Khốn khổ vì “lô cốt”: Công trình “rùa bò” vẫn được cấp phép lại vô tư
Từ phản ánh của PV, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM (TTGT) đã vào cuộc, xử lý những 'lô cốt' vi phạm.
Tình trạng công trình thi công kiểu "rùa bò", án binh bất động án ngữ giữa đường khiến kẹt xe triền miên nhưng hết hạn lại được gia hạn giấy phép, cấp phép mới khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về quy trình giám sát, kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng “có vấn đề”.
Cứ kiểm tra là “lòi” ra vi phạm
Từ phản ánh của PV, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM (TTGT) đã vào cuộc, xử lý những "lô cốt" vi phạm.
Đúng 22 giờ ngày 14/5, PV cùng tổ công tác của Đội TTGT số 8 đến "lô cốt" tại giao lộ Phạm Thế Hiển - Dạ Nam (P.3, Q.8) kiểm tra. Lúc này bên trong công trình chỉ có 2 nhân viên bảo vệ. Tổ công tác phải gọi điện cho chủ đầu tư yêu cầu cử người đến làm việc.
Chờ khoảng 20 phút sau, anh Trần Đình Phương, kỹ sư công trình, mới tới làm việc với tổ công tác. “Việc đào đường, chiếm dụng mặt đường tới 50%, trong khi 2 làn đường xe chạy lại không bố trí người điều tiết giao thông là không được. Lúc anh chưa ra, có thời điểm kẹt xe và chúng tôi đã ghi hình rồi. Chúng tôi lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu đơn vị thi công phải bố trí người điều tiết giao thông”, thanh tra viên Võ Hoàng Sơn thông báo. Nghe vậy, kỹ sư Phương trình bày: “Em nói thật, giờ này anh đi hết tất cả các công trình trên địa bàn TP cũng không chỗ nào có người phân luồng giao thông đâu. Em làm từ Q.1 ra đây nên em biết hết. Còn giờ tụi anh nói về nguyên tắc thì em… chịu”!
Đến 22 giờ 30 cùng ngày, tổ công tác di chuyển ra đường Cao Lỗ (P.4, Q.8) để tiếp tục kiểm tra công trình. Theo quan sát của PV, khu vực này như bãi chiến trường. Đất đá rơi vãi khắp nơi, nước đọng thành từng vũng lầy lội. Tại “lô cốt” này không có công nhân thi công, nhân viên bảo vệ cũng không có nên tổ công tác không thể xử lý. “Tôi gọi điện mà chủ đầu tư không nghe máy. Giờ này cũng khuya nên chắc chúng ta về, trưa mai ra xử lý tiếp”, một thanh tra viên thông báo.
Đúng 10 giờ 40 ngày 15/5, PV tiếp tục “tháp tùng” TTGT đi kiểm tra, xử lý “lô cốt” trên đường Cao Lỗ. Thời điểm này, lô cốt được tháo một phần rào chắn, tôn dựng đứng cạnh làn đường xe chạy. Đường sá gồ ghề, đất đá vương vãi khắp nơi. Cạnh đó, các công nhân đang hút nước từ “lô cốt” ra ngoài nhưng để lộ thiên, vô cùng nguy hiểm cho người đi đường. Kinh khủng hơn, ổ gà được công trình “vá” bằng một… cục đá to tướng. “Công trình này không đảm bảo an toàn gì hết! Công trình bị xử phạt nhiều lần lắm rồi”, thanh tra viên Lê Hoàng Dũng thốt lên. Lúc này, giám sát công trình mới vội vã đốc thúc công nhân… lấy rào chắn lại.
Qua kiểm tra, tổ công tác ghi nhận đơn vị thi công vi phạm các lỗi: không bố trí người điều khiển, hướng dẫn giao thông theo quy định; không lắp đặt bảng công bố thông tin tại công trình; bơm nước thải từ công trình ra đường... TTGT lập biên bản xử phạt hành chính và yêu cầu công trình khắc phục hậu quả để đảm bảo an toàn giao thông. “Nhớ khắc phục vì tụi tôi sẽ tái kiểm tra. Nếu không khắc phục tiếp tục bị xử lý đó”, thanh tra viên Lê Hoàng Dũng nhắc nhở.
Không nhớ đã gia hạn bao nhiêu lần !
“Làm chậm thế này không bị thu giấy phép sao?”, PV đặt câu hỏi với kỹ sư Trần Đình Phương và anh này cho biết: “Giấy phép cấp từng năm một nên hết phải xin lại bên Sở GTVT. Mỗi lần xin cấp phép, Sở xuống kiểm tra toàn diện chứ không phải xin là có!”. Trong khi đó, anh Nguyễn Vũ Khoa, phụ trách thi công công trình trên đường Cao Lỗ, khẳng định: “Khi giấy phép hết hạn, mình làm chưa xong phải xin gia hạn lại. Lô cốt này đã gia hạn nhưng tôi không nhớ mấy lần. Tới ngày 30/5/2019 giấy phép sẽ hết hạn, dự kiến công trình chưa xong nên chắc phải xin gia hạn để làm tiếp!”.
Để làm rõ việc cơ quan chức năng gia hạn thi công cho các công trình "rùa bò" có quá dễ dàng, PV đã trao đổi nhanh với ông Hoàng Phúc Dũng, Phó trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM).
Trả lời câu hỏi “Điều kiện nào để công trình được cấp phép gia hạn thi công?”, ông Dũng nói: “Theo quy định một công trình chỉ được gia hạn 1 lần, không có chuyện gia hạn thi công 2 - 3 lần. Nếu hết số lần gia hạn phải làm lại hồ sơ, có nghĩa là cấp phép mới lại và việc cấp phép mới lại thì không có quy định số lần”. Cũng theo ông Dũng, nếu công trình thi công dở dang, Sở không cho gia hạn, không cấp giấy phép mới lại thì công trình càng ì ạch và không hoàn thành. Để làm thủ tục cấp lại giấy phép mới, chủ đầu tư phải có trách nhiệm giải trình về lý do chậm trễ, sau đó Sở mới xem xét cấp lại.
Vậy công trình thi công chậm thường vì lý do gì, theo ông Dũng: “Họ chậm có thể vì khâu khảo sát, thiết kế, điều hành dự án gặp trục trặc, vướng cái này cái kia. Cũng có trường hợp chủ đầu tư điều hành kém dẫn đến dự án kéo dài”. Cũng theo ông này, “Sở GTVT rất bức xúc những trường hợp thi công rùa bò”. “Sở đã giao TTGT xử lý nghiêm những trường hợp kéo dài chứ không có chuyện “bắt tay” với nhà thầu đâu. Việc cấp giấy phép thi công chỉ là khâu cuối cùng của dự án thôi”, ông Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc tại địa phương cũng phải có trách nhiệm giám sát quá trình thi công. “Nếu công trình chậm tiến độ vì các lý do khách quan như: vướng giải tỏa mặt bằng hay gặp sự cố gì đột xuất có thể chấp nhận. Còn trường hợp không đủ kinh phí hay lý do chủ quan thì các cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc, xử lý nghiêm chứ không thể để khơi khơi được. Còn việc kéo dài thời gian thi công, Sở GTVT phải có trách nhiệm rà soát, xử lý theo quy định”, ông Tường nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận