Khốn đốn vì dính dự án 'ma': Nạn nhân có lấy lại được tiền?
Hầu hết nạn nhân dự án 'ma' khi đến cơ quan báo chí phản ánh hoặc đến cơ quan điều tra tố giác đều hỏi: Liệu chúng tôi có lấy lại được tiền?
Chiều 29.11, trao đổi với PV, ông L.V.S (quê Đồng Nai) cho biết tháng 7.2018 ông đóng gần 1,4 tỉ đồng mua 2 lô đất “dự án” của Công ty Alibaba tại H.Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu). Sau khi phát hiện Công ty Alibaba lừa đảo, ông đến Công an TP.HCM làm đơn tố cáo nhưng tới nay vẫn chưa nhận được thông báo nào từ cơ quan điều tra về vụ án.
Tương tự, ông N.P.Q (quê Đồng Nai) cho biết năm 2018 ông đăng ký và mua 3 nền đất “dự án” của Công ty Alibaba tại H.Tân Thành, đã đóng cho Công ty Alibaba tổng số tiền hơn 850 triệu đồng. “Sau khi Công an TP.HCM vào cuộc và lần lượt bắt giam các lãnh đạo Công ty Alibaba, tôi đã đến CQĐT Công an TP trình báo và làm đơn tố cáo. Nhưng nay đã hơn 1 năm tôi vẫn chưa nhận được bất cứ thông báo nào từ phía công an. Tôi chỉ mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng hoàn tất điều tra, buộc Công ty Alibaba hoàn trả số tiền mà tôi đã đóng trước đó”, ông Q. nói.
Trao đổi với PV, luật sư Hà Hải, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng để đảm bảo quyền lợi cho mình, những cá nhân, tổ chức nào tham gia giao dịch với công ty bán dự “ma” cần chủ động tố cáo, khai báo, nộp hồ sơ chứng từ chứng minh việc có đặt cọc, mua bán để CQĐT xác minh, xử lý.
“Trách nhiệm dân sự, bồi thường hay hoàn trả của các công ty lừa đảo đối với khách hàng - được xác định là bị hại, nguyên đơn dân sự... sẽ được tòa án giải quyết trong vụ án hình sự, sau khi xác định được đối tượng lừa đảo và khởi tố vụ án, khởi tố, truy tố bị can; chứ nạn nhân không thể “đòi” trực tiếp bị can. Khi xét xử, tòa án sẽ nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo; xác định bao nhiêu người bị hại và buộc các bị cáo, hoặc công ty phải bồi thường cho từng bị hại và số tiền bị lừa đảo cụ thể”, luật sư Hà Hải nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư Hà Hải, quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ có các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm, xác minh tài sản của người phạm tội. Từ đó kê biên, phong tỏa tiền, vật có giá trị khác có nguồn gốc từ hành vi phạm tội để thu hồi theo quy định pháp luật, nhằm đảm bảo quá trình thi hành án của người phạm tội.
Về thứ tự thanh toán tiền, tài sản thi hành án, ông Hồ Quân Chính, giảng viên Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp), cho biết thi hành án sẽ căn cứ theo bản án, quyết định của tòa án để thi hành. Theo đó, trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán sẽ được thực hiện theo thứ tự: chi phí thi hành án; tiền lương, tiền công lao động trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe tổn thất về tinh thần; án phí, lệ phí tòa án; các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.
Ngoài ra, ông Chính nhấn mạnh, trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án, thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận