Không chỉ dầu mỏ, Niken cũng khiến thị trường chao đảo
Giá Niken tăng phi mã trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine không chỉ gây thiệt hại hàng tỷ USD cho các nhà đầu tư trên Sàn giao dịch kim loại London, kim loại này còn khiến ngành công nghiệp ôtô có thể vỡ mộng trên cuộc đua xe điện.
Các mặt hàng chủ lực gồm dầu mỏ, khí đốt và lúa mì đều tăng phi mã trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine. Giá Niken - kim loại quan trọng để sản xuất thép không gỉ và pin lithium-ion, cũng tăng dựng đứng vào đầu tháng 3 khiến ngành công nghiệp ôtô phải "đau đầu".
Thông thường, giá Niken thường chỉ biến động vài trăm USD/tấn mỗi ngày. Trong gần thập kỷ qua, giá bán của kim loại này dao động trong khoảng 10.000-20.000 USD/tấn.
Giá Niken tăng dựng đứng khiến thị trường hoảng loạn
Thực tế bao nhiêu năm nay, thị trường hiếm khi chứng kiến một hợp đồng tăng gấp đôi giá trị chỉ trong khoảng thời gian một ngày, nhưng đó là điều đã xảy ra với Niken khi mà kim loại này được giao dịch trên Sàn Giao dịch kim loại London - LME (The London Metal Exchange) vào ngày 7/3 với mức tăng 90% lên tới 55.000 USD/tấn. Mức giá đóng cửa là trên 48.000 USD/tấn.
Chỉ một ngày sau, trong phiên giao dịch 8/3, mức giá của Niken đã trở lên không tưởng, đạt mốc 101.365 USD mỗi tấn, tăng gấp gần 4 lần so với mức giá của cuối tuần trước đó
Trong giai đoạn 2018 - 2020, giá Niken loanh quanh ở 11.000 - 16.000 USD/tấn. Tuy nhiên, sau khi đại dịch COVID-19 bùng nổ trên toàn cầu thì cùng với cùng nguyên vật liệu khác, giá kim loại này bắt đầu tăng từ mức 16.000 USD/tấn vào đầu năm 2021 lên 25.000 USD/tấn vào đầu năm 2022.
Giá Niken khiến thị trường hoảng loạn khi tăng đột biến 250% trong vòng chưa đầy 24h. Đà tăng đã đẩy ngành kim loại vào tình trạng hỗn loạn, gây thiệt hại hàng tỷ USD cho các nhà giao dịch đặt cược ngược chiều và khiến sàn LME phải ngừng giao dịch lần đầu tiên sau ba thập kỷ.
Đà tăng vọt của giá Niken phần lớn được thúc đẩy bởi hoạt động "bán non" (short squeeze) của nhà tài phiệt Trung Quốc Xiang Guangda. Doanh nhân Xiang Guangda suốt nhiều tháng qua nắm giữ một vị thế bán lớn trên LME thông qua công ty của ông là Tsingshan Holding Group, nhà sản xuất Niken và thép không gỉ lớn nhất thế giới.
Việc tăng giá diễn ra khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đe dọa nguồn cung từ nhà sản xuất lớn là Nga, Reuters đưa tin.
Sau khi Mỹ và các nước phương Tây áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Nga, người mua đang tranh giành Niken. Các thị trường hàng hóa khác cũng trở nên náo động bởi các vấn đề trong logistics đã ngăn chặn dòng chảy của ngũ cốc và kim loại từ Nga. Giá dầu và khí đốt đã tăng vọt vì sự không chắc chắn do xung đột.
Theo Bloomberg, lý do của sự gia tăng nhanh chóng là do các nhà đầu tư và người sử dụng công nghiệp mua lại các hợp đồng sau khi giá tăng. Những lo ngại về nguồn cung cấp Niken của Nga đã khiến giá trị của kim loại vốn được sử dụng trong các sản phẩm thép không gỉ và pin xe điện này tăng lên.
Năm 2021, Nga "chịu trách nhiệm" về 9,3% sản lượng khai thác Niken toàn cầu. Do đó, không khó hiểu khi mà tình hình chiến sự trở nên "căng" hơn thì giá kim loại này cũng phi mã vì nỗi lo đứt mất nguồn cung. Thậm chí, một số tổ chức còn đánh giá giá Niken còn tăng cao trong suốt năm 2022 này.
Theo nghiên cứu của Nickel Institute, Niken có tầm ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội với các chỉ số quan trọng như việc làm hoặc giá trị gia tăng.
Một đánh giá kinh tế xã hội đã được thực hiện đối với 12 nền kinh tế châu Âu sản xuất hoặc sử dụng số lượng Niken đáng kể. Ở những nước này, tổng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp Niken và chuỗi giá trị của nó ước tính là 43 tỷ euro. Ngoài ra, sản lượng tạo ra từ Niken và các ngành công nghiệp liên quan là khoảng 130 tỷ euro, tạo ra khoảng 750.000 việc làm phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp (tham chiếu năm 2017).
Trong khi đó, theo một nghiên cứu từ Rystad Energy, các nhà sản xuất xe điện đang phải chuẩn bị cho tình trạng thiếu Niken, và dự đoán kim loại này sẽ thiếu hụt vào năm 2026. Đến năm 2024, nghiên cứu của Rystad cho thấy nhu cầu Niken toàn cầu sẽ tăng từ 2,5 triệu tấn lên 3,4 triệu tấn.
Các hãng ôtô điện có thể "vỡ mộng"
Niken là một thành phần quan trọng trong sản xuất pin lithium-ion, được sử dụng trong hầu hết các loại xe ôtô điện (EV) đang được bán rộng rãi trên toàn cầu, đặc biệt là thị trường Mỹ.
Sự tăng giá đột ngột của Niken đã khiến các nhà phân tích và nhà đầu tư đặt ra câu hỏi về các chương trình sản xuất EV đầy tham vọng của nhiều nhà sản xuất ôtô.
Hiện hầu hết các loại xe điện đang sử dụng cực âm có chứa ít nhất 60% Niken. Một số loại xe thậm chí còn sử dụng nhiều Niken hơn, một phần để giảm hoặc loại bỏ coban, và một phần để tăng cường độ hoạt động cho các ứng dụng cao cấp.
Năm ngoái, các nhà phân tích tại công ty dịch vụ dầu khí Rystad Energy (Na Uy) đã cảnh báo rằng, nhu cầu toàn cầu đối với Niken cao cấp cần thiết cho pin EV có khả năng vượt xa nguồn cung vào năm 2024. Điều này cũng đã được lặp lại bởi các nhà phân tích hàng hóa khác.
Giả sử đà tăng giá của Niken được duy trì trong trung hạn, thì hệ quả rõ ràng là chi phí sản xuất xe điện sẽ tăng lên, đặc biệt là đối với những chiếc xe điện cao cấp.
Tuy nhiên, không phải tất cả các EV sẽ bị ảnh hưởng. Có một loại pin thay thế đã được sử dụng cho EV giá rẻ hơn, đó là pin Lithium iron phốt phát (LFP), sử dụng phốt phát sắt trong cực âm, không cần niken hoặc coban.
Tại Mỹ, đại gia ôtô Tesla đã quay lại sử dụng loại pin LFP cho các loại xe tầm thấp vào năm 2020, đồng thời sử dụng mangan cho một số loại pin để giảm mức sử dụng Niken.
Trong khi đó, các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc, dưới áp lực của chính phủ trong việc triển khai EV, đã sử dụng pin LFP cho các loại xe điện giá rẻ của họ trong vài năm qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận