Khôi phục sản xuất sau dịch bệnh và tiềm năng trở lại mạnh mẽ của ngành cảng biển !
(ĐTCK) Ngành cảng biển đang có đà tăng trưởng tốt cùng với triển vọng tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu. Hàng loạt doanh nghiệp đã báo lãi lớn trong quý I/2022.
Giữa bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều biến động, nhà đầu tư “trú ẩn” ở những cổ phiếu có nền tảng kinh doanh tốt, tăng trưởng bền vững. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành cảng biển được nhận định sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 nhờ sự sôi động của hoạt động xuất nhập khẩu.
Số liệu thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt hơn 242 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thuận với đà tăng của kim ngạch xuất nhập khẩu là sản lượng hàng hóa thông qua tại các cảng biển ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực, đạt 840 triệu tấn (tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái) nhờ nhiều yếu tố.
Trong đó, hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa được khôi phục, giá cước hạ nhiệt so với mức đỉnh năm 2021 mang đến động lực lớn cho hoạt động xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2022, đặc biệt là các nhóm hàng thủy sản, nông sản, sản phẩm gỗ.
Thực tế, việc được hưởng lợi từ sự khởi sắc của chuỗi cung ứng đã được phản ánh ở kết quả kinh doanh quý đầu năm của các doanh nghiệp ngành cảng biển. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Gemadept (mã chứng khoán GMD) báo lãi sau thuế gần 320 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An (mã chứng khoán HAH) báo lãi gần 262 tỷ đồng, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ. Còn Công ty cổ phần Transimex (mã chứng khoán TMS) cũng ghi nhận lợi nhuận cao gấp đôi cùng kỳ, với 262 tỷ đồng.
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, dư địa tăng trưởng của nhóm này vẫn tốt do nhu cầu lớn của hoạt động vận tải container nội thuỷ kết nối các điểm tập kết hàng hoá, cảng nội địa và cảng nước sâu, đặc biệt khi hoạt động vận tải đường thuỷ thể hiện rõ nhiều ưu điểm so với vận tải đường bộ trong giai đoạn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn giữ vai trò như một trung tâm vận chuyển hàng hoá của khu vực, với hệ thống cảng nước sâu quy mô lớn, giúp cải thiện vị thế của đội tàu container Việt Nam trên thị trường Đông Nam Á.
Còn theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, hiện nay, giá cước vận tải ở châu Âu phần nào hạ nhiệt nhưng giá vẫn còn cao.
“Việt Nam đang vào chu kỳ xuất khẩu hàng hoá, tổng sản lượng xuất nhập khẩu tốt hơn so với năm ngoái, sản lượng đơn hàng của doanh nghiệp cảng biển cao hơn cộng với giá trị cước cao sẽ tạo đà tăng cho lợi nhuận năm nay của doanh nghiệp”, ông Minh dự báo.
Thiết lập nền lợi nhuận mới
Với khởi đầu tích cực, một số doanh nghiệp đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022 theo hướng cao hơn.
Đơn cử, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Gemadept diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, Ban Tổng giám đốc Công ty đã đăng ký thêm chỉ tiêu phấn đấu, với doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 3.850 tỷ đồng và 1.200 tỷ đồng, tức tăng 50 tỷ đồng về doanh thu và 100 tỷ đồng về lợi nhuận so với kế hoạch ban đầu (trước đó mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, tăng 19% và 24% so với thực hiện năm ngoái).
Nếu đạt được kế hoạch lợi nhuận trước thuế phấn đấu 1.200 tỷ đồng thì 2022 sẽ là năm thứ hai liên tiếp Công ty đạt mức tăng trưởng trên 50%.
“Năm 2022, doanh nghiệp cảng biển sẽ thiết lập một nền lợi nhuận mới”, VCBS nhận định.
Trong khi đó, Cảng Hải An dự kiến lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm nay đạt 550 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với mức thực hiện năm 2021, nhưng mới hết quý I đã hoàn thành 48% mục tiêu lợi nhuận.
Giới phân tích đánh giá, doanh nghiệp cảng biển đang có nguồn lực tài chính dồi dào sau giai đoạn hưởng lợi về giá cước, có điều kiện gia tăng thêm đội tàu, qua đó giảm áp lực kinh doanh khi giá cước được dự báo sẽ hạ nhiệt trong năm nay.
Trong báo cáo chiến lược tháng 5 mới phát hành, SSI Research đánh giá, trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng bởi quan ngại của nhà đầu tư cá nhân liên quan tới những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Một số cổ phiếu được khuyến nghị nên nắm giữ ở thời điểm này, trong đó có cổ phiếu GMD, HAH, VSC.
“Nhìn về các chỉ số, nhà đầu tư có thể yên tâm ở nhóm cổ phiếu cảng biển, logistics”, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định.
Tại Gemadept, cảng Gemalink kỳ vọng có thể đạt mức 1,4 triệu TEU trong năm 2022 và mang về lợi nhuận 18 triệu USD, tạo sức bật đáng kể cho Công ty. Bên cạnh đó, cảng Gemalink sẽ giúp hoàn thiện hệ sinh thái của Gemadept, thúc đẩy sản lượng và các dịch vụ gia tăng cho các cảng vệ tinh như Phước Long ICD, cảng Bình Dương và cụm cảng phía Bắc. Nhờ đó, tăng trưởng doanh thu và biên lợi nhuận đang được cải thiện tích cực.
Đặc biệt, với kỳ vọng thoái vốn các dự án trồng cây cao su có thể được thực hiện trong năm 2022, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Gemadept có thể đạt 1.215 tỷ đồng, tăng 50%.
Gemadept đang tăng cường đầu tư phương tiện thiết bị hiện đại, triển khai các dự án chiến lược, trọng điểm là dự án cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 và cảng Gemalink giai đoạn 2.
Dự án cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 được khởi công từ tháng 12/2021, đến nay đã hoàn thành trên 25% khối lượng thi công. Còn Dự án cảng Gemalink giai đoạn 2 sẽ được triển khai ngay khi điều kiện cho phép. Khi hai dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động (dự kiến trong năm 2024 - 2025), năng lực khai thác cảng của Gemadept sẽ tăng lên gấp đôi.
Gemadept cũng cho biết đang tiếp tục nghiên cứu mở rộng hoạt động nhà ga hàng hoá hàng không và cả logistics hàng không tại Long Thành, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Năm nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam (mã VSC) đặt kế hoạch doanh thu đi ngang so với thực hiện của năm ngoái, đạt 1.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng (tăng 4%). Công ty đang có kế hoạch góp vốn tại công ty con GLC để mua lại cảng cạn Quảng Bình - Đình Vũ (Hải Phòng).
Công ty dự kiến hoàn tất mua lại và bắt đầu hợp nhất kết quả kinh doanh ngay từ quý III năm nay. Theo đánh giá, sau khi hoàn thành kế hoạch đầu tư, VSC về cơ bản sẽ hoàn thành hệ thống logistics hàng hải có quy mô hàng đầu cả nước.
Chiến lược tập trung đầu tư trên địa bàn Hải Phòng giúp khai thác tốt hiệu quả dịch vụ bổ trợ từ các đơn vị thành viên, đối tác chiến lược và gia tăng lợi thế địa phương, qua đó nâng cao vị thế đàm phán, khả năng giành quyền phát triển dự án mới và mua lại các doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong khi đó, Cảng Hải An có 10 tàu trong năm 2022 và có kế hoạch đóng mới 4 tàu trong năm 2023 – 2024. SSI kỳ vọng công ty này sẽ duy trì tăng trưởng lợi nhuận cao trong giai đoạn 2022 - 2023, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lần lượt đạt 744 tỷ đồng năm 2022, tăng trưởng 67% và 902 tỷ đồng trong năm 2023 (tăng trưởng 21%).
Tình trạng tắc nghẽn cảng trên thế giới cũng gây áp lực với các doanh nghiệp cảng biển. Với Gemadept, việc lịch tàu thay đổi liên tục đang gây áp lực cho các cảng trong việc tổ chức kế hoạch làm tàu và hợp lý chi phí.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho rằng, với công suất thiết kế lớn, cảng Nam Đình Vũ luôn sẵn sàng đáp ứng được lịch tàu và gia tăng sản lượng thông qua. Cảng cũng sẽ tận dụng tối đa lợi thế về cầu bến để thu hút thêm các hãng tàu mới.
Hiện trên thị trường, một số cổ phiếu nhóm cảng biển chịu áp lực chung của đà giảm chung, nhưng với mục tiêu đầu tư dài hạn và đầu tư giá trị, đây là nhóm ngành nhà đầu tư có thể đặt kỳ vọng khi kết quả kinh doanh năm nay tăng trưởng tích cực.
#Cangbien #GMD #HAH #tintuc
Chia sẻ thông tin hữu ích