính phủ đã thực hiện các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công… Điều này cũng có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu như nguồn cung tiền không được kiểm soát một cách hợp lý.
Ngoài ra, vào các tháng cuối năm giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị, đồ dùng gia đình thường tăng. Những rủi ro về thiên tai, thời tiết bất lợi cũng có thể làm tăng giá lương thực, thực phẩm ở một số địa phương. Do đó cần quan tâm, thận trọng và sẵn sàng giải pháp ứng phó với các yếu tố trên để kiểm soát tốt lạm phát.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận