'Khối u nào đang khiến mạch máu của nền kinh tế bị tắc nghẽn?'
Theo ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, phần lớn những DN có nhu cầu vay vốn đã kiệt quệ về tài chính, không còn tài sản thế chấp. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng cũng gặp khó khăn khi dư thừa nguồn lực nhưng không thể cho vay. Điều này đặt ra câu hỏi: “'Khối u nào đang khiến mạch máu của nền kinh tế bị tắc nghẽn?"
Hai nghịch lý trong tín dụng
Tại một diễn đàn kinh tế mới đây, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, hiện nay trong bối cảnh phục hồi kinh tế lại xuất hiện hai ngịch lý. Đó là: các ngân hàng đang phải ôm một lượng tiền gửi lớn chưa từng có của người dân từ trước đến nay, trong khi tín dụng tăng chậm dù lãi suất cho vay giảm; tiền dư, lãi suất giảm; trong khi đó, lại có ngịch lý, doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng thiếu vốn làm ăn nhưng không thể tiếp cận được tín dụng".
Đối với vấn đề "tồn kho" vốn tín dụng, ông Thân cho rằng, một trong những nguyên nhân là có nhiều DN muốn vay nhưng không chứng minh được khả năng trả nợ, mặt khác có nhiều doanh nghiệp được ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay.
"Phải chăng việc khai thông nguồn vốn tín dụng không chỉ hướng tới các đối tượng có nhu cầu vay mà phải hướng tới cả các đối tượng có tiền mang đi gửi ngân hàng do chưa biết phải đầu tư vào đâu. Nói một cách khác là làm sao để họ rút tiền gửi và lưu thông vào thị trường", ông Thân nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, thực trạng yếu kém trong công khai, minh bạch tài chính và kế hoạch kinh doanh từ phía DNNVV là không thể phủ nhận, thậm chí là chậm tiến bộ về minh bạch tài chính.
"Về bản chất, các ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nên khi cảm thấy yên tâm về sức khỏe của người đi vay thì họ chắc chắn sẽ không từ chối", ông Thân nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra rằng, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận vốn. Cụ thể, trong năm 2022 tiếp cận vốn đã trở thành vấn đề lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp phản ánh, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.
Trong số các kênh dẫn vốn chính của doanh nghiệp hiện nay, vay tiền từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác vẫn là cách thức phổ biến nhất. Tiếp cận vốn qua ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng xấp xỉ 80% quy mô dòng vốn từ bên ngoài của các doanh nghiệp.
Theo ông Tuấn, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp một mặt do xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu nên mặt bằng lãi suất còn khá cao đối với các doanh nghiệp có nhu cầu đi vay. Mặt khác, doanh nghiệp cũng đối diện những rào cản về mặt quy trình, thủ tục khác nhau khi vay vốn. Trong đó, điển hình nhất là doanh nghiệp cho biết không thể vay vốn nếu thiếu tài sản thế chấp, doanh nghiệp bị áp đặt các điều kiện tín dụng bất lợi, và thủ tục vay vốn quá phức tạp, phiền hà với các doanh nghiệp.
Dưới cái nhìn khách quan, ông Thân cho rằng, khó khăn của doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng là không thể hoàn toàn quy chụp cho các NHTM. Mấu chốt của giải pháp là khai thông thị trường, kích thích tiêu dụng, nhất là tiêu dùng trong nước.
Khơi dòng tín dụng không thể bằng ý chí của một bên
Để giải quyết vấn đề 'tồn kho' tiền, ách tắc tín dụng, ông Thân kiến nghị ngành ngân hàng sớm trình dự thảo sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh các chương trình của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN, DN tư nhân, nghiên cứu mở rộng các chương trình cho vay đối với DNNVV; chủ động, thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp để tăng cường hiệu quả hoạt động cho vay ở các địa phương; cương quyết xử lý các trường hợp cán bộ gây khó dễ cho doanh nghiệp.
Đồng thời xem xét giảm các điều kiện cho vay cũng như làm việc với các Quỹ Bảo lãnh tín dụng nghiên cứu, sửa đổi cơ chế phối hợp trong bảo lãnh cho vay theo hướng đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục chồng lấn và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng.
Theo ông Thân, với bối cảnh hiện nay, ngoài những tác động khách quan từ thị trường thì các cơ chế, chính sách của Nhà nước vẫn chưa phát huy được tính đồng bộ, trong khi đó bản thân các doanh nghiệp cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn…
"Do vậy, đứng ở cả góc độ của cả Nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp, có thể nói vấn đề tín dụng hiện nay không thể giải quyết bằng ý chí của một bên mà các bên cùng phải lắng nghe, đứng vào vị trí của nhau để cùng nghiên cứu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc", ông Thân nói.
Ông Thân cho rằng, việc giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai. Mấu chốt là Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ cần làm sao hỗ trợ, nâng tầm doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng để giải quyết 2 vấn đề: DNNVV có khả năng tự tìm kiếm cơ hội phát triển một cách bền vững, thay đổi tư duy kiếm cơm qua ngày; cùng với đó, DNNVV có khả năng đáp ứng được yêu cầu cho vay như đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch tài chính và kế hoạch kinh doanh…
Trong khi đó, ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2023, NHNN đã nới rất rộng, tạo thông điệp rằng tín dụng sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các doanh nghiệp. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục duy trì quan điểm tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá và điều hành chặt chẽ, hợp lý. Đây cũng là thành công của NHNN trong điều hành thời gian qua để giữ tỷ giá và lãi suất để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Ông Đào Minh Tú chia sẻ, NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó hạ lãi suất của NHTM; giãn/hoãn cho những khoản nợ, khoản lãi đến hạn mà chưa trả được thì được kéo dài ít nhất 1 năm; cắt bỏ chi phí, rào cản, thủ tục, phí, điều kiện tiếp cận của NHTM. Đồng thời ban hành nhiều văn bản, thể chế để tạo điều kiện thông thoáng cho các NHTM cho vay.
Lưu ý thêm về vấn đề thủ tục hành chính, GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, một trong những trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là thủ tục hành chính, quy trình tiếp cận gói hỗ trợ. Do đó, để chính sách đến doanh nghiệp thì cần cải cách, xử lý minh bạch đối tượng và giảm thiếu thủ tục quy trình tiếp cận gói hỗ trợ.
Theo GS.TS Tô Trung Thành, để chính sách bao phủ các đối tượng thực sự cần hỗ trợ thì cần tinh chỉnh chính sách cả về đối tượng và quy mô. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khi tiếp cận hỗ trợ. Bản thân các doanh nghiệp này quy mô nhỏ, chuẩn mực kế toán không cao, ít tài sản đảm bảo. Mặt khác ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn tín dụng. Vì vậy, cần giải pháp đặc thù cho nhóm đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận