Không bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu?
Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương về điều hành giá xăng dầu đã khẳng định, Quỹ bình ổn xăng dầu đã phát huy được giá trị của nó, do đó, nếu bỏ Quỹ này thì Nhà nước sẽ không còn công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, k
Nhà nước không phải dùng ngân sách điều tiết giá xăng dầu
Báo cáo của Bộ Công Thương khẳng định, từ khi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP có hiệu lực cho đến nay, thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh doanh xăng dầu đã cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.
Theo đó, giá xăng dầu trong nước được Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành linh hoạt, kịp thời, đảm bảo hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật, nhìn chung phù hợp xu hướng biến động của giá thế giới. Nhà nước không phải dùng ngân sách để điều tiết, bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Tính công khai, minh bạch trong điều hành kinh doanh xăng dầu được bảo đảm do Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đã quy định cụ thể về công thức tính toán giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu. Bên cạnh đó, Nghị định 83/2014/NĐ-CP giúp Chính phủ chủ động trong điều hành giá xăng dầu, phối hợp với việc điều hành giá các mặt hàng khác do Nhà nước quản lý một cách hợp lý nhất nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát trong từng thời kỳ.
Nghị định này cũng cho phép các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu được chủ động quyết định giá bán lẻ xăng dầu nhưng không cao hơn giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu do Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố. Bước đầu đã có sự cạnh tranh về giá xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.
Vừa qua, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam có đề xuất xem xét bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, xăng dầu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó, xăng dầu cũng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá số 11/2012/QH13.
“Do vậy, về nguyên tắc, giá bán xăng dầu trong nước phải được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết, quản lý của nhà nước. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là công cụ để Nhà nước điều tiết giá bán xăng dầu trong nước nhằm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước. Vì vậy, nếu bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thì Nhà nước sẽ không còn công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cũng như bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng” - báo cáo khẳng định.
Tích cực chi Quỹ để giữ ổn định giá xăng dầu
Báo cáo này cũng cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, giá thành phẩm xăng dầu thế giới có xu hướng tăng, đồng thời biểu thuế bảo vệ môi trường mới áp dụng từ ngày 01/01/2019 cũng làm tăng giá xăng dầu trong nước.
Tuy nhiên, với mục tiêu điều hành giá xăng dầu trong nước theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều hành chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu liên tục và ở mức cao nhằm giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước (dịp trước, trong và ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019) hoặc hạn chế mức tăng giá bán xăng dầu trong nước.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước từ đầu năm 2019 đến nay (ngày 26/5/2019) đã được thực hiện qua 10 kỳ điều hành. Trong đó xăng E5 RON92 có 2 lần điều chỉnh giảm (khoảng hơn 1.000 đồng/lít), 4 lần điều chỉnh tăng giá (tổng cộng tăng khoảng 4.416 đồng/lít) và 4 lần giữ ổn định giá; Xăng RON95-III có 2 lần điều chỉnh giảm (giảm khoảng 800 đồng/lít), 4 lần điều chỉnh tăng giá (tổng cộng tăng 4.588 đồng/lít) và 4 lần giữ ổn định giá.
Các mặt hàng dầu cũng có chu kỳ tăng, giảm như mặt hàng xăng. Cụ thể dầu diesel có 3 lần điều chỉnh giảm (khoảng 1.500 đồng/lít), 4 lần điều chỉnh tăng giá (tổng cộng tăng 2.786 đồng/lít) và 4 lần giữ ổn định giá; Dầu hỏa có 01 lần điều chỉnh giảm (khoảng hơn 1.000 đồng/lít), 04 lần điều chỉnh tăng (khoảng 2.440 đồng/lít) và 04 lần giữ ổn định giá;
Giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước hiện nay tăng khoảng 17,2-27,1% so với đầu năm 2019 (ngày 01/01). Báo cáo khẳng định: “Như vậy, có thể thấy mức tăng giá bán lẻ các mặt hàng trong nước từ đầu năm đến nay vẫn được Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành tăng thấp hơn mức tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới (30,6-46,2%), thông qua sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Bộ Công Thương khẳng định, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước; Sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm cho việc bình ổn thị trường theo đúng chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát CPI bình quân năm 2019 ở mức từ 3,3-3,9% theo kịch bản điều hành giá đã đặt ra từ đầu năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận