Khơi thông nguồn vốn ngoài ngân sách
Các nhà đầu tư cho rằng vẫn cần sự đồng hành hợp lý hơn từ nhà nước để khơi thông nguồn vốn theo hình thức hợp tác công tư.
Theo quy hoạch lĩnh vực giao thông từ nay đến năm 2030, nhu cầu đầu tư về hạ tầng đã lên tới hơn 900.000 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn rất lớn nên nếu như chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì khó đáp ứng.
Nhiều dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP thời gian qua đã phát huy hiệu quả, nhưng đang có dấu hiệu chững lại. Các nhà đầu tư cho rằng vẫn cần sự đồng hành hợp lý hơn từ nhà nước để khơi thông nguồn vốn quan trọng này.
Sau hơn 3 năm thi công, giai đoạn 1 dự án nâng cấp tỉnh lộ 647 kết nối giữa tỉnh Phú Yên và Gia Lai đã hoàn thành. Có đường mới, nỗi lo bị chia cắt vào mùa lũ, tư thương ép giá vào mùa vụ đã không còn. Cuộc sống của người dân đã no đủ hơn trước.
Dự án nâng cấp tỉnh lộ 647 kết nối giữa tỉnh Phú Yên và Gia Lai là một trong những công trình đầu tiên được tỉnh Phú Yên kêu gọi theo hình thức BT. Theo đó, nhà đầu sẽ bỏ kinh phí đầu tư và nhà nước hoàn trả sau khi dự án hoàn thành. Mặc dù sau hơn 3 năm dự án được đưa vào khai thác, người dân được hưởng lợi, nhà nước có hạ tầng, nhưng nguồn vốn đầu tư vẫn chưa được hoàn trả theo hợp đồng BT.
Theo các nhà phân tích, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng sẽ liên tục tăng lên trong những năm tới. Vì vậy khơi thông nguồn vốn theo hình thức hợp tác công tư càng quan trọng. Tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào, địa phương nào cũng có điều kiện để thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Với nhiều đổi mới trong thực thi chính sách thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách, hạ tầng giao thông ở nhiều địa phương đã từng bước được hiện đại hơn. Thu hút đầu tư đã khó, giữ được nhà đầu tư với cam kết lâu dài càng khó hơn. Kinh nghiệm của nhiều địa phương thành công trong hợp tác công tư cho thấy, khi nguồn vốn này được sử dụng hiệu quả sẽ là tiền đề quan trọng để địa phương sớm hoàn thiện hạ tầng, tạo đà tăng trưởng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận