Không bị động trước biến động thị trường vàng và ngoại hối
Công tác quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2020 luôn chủ động, bám sát diễn biến của thị trường ngoại tệ và thị trường vàng, đảm bảo thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại hối.
Năm 2020 là một năm khó khăn của nền kinh tế do bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Ngay từ đầu năm 2020, quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 3/1/2020 để tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2020.
Trên tinh thần đó, Vụ Quản lý ngoại hối (Vụ QLNH) đã chủ động triển khai khẩn trương, quyết liệt và hoàn thành tốt các nhiệm vụ tham mưu cho Ban Lãnh đạo NHNN trong việc điều hành linh hoạt, ổn định thị trường ngoại hối, thị trường vàng, tăng dự trữ ngoại hối cho đất nước.
Với nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu, xây dựng chính sách về quản lý ngoại hối, trong năm 2020, Vụ QLNH đã tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Qua đó, hành lang pháp lý đồng bộ tiếp tục được xây dựng và củng cố, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động ngoại hối trong và ngoài nước theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn đảm bảo quyền tiếp cận các lợi ích kinh tế từ các hoạt động này.
Công tác quản lý các giao dịch vãng lai tiếp tục được thực hiện theo hướng tự do hóa phù hợp với các cam kết quốc tế. NHNN đã chủ động triển khai các giải pháp để thu hút các nguồn ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định thị trường, đáp ứng kịp thời nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, thông qua các chính sách quản lý thu đổi ngoại tệ, chính sách mua, bán ngoại tệ tiền mặt của tổ chức tín dụng (TCTD) được phép với cá nhân...
Chính sách về kiều hối được triển khai theo hướng thông thoáng và phù hợp với xu thế hội nhập, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam cả năm 2020 có giảm so với năm 2019, tuy nhiên không nhiều (năm 2020 đạt khoảng 11 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2019). Qua đó, cán cân thanh toán của Việt Nam tiếp tục được bù đắp.
Trong hoạt động sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ, Vụ QLNH đã tham mưu ban hành nhiều biện pháp hạn chế sử dụng ngoại tệ trong nước nhằm thực hiện chủ trương hạn chế tiến tới xóa bỏ tình trạng đô la hóa, tăng niềm tin của người dân vào đồng Việt Nam.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước, Vụ QLNH đã tham mưu BLĐ NHNN triển khai thực hiện nhiều giải pháp điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; thực hiện các giải pháp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ phù hợp với mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô.
Nhờ đó, NHNN vẫn mua được một lượng lớn ngoại tệ đáng kể để bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước, đưa quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước lên mức cao kỷ lục.
Một diễn biến đáng chú ý trong năm 2020 đó là giá vàng trong nước đã tăng mạnh lên mức kỷ lục do ảnh hưởng của biến động giá vàng quốc tế. Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng cao do nhiều nước triển khai các biện pháp kích thích nền kinh tế chưa từng có để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu đầu tư vào vàng tăng cao với vai trò trú ẩn an toàn trước nguy cơ lạm phát.
Tuy nhiên khác với giai đoạn trước khi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, thị trường vàng trong nước vẫn diễn biến ổn định, không có hiện tượng người dân xếp hàng mua vàng mà một bộ phận người dân còn tranh thủ bán vàng khi giá vàng ở mức cao, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm đáng kể, thị trường không còn xuất hiện những cơn “sốt vàng”.
NHNN tiếp tục không phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp thị trường. Tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế tiếp tục được hạn chế, một phần nguồn vốn bằng vàng được chuyển hóa thành tiền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.
Định hướng quản lý ngoại hối trong năm 2021: Nâng cao hiệu quả quản lý, đáp ứng biến động thực tiễn
Bước vào năm 2021 với nhiều ý nghĩa to lớn, là năm đầu tiên thực hiện các định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, năm kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, lĩnh vực quản lý ngoại hối đứng trước những yêu cầu mới, đòi hỏi tập trung nghiên cứu, xây dựng và khẩn trương đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với các biến động của thực tiễn. Trong đó nổi lên là những vấn đề trọng tâm mà Ban Lãnh đạo NHNN luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao.
Thứ nhất, về lĩnh vực quản lý các giao dịch vãng lai
Từ những năm 2005, với tinh thần hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế và tham gia vào Tổ chức thương mại quốc tế WTO, Việt Nam đã chính thức cam kết thực hiện Điều VIII Điều lệ Quỹ IMF về tự do hóa giao dịch vãng lai.
Theo đó, tất cả các giao dịch thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai của người cư trú, người không cư trú (bao gồm cả tổ chức và cá nhân) được tự do thực hiện trên cơ sở xuất trình đầy đủ các chứng từ phù hợp theo quy định.
Trên cơ sở nguyên tắc nêu trên, các quy định quản lý giao dịch vãng lai đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, chuyển tiền một chiều, thanh toán chuyển tiền xuyên biên giới đã được cụ thể hóa làm cơ sở để tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD, chi nhánh NHNNg) triển khai thực hiện trong nền kinh tế.
Bản chất của hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền của TCTD, chi nhánh NHNNg là hoạt động theo sau phục vụ cho các giao dịch xuyên biên giới của nền kinh tế: thương mại quốc tế, giao dịch vốn, các nhu cầu xuyên biên giới hợp pháp của cá nhân (du lịch, định cư, học tập, chữa bệnh, thăm thân ở nước ngoài).
Các hoạt động này đã được quy định cụ thể tại các văn bản luật: Luật Quản lý ngoại thương, Luật Doanh nghiệp, Luật Dân sự, Luật Quốc tịch, Luật Du lịch hoặc văn bản chuyên ngành do các bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa thể thao, du lịch, Bộ Tài chính… hướng dẫn thực hiện.
Tại các văn bản này có quy định về văn bản, giấy tờ cần thiết đối với mỗi loại hình giao dịch xuyên biên giới (ví dụ Luật Quản lý ngoại thương quy định về hoạt động thương mại quốc tế; Luật Du lịch quy định về hoạt động du lịch của tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài; Luật Dân sự quy định về quyền thừa kế của công dân Việt Nam…).
Trên cơ sở này, khi cung ứng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài cho khách hàng, TCTD, chi nhánh NHNNg đã triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật, hướng dẫn cụ thể các chứng từ cần xuất trình phù hợp với giao dịch thực tế.
Xây dựng quy định nội bộ và thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ để đảm bảo việc cung ứng dịch vụ phù hợp quy định của pháp luật.
Hoạt động quản lý ngoại hối là một lĩnh vực hết sức phức tạp và dễ bị lợi dụng. Trong thực tế, bên cạnh những tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, đã phát sinh tình trạng lợi dụng để chuyển tiền cho các mục đích bất hợp pháp như: Chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài thông qua các hợp đồng xuất nhập khẩu khống; Sử dụng thẻ ngân hàng do các tổ chức phát hành thẻ tại Việt Nam phát hành như Visa, Master để thanh toán cho các giao dịch trên sàn forex, mua bất động sản, chứng khoán, tiền ảo, đánh bạc v.v...; Sử dụng trung gian thanh toán (Ví điện tử) để chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài như trường hợp của sàn forex, đầu tư tiền ảo, chứng khoán.
Nhằm ngăn chặn và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài, bên cạnh việc ban hành đầy đủ các quy định, NHNN còn phải đảm bảo việc thực thi quy định được nghiêm túc, tuân thủ đúng pháp luật.
Vì vậy, NHNN đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp cụ thể: (i) Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý theo hướng nghiên cứu, sửa đổi, ban hành mới các văn bản trong các lĩnh vực quản lý ngoại hối, thanh toán nhằm hạn chế, giảm thiểu việc lợi dụng việc thanh toán, chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài như thanh toán chuyển tiền đối với hoạt động kinh doanh chuyển khẩu; hoạt động thẻ ngân hàng; dịch vụ trung gian thanh toán…;
(ii) Ban hành các văn bản chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, các tổ chức phát hành thẻ, các tổ chức thanh toán thẻ, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán rà soát, sửa đổi, bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới để hoàn thiện các quy định, quy trình nội bộ trong hoạt động ngoại hối và thanh toán quốc tế...;
(iii) Chỉ đạo hệ thống TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai thực hiện nghiêm túc quy định về kiểm tra, kiểm soát chứng từ, đảm bảo các giao dịch được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.
Đặc biệt, NHNN phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông) triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới của các tổ chức, cá nhân cho các giao dịch bất hợp pháp trên không gian mạng; phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động ngoại hối, thanh toán, chuyển tiền quốc tế.
Thứ hai, về lĩnh vực quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Trong thời gian từ khi triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, đến nay, thị trường diễn biến ổn định, NHNN tiếp tục không phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp.
Tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế tiếp tục được hạn chế, một phần nguồn vốn bằng vàng được chuyển hóa thành tiền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô (riêng trong năm 2019 và năm 2020, các doanh nghiệp xuất khẩu, chuyển ngoại tệ về nước ước đạt khoảng 2,5 tỷ USD).
Từ cuối năm 2020 đến nay, do giá vàng quốc tế giảm mạnh nhưng giá vàng trong nước giảm chậm hơn nên chênh lệch giá vàng trong nước ở cả 2 chiều mua và bán với giá vàng quốc tế quy đổi đều tăng, do vậy nhiều người đã tranh thủ bán vàng.
Thị trường vàng trong nước vẫn diễn biến ổn định, sức hấp dẫn của vàng đã suy giảm khiến doanh số mua, bán vàng trên thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp, giảm 70% so với năm 2013, các doanh nghiệp chỉ niêm yết mức giá mà giao dịch thực tế ít diễn ra.
NHNN đang theo dõi sát tình hình thị trường và nhận thấy diễn biến vừa qua trên thị trường vàng không ảnh hưởng đến diễn biến tỷ giá và tình hình thị trường ngoại tệ chính thức.
NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ và thị trường vàng để chủ động có biện pháp quản lý, can thiệp thị trường phù hợp khi cần thiết.
Thứ ba, về quản lý dự trữ ngoại hối
Từ 2019 đến nay, công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận: (i) quy mô dự trữ liên tục tăng mạnh và đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay;
(ii) các nguyên tắc quản lý dự trữ ngoại hối luôn được đảm bảo ngay cả trong những giai đoạn thị trường quốc tế có bất ổn, đại dịch Covid 19 gây ảnh hưởng lớn kinh tế toàn cầu, mức lãi suất của nhiều đồng tiền chủ chốt ở mức âm nhưng mức sinh lời từ hoạt động đầu tư dự trữ ngoại hối ngày càng được cải thiện,;
(iii) nghiên cứu và từng bước tiếp cận phương thức quản lý mới để nâng cao hiệu quả đầu tư.
Trong bối cảnh quy mô dự trữ ngoại hối tăng cao, yêu cầu NHNN phải đa dạng hóa hình thức đầu tư để nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư. Đi kèm với việc này là rủi ro trong hoạt động đầu tư cũng đa dạng hơn, cụ thể: (i) lãi suất của các đồng tiền đầu tư chủ chốt ở mức rất thấp thậm trí âm như EUR, JPY;
(ii) thị trường bất ổn nhiều biến động khó lường;
(iii) quy mô dự trữ ngoại hối tăng cao yêu cầu đa dạng hóa hình thức đầu tư trong khi đó trình độ cán bộ còn hạn chế:
(iv) chế độ đãi ngộ và lương thưởng chưa thu hút được cán bộ có trình độ:
(v) thiếu phần mềm quản lý chuyên nghiệp;
(vi) mô hình quản lý phân tán; qua đó, đòi hỏi sự thay đổi trong phương thức, cách thức quản lý hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối để đảm bảo chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Hiện nay, NHNN đang nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý dự trữ ngoại hối phù hợp và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào thời điểm thích hợp, phù hợp với phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 986/ QĐ-TTg ngày 08/8/2018 về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: “đổi mới công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước phù hợp theo thông lệ quốc tế và quy mô dự trữ ngoại hối trong từng thời kỳ bảo đảm hài hòa các mục tiêu an toàn, thanh khoản, sinh lời… Thành lập đơn vị độc lập thuộc NHNN quản lý đầu tư dự trữ ngoại hối khi dự trữ ngoại hối đạt quy mô nhất định”.
Tóm lại, Vụ Quản lý ngoại hối sẽ quyết tâm chủ động, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tham mưu đầy đủ, kịp thời cho Ban lãnh đạo NHNN để có các phương án quản lý hiệu quả, qua đó, phát huy thế mạnh, những yếu tố tích cực và không để bị động trước những tác động có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường ngoại hối và vàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận