'Không chia nhỏ gói thầu cao tốc Bắc Nam'
Bộ Giao thông Vận tải khẳng định không chia nhỏ các gói thầu và đã lựa chọn nhà thầu xây lắp có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án cao tốc Bắc Nam.
Bộ Giao thông Vận tải ngày 30/12 báo cáo Chính phủ việc lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Bộ cho biết đã hoàn thành việc chỉ định thầu 14/25 gói thầu xây lắp, 14/25 gói thầu tư vấn giám sát dự án cao tốc Bắc - Nam theo chỉ đạo của Chính phủ là không chia nhỏ gói thầu và phải lựa chọn được nhà thầu xây lắp có năng lực, kinh nghiệm; bảo đảm công khai, minh bạch.
Thống kê trong 5 năm gần đây cho thấy chỉ có một nhà thầu thực hiện hợp đồng có giá trị khoảng 3.600 tỷ đồng; 10 năm gần đây có thêm một nhà thầu thực hiện hợp đồng có giá trị khoảng 5.700 tỷ đồng; 5 nhà thầu khác thực hiện hợp đồng có giá trị từ 1.600 đến 2.300 tỷ đồng...
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã chia 12 dự án thành phần thành 25 gói thầu xây lắp có giá trị từ 3.000 đến 8.000 tỷ đồng. Trong đó, hai dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Cần Thơ - Hậu Giang là một gói thầu do không có cầu lớn, hầm, với chiều dài dưới 40 km.
Bảy dự án theo tính chất công trình cầu, hầm, chiều dài tuyến nên chia thành hai gói thầu. Ba dự án đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh và Hậu Giang - Cà Mau chia thành ba gói thầu do có chiều dài 60 - 90 km và chi phí xây dựng 13.000-15.000 tỷ đồng, có tính chất kỹ thuật phức tạp gồm 4 hầm, 2 cầu lớn, phạm vi xử lý nền đất yếu lớn.
Tư vấn giám sát được chia thành 25 gói thầu tương ứng với các gói thầu xây lắp để thuận lợi trong giám sát thi công và phù hợp năng lực của các tổ chức tư vấn, giám sát trong nước. Việc phân chia gói thầu thực hiện nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu, yêu cầu kỹ thuật của dự án; điều kiện năng lực, kinh nghiệm thực hiện các gói thầu có quy mô tương tự của nhà thầu.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, gói thầu có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, các nhà thầu đăng ký tham gia thực hiện đều là tổ hợp liên danh, chỉ có một nhà thầu tham gia với tư cách độc lập. Có 14 doanh nghiệp đứng đầu liên danh đăng ký tham gia theo các tổ hợp nhà thầu, được chủ đầu tư đánh giá đáp ứng điều kiện năng lực thực hiện 12 dự án thành phần.
Đến nay, các chủ đầu tư đã hoàn thành chỉ định thầu 14 trong số 25 gói thầu xây lắp theo đúng trình tự, thủ tục. Các nhà thầu được lựa chọn đều là doanh nghiệp có tiềm lực, uy tín và đáp ứng các yêu cầu năng lực, kinh nghiệm. 11/25 gói thầu xây lắp còn lại đang được hoàn thiện thủ tục để chỉ định thầu, đáp ứng tiến độ triển khai đồng loạt trước Tết Nguyên đán 2023.
Trao đổi với báo chí ngày 28/12, ông Lê Quyết Tiến, Phó cục trưởng Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết để lựa chọn nhà thầu mạnh, ngoài quy định pháp luật về đấu thầu, Bộ Giao thông Vận tải còn xây dựng bộ tiêu chí mẫu về năng lực hành nghề, tài chính, kinh nghiệm... "Không có nhà thầu nào bị chấm dứt hợp đồng, cắt chuyển khối lượng tại các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 được tham gia thi công giai đoạn 2", ông Tiến nói.
Ngày 1/1/2023, Bộ Giao thông Vận tải sẽ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025. Với tổng chiều 723 km, 12 dự án cao tốc Bắc Nam vận hành độc lập, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau).
Tổng mức đầu tư dự án 146.990 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác từ năm 2026.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận