Khôi phục nguồn nước ngầm
Theo các chuyên gia, sau một thời gian khai thác tràn lan, đất nền tại cả TP.HCM và ĐBSCL cùng nhiều vùng khác trên cả nước đang rơi vào tình trạng thiếu nước ngầm nghiêm trọng.
Biện pháp duy nhất hiện nay là sử dụng nguồn nước mưa để trả lại nước ngầm cho đất, ngăn chặn tình trạng sụt lún, ngập lụt đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh cho rằng sau khi có lộ trình ngưng được việc sử dụng nước ngầm, cần tính đến giải pháp phục hồi nước ngầm bằng cách bơm nước sạch, bổ sung cho mạch nước ngầm. Ở Tokyo (Nhật Bản) đã chứng minh, sau hơn 20 năm cấm khai thác, nguồn nước ngầm đã có dấu hiệu hồi phục và mặt đất cũng tự trồi lên. Trong tương lai, ĐBSCL khó giữ được sự chủ động về nguồn nước khi thời tiết ngày càng thất thường, thủy điện ngăn dòng khiến nguồn nước thiếu ổn định. “Nên chăng chúng ta cần đầu tư mạnh hơn cho những nghiên cứu lọc nước biển thành nước ngọt cung cấp cho chính người dân” - ông gợi ý.
Đồng quan điểm, GS-TS Nguyễn Văn Đạt, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật xây dựng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM hiến kế ĐBSCL có thể tận dụng nguồn nước biển dồi dào để làm đầy các tầng ngầm, hồi sinh các con sông cổ đã bị khai thác quá nhiều. Lưu lượng khai thác nước ngầm ngày càng tăng cao là do ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, khiến người dân không đủ lượng nước ngọt cần thiết để phục vụ sinh hoạt, canh tác. Nếu có thể áp dụng các biện pháp ngọt hóa nước biển đủ cung cấp cho người dân thì sẽ chẳng còn ai khai thác nước ngầm nữa.
"Nguồn nước biển sau khi được ngọt hóa sẽ được dẫn vào hệ thống sông ngòi khắp ĐBSCL, vừa cung cấp cho người dân sinh hoạt, phục vụ canh tác, vừa có thể cung ứng thêm sản phẩm cho ngành du lịch khi có thêm các du thuyền được trang bị tiện nghi phục vụ du lịch sinh thái" - ông Đạt nói và nhấn mạnh cần xem xét nước biển ở ĐBSCL cũng như nước mưa, triều cường ở TP.HCM là tài nguyên hữu ích, có thể tận dụng để chống ngập và phục vụ cho nhiều mục đích gần xa.
“Tại TP.HCM có thể làm một mạng lưới các hố ga chứa nước mưa. Từ đây, nước mưa sẽ chảy vào hệ thống ống đặt ven đường, ra sông, rạch, nơi có hồ chứa khu vực để tạo mảng xanh đô thị”, GS-TS Nguyễn Văn Đạt đề xuất và dẫn giải, hướng đến của mạng ống này còn có thể là các trụ PCCC ở các khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, siêu thị, khu dân cư…, nơi có công nghệ xử lý nước mưa thành nước sinh hoạt để cấm khai thác nước ngầm; về ngoại thành đáp ứng nhu cầu tưới tiêu hay trở thành một kho chứa nước như các hồ. Người dân ở các tỉnh lân cận cũng có thể dùng lượng nước mưa thu được để xây dựng các hồ nuôi thủy sản, nâng cao thu nhập.
Song song với mạng lưới ống này có một nhánh hút nước từ triều cường có đường kính lớn hơn hút từ những hố ga lớn hơn. Một phần hòa nhập vào mạng nước mưa, một phần hướng vào hồ chứa ở ngoại ô. Những vị trí trọng điểm như đường Nguyễn Hữu Cảnh cần có thiết kế riêng để ống nước dẫn thẳng ra sông và phải có đối sách với triều cường. Nước mưa từ hố ga có thể chảy vào hệ thống ống nhờ lệch cao trình nên không cần ống có đường kính lớn, chỉ khoảng 600 mm là phù hợp. Do đây không phải hệ thống kênh hở nên hoàn toàn không tốn đất. “Tóm lại, chống ngập TP cần một hệ thống ống nhựa xuất phát từ các khu trung tâm đến những nơi có nhu cầu sử dụng và những nơi có nhiệm vụ tích trữ nước mưa là các hố thu, hồ chứa”, ông nêu quan điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận