Không chịu lên sàn nhiều bank sợ công khai minh bạch thông tin ?
Trong số 3 ngân hàng chưa chịu lên sàn, BaoVietBank là ngân hàng có tình hình tài chính công khai chậm trễ và nợ xấu đáng lo.
Cụ thể, kết thúc năm tài chính 2019, hoạt động cho vay của BaoVietBank ghi nhận mức 24.758 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 104 tỷ đồng, tương đương của năm 2018. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ được coi là điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của BaoVietBank, đạt hơn 116 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm 2018.
Tuy vậy, sau kiểm toán, lợi nhuận của BaoVietBank chỉ còn 82 tỷ đồng, giảm 3,5% so với năm 2018. Đáng lo nhất là, tính đến cuối năm 2019, tổng nợ xấu của BaoVietBank tăng tới 26% so với hồi đầu năm, chiếm gần 1.292 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 25% lên hơn 188,7 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) hơn 209,3 tỷ đồng, tăng 38% và nợ có khả năng mất vốn tăng 24% lên mức gần 894 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng tăng từ 3,98% lên mức 5,22%.
Quý I/2020, lợi nhuận sau thuế của BaoVietBank sụt giảm tới 68% so với cùng kỳ. Tổng tài sản và cho vay của ngân hàng này cũng sụt giảm mạnh. Tỷ lệ nợ xấu tuy giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức trên 5%.
Trong khi đó, PVcomBank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 với lợi nhuận trước thuế đạt gần 39 tỷ đồng.
Trong quý I, mặc dù cho vay khách hàng tăng khiêm tốn chưa đầy 2%, nhưng thu nhập lãi thuần của ngân hàng này tăng mạnh hơn 31% đạt 510 tỷ đồng. Lãi thuần từ dịch vụ cũng tăng gần 66% mang về hơn 70 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động chung của PVcomBank trong kỳ tăng gần 17%, nhưng do chi phí hoạt động tăng nên lợi nhuận thuần giảm so với cùng kỳ năm trước.
Số dư nợ xấu của PVcomBank gần như không đổi so với cuối năm trước, nhưng do cho vay khách hàng tăng nên tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ về 3,06%. Vào cuối quý I, ngân hàng còn 5.766 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt của VAMC.
Với SCB, theo báo cáo tài chính quý I/2021, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 266,82 tỷ đồng, với đóng góp chủ yếu từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh tiền tệ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và kinh doanh chứng khoán cũng đạt kết quả tốt, đạt 419 tỷ đồng, tăng 157,8% và tương đương gần 60% tổng thu nhập của mảng này trong năm 2020, đóng góp phần lớn vào cấu phần thu nhập.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, mặc dù thị trường chứng khoán đang rất thuận lợi, song có rất nhiều lý do khiến ngân hàng chần chừ lên sàn, như sợ công khai minh bạch, nhất là những ngân hàng có kết quả kinh doanh yếu kém. Hoặc có những ngân hàng có nợ xấu lớn chưa được xử lý - chủ yếu là hậu quả tồn đọng trong thời gian dài để lại - nếu lên sàn tại thời điểm này thì định giá cổ phiếu chưa tối ưu, nên lãnh đạo muốn chọn thời điểm thuận lợi hơn…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận