Khôi phục dần hoạt động du lịch?
Dịch bệnh khiến du lịch tiếp tục phải “đóng cửa”, nhiều doanh nghiệp ngành này kiệt quệ và có nguy cơ phá sản. Chuyên gia cho rằng, địa phương nên mở một phần đón du khách để du lịch tồn tại thay vì đóng cửa hoàn toàn.
Sang năm 2021, sau đợt bùng phát dịch bệnh lần 3 hồi đầu năm, du lịch cả nước hy vọng sẽ phục hồi vào mùa hè - mùa cao điểm du lịch nhưng đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã giáng một đòn khiến ngành du lịch tiếp tục kéo dài chuỗi ngày bế tắc. Lãnh đạo các doanh nghiệp vận tải du lịch, khách sạn, lữ hành chơi vơi bên bờ vực phá sản.
Là loại hình kinh doanh gắn liền với du lịch nên khi du lịch suy yếu, khách sạn chính là những nạn nhân trực diện của COVID-19. Quá nhiều khách sạn được rao bán hoặc hoạt động cầm chừng.
Còn các ngành dịch vụ khác như vận tải du lịch cũng chung cảnh ngộ. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty lữ hành Thiên Thảo Nguyên chia sẻ, hơn 20 năm làm nghề dịch vụ du lịch chưa bao giờ doanh nghiệp lại khó khăn như hiện nay. Công ty với hàng trăm xe gắn biểu tượng con báo đen từng chở hàng triệu du khách đến các điểm du lịch khắp dải đất hình chữ S, thậm chí còn sang nước bạn Lào, nay nằm im một chỗ.
“Dịch bùng lên lần 1,2,3, doanh nghiệp còn quỹ dự phòng trả lương công nhân phân cấp bậc 2-4 triệu/tháng nhưng đến đợt dịch lần thứ 4 này, doanh nghiệp không còn nguồn quỹ nào để chi trả. Giờ tiền bến bãi hằng ngày cũng là gánh nặng với doanh nghiệp, bởi 2 năm nay hết đợt dịch này đến đợt khác khiến ngành vận tải du lịch tê liệt hoàn toàn”, anh Tùng nói sau tiếng thở dài.
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi COVID-19. Các doanh nghiệp trong ngành đã cố gượng dậy sau năm 2020, kỳ vọng vào dịp Tết 2021. Tuy nhiên, sang năm nay dịch bệnh lại bùng phát. Lượng khách đặt tua dịp Tết 2021 giảm mạnh, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch gặp khó khăn về tài chính, không có doanh thu, kiệt quệ. Rồi dịch tiếp tục bùng phát vào cao điểm hè 2021 khiến doanh nghiệp trên bờ vực phá sản.
Có tới 90% doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn không hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp làm dịch vụ đại lý tua, đại lý bán vé phần lớn cho 100% lao động nghỉ việc. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải cho 60-90% nhân sự nghỉ việc không lương. Các doanh nghiệp này đang cố gắng kích cầu nội địa để duy trì việc làm cho bộ phận nhân sự chủ chốt.
Khoanh vùng du lịch để cứu doanh nghiệp
Nhiều địa phương bắt đầu mở cửa du lịch với tiêu chí vừa chống dịch vừa phát triển. Tại Quảng Ninh, trước mắt các điểm du lịch chỉ đón khách nội tỉnh trên cơ sở có kiểm soát và duy trì nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Mở cửa trong thời điểm vàng du lịch hè là giải pháp hiệu quả phục hồi lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đồng thời là tiền đề mở rộng thị trường khách du lịch ở các địa bàn an toàn trong cả nước thời gian tới.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, cho biết: “Sở đã đề nghị các đơn vị, địa phương lựa chọn các địa điểm, sản phẩm thực sự đặc sắc để thu hút khách, nhất là tranh thủ thời điểm vàng mùa du lịch hè. Cùng với đó, các địa phương rà soát khu du lịch, cơ sở dịch vụ thông qua việc kiểm tra, giám sát đảm bảo điều kiện tốt nhất, an toàn nhất cho du lịch phát triển”.
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu ngành du lịch, các địa phương trong tỉnh phải xét lại một cách căn cơ, nắm rõ cụ thể tình hình hoạt động từng doanh nghiệp, cơ sở để chuẩn bị phương án kích hoạt lại các hoạt động du lịch, phù hợp với tình hình mới. Lãnh đạo tỉnh này chỉ đạo phải gắn trách nhiệm của các địa phương, doanh nghiệp, chủ các cơ sở kinh doanh trong việc vừa khai thác du lịch trở lại, vừa phòng chống dịch hiệu quả. UBND tỉnh còn yêu cầu, sau khi có các giải pháp đón khách nội tỉnh và ngoại tỉnh, ngành du lịch cũng phải lên kế hoạch xây dựng các gói kích cầu mới và phục hồi lại những gói kích cầu đã có từ đầu năm; có chính sách quảng bá phù hợp.
Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang- Khánh Hòa cho biết, hè là cao điểm du lịch trong năm. Sau nhiều đợt bùng dịch, các doanh nghiệp có kinh nghiệm an toàn cho du khách. Ngành du lịch gần 2 năm qua kiệt quệ. Nếu giờ đây, các địa phương không mở cửa cho khách từ tỉnh khác (trừ khách từ vùng dịch), du lịch sẽ đóng băng. “Chúng ta nên vừa chống dịch vừa đón du khách và đã đến lúc mở cửa du lịch một phần để các doanh nghiệp phục hồi”, ông Vinh nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận