Không bảo đảm đăng kiểm, sao lại xử phạt người dân?
Theo Cục Ðăng kiểm Việt Nam, tình trạng ùn tắc vẫn tiếp tục diễn ra tại các trung tâm đăng kiểm trên cả nước, trong đó ùn tắc đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh-những thành phố trọng điểm có lượng ô tô lớn.
Thời gian qua, cả nước có 106 trung tâm đăng kiểm phải tạm dừng hoạt động khi các cơ quan chức năng tiến hành điều tra sai phạm. Cho đến hiện tại, vẫn còn 40 trung tâm đóng cửa. Cục Ðăng kiểm Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan đưa 66 trung tâm trở lại hoạt động, nhưng thực tế các trung tâm này mới chỉ hoạt động ở công suất tối thiểu do không đủ nhân lực.
Dù đã có nhiều giải pháp (giãn chu kỳ đăng kiểm, miễn đăng kiểm lần đầu với ô tô mới, có sự hỗ trợ của lực lượng đăng kiểm Quân đội và công an...) nhưng mọi chuyện dường như vẫn chưa được giải quyết.
Chuyện khó tưởng tượng nổi là người dân phải tất tả ngược xuôi hết tỉnh này, sang tỉnh nọ để tìm nơi đăng kiểm, rồi phải xếp hàng cả đêm để giữ chỗ. Ảnh minh họa: vovgiaothong
Đã gần nửa năm trời, người dân trở thành nạn nhân của việc dịch vụ đăng kiểm không bảo đảm năng lực phục vụ. Chuyện khó tưởng tượng nổi là người dân phải tất tả ngược xuôi hết tỉnh này, sang tỉnh nọ để tìm nơi đăng kiểm, rồi phải xếp hàng cả đêm để giữ chỗ.
Nhiều phương tiện hết đăng kiểm từ tháng 4-2023 nhưng đặt lịch phải đến tháng 8-2023 mới được kiểm định. Trong thời gian chờ đợi đó thì xin mời xe “đắp chiếu”, vì nếu ra đường là sẽ bị cảnh sát giao thông phạt. Điều này tạo ra nguy cơ là từ việc đứt gãy cung ứng dịch vụ đăng kiểm sẽ dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải, logistics, làm tăng chi phí của nền kinh tế, trong lúc nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, việc phương tiện chưa được đăng kiểm, không đủ điều kiện lưu thông còn dẫn đến những thiệt hại kinh tế rất lớn đối với người dân như mất việc làm, không có thu nhập.
Dịch vụ đăng kiểm là một dịch vụ công. Nghị định số 32/2019/NĐ-CP đã định nghĩa rõ ràng rằng: “Dịch vụ công là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh mà Nhà nước phải tổ chức thực hiện”. Như thế, trách nhiệm khi không bảo đảm được dịch vụ đăng kiểm hoạt động thông suốt hoàn toàn thuộc về Nhà nước chứ không phải lỗi của người dân. Việc chống tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm là cần thiết, tuy nhiên, “đánh chuột đã làm vỡ bình”!
Trước mắt, khi các trung tâm đăng kiểm không thể bảo đảm được năng lực phục vụ thì rất cần thực hiện ngay các giải pháp trong Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải là tự động kéo dài chu kỳ kiểm định đối với các loại xe.
Cùng với đó, trong điều kiện các trung tâm đăng kiểm chưa đáp ứng được nhu cầu đăng kiểm phương tiện của người dân thì các cơ quan chức năng cần có giải pháp xử lý phù hợp. Để giải quyết căn cơ, rốt ráo vấn đề này, Chính phủ cần tiếp tục vào cuộc chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng tháo gỡ những vướng mắc, rào cản cả về pháp lý và thực tiễn của hoạt động đăng kiểm hiện nay.
Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính vì vậy, mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước đều phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Không thể vì các hoạt động của cơ quan nhà nước với bất cứ lý do gì mà để người dân trở thành nạn nhân!
Đăng kiểm là công việc bình thường, bỗng trở nên bất thường, kéo dài. Chính phủ cần mạnh mẽ chỉ đạo giải quyết, phân định, tránh kéo dài thêm mãi, đảo lộn nhịp sống bình thường của nhân dân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận