Khơi thông nguồn vốn bất động sản: Cần tiếp tục gỡ về… pháp lý
Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực, thế nhưng, theo chuyên gia, để khơi thông nguồn vốn hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi và phát triển, cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về pháp lý…
Bước vào năm 2024, thị trường bất động sản được cho đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Ngay từ đầu năm, thị trường này đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực sau khi những cơ chế, chính sách nhằm “giải cứu” thị trường từ năm 2023 đủ thời gian để “thẩm thấu” và hàng loạt quy định mới trong các Dự án Luật sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...
Số liệu báo cáo nghiên cứu thị trường từ trang thông tin batdongsan.com.vn cho thấy, trong tháng 1/2024 lượng người tìm kiếm nhà đất trên phạm vi cả nước đã tăng 66% so với cùng kỳ năm 2023, tương tự số lượng sản phẩm bất động sản được đăng tin rao bán cũng tăng 52%. Trong đó, 2 thị trường chủ lực là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu cả nước về lượng người tìm kiếm mua bất động sản, tập trung chủ yếu vào 2 dòng sản phẩm là chung cư và đất nền.
Cụ thể, tại TP. Hà Nội lượng tìm kiếm đất nền tăng 110%, đất dự án tăng 77% so với cùng kỳ năm trước, còn lượng tìm kiếm chung cư tăng 71%; tại TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu tìm kiếm đất nền, đất dự án lần lượt tăng 71 – 73% và tăng đối với chung cư là 59%.
Mặc dù đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, tuy nhiên, theo chuyên gia, thị trường bất động sản mới chỉ hồi phục một số phân khúc. Bên cạnh đó là tình trạng mất cân đối về cơ cấu sản phẩm tiếp tục sâu sắc hơn; doanh nghiệp đối diện với áp lực về đáo hạn trái phiếu, đặc biệt, thách thức lớn nhất phải kể đến đó là vấn đề về nguồn vốn.
Hà Nội: Giá chung cư tăng vọt, giấc mơ mua nhà xa vời
Thực tế cho thấy, với vốn chủ sở hữu mỏng, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc phần lớn vào vốn vay, nên khi huy động vốn trục trặc, doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp khó khăn ngay lập tức. Vì thế, việc tìm ra giải pháp giúp khơi thông nguồn vốn, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển thị trường bất động sản là rất cần thiết.
Để giải quyết vấn đề đã nêu, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần quyết liệt tập trung tháo gỡ nút thắt pháp lý; Sớm ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua để tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho các dự án ách tắc tái khởi động, tạo cơ sở cho cơ quan quản lý địa phương phê duyệt dự án mới. Đặc biệt là phân khúc đang có nhu cầu lớn là nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền. Từ đó thúc đẩy thanh khoản, giúp doanh nghiệp có nguồn thu để trả nợ, cân đối tài chính và để dòng tiền luân chuyển dựa trên đáp ứng nhu cầu thực của thị trường.
Mặt khác, nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho phân khúc nhà ở bình dân, với mục tiêu chính khuyến khích chủ đầu tư tham gia phát triển và tăng sức mua đối với hộ gia đình có thu nhập trung bình, hoặc cận trung bình.
Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu cơ chế, cải thiện minh bạch thông tin và đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại. Nhất là đẩy mạnh hoạt động xếp hạng tín nhiệm trên cơ sở kiểm soát năng lực của tổ chức xếp hạng, đảm bảo xếp hạng tín nhiệm phù hợp và phản ánh đúng nhất rủi ro của doanh nghiệp trong một điều kiện kinh tế nhất định. Hạn mức tín nhiệm sẽ cho phép nhà đầu tư có cái nhìn tổng quát đủ khách quan, nhằm đánh giá những rủi ro có thể khi đầu tư vào doanh nghiệp thông qua trái phiếu.
Còn theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong năm 2023 Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành đã làm việc một cách rất quyết liệt với quyết tâm cao nhằm khôi phục trở lại thị trường bất động sản. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là giải pháp để tiếp tục khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản. Trong đó, thu hút vốn FDI là vấn đề quan trọng, cần xem xét đổi mới các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI trong việc tiếp cận thủ tục đầu tư, ưu đãi. Đồng thời, đẩy mạnh số hóa hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước, để giảm thiểu chi phí tiếp cận, thẩm định, rút ngắn quá trình xét duyệt đầu tư.
“Đặc biệt, đối với giải ngân vốn đầu tư công cần đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn về thủ tục khởi công dự án, sớm phân bổ nguồn vốn đầu tư công, điều chỉnh nhanh giá cả theo giá thị trường, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng. Đối với nguồn vốn tín dụng, thực hiện nhanh chóng, nghiêm túc, linh hoạt các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước để đưa nguồn vốn đến với doanh nghiệp bất động sản, chỉnh sửa cơ chế phù hợp để doanh nghiệp xây dựng lộ trình phát hành trái phiếu, ngân hàng thương mại đẩy nhanh việc xem xét, thẩm định cho vay ở các dự án bất động sản, nhà ở”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận