Khối nội bất an!
VN-Index giảm sâu trong phiên giao dịch đầu tuần 30/3/2020 (giảm 33,8 điểm, còn 662,26 điểm), nhưng điểm tích cực là áp lực bán ròng của khối ngoại đang có xu hướng giảm đáng kể.
Trong tuần vừa qua, giá trị bán ròng của nhà đầu tư ngoại trên sàn HOSE chỉ còn 1.352 tỷ đồng, giảm tới 55% so với giá trị bán ròng tuần trước đó.
Tâm lý nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu bình tĩnh trở lại sau chuỗi 33 phiên bán ròng liên tiếp, thể hiện qua việc giá trị bán giảm và có những mã chứng khoán được khối ngoại quay lại mua như VNM, E1VFVN30, HPG, VIC… và nhiều mã có giá trị mua bán khá cân bằng như FPT, MBB, POW, PNJ….
Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư nội lại có phần không giữ được bình tĩnh. Thông tin liên tục về số ca nhiễm Covid-19 phát sinh từ Bệnh viện Bạch Mai cũng như các ca nhiễm mới tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM khiến nỗi lo lắng tràn ngập trong các nhà đầu tư.
Lo nhất là khả năng bị gián đoạn sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp nếu biện pháp cách ly, phong tỏa trên diện rộng phải áp dụng để đảm bảo an toàn sinh mạng cho người dân.
Trên sàn, nhiều cổ phiếu giao dịch ở vùng giá thấp, tiếp tục thủng đáy lịch sử và giao dịch vùng giá thấp hơn. Áp lực bán giải chấp lại xuất hiện ở nhiều mã trụ - cổ phiếu lớn, đã tác động mạnh vào đà suy giảm của thị trường.
Ðặc biệt, nhóm cổ phiếu có độ tương quan mạnh với TTCK đang giao dịch vùng giá thấp chưa từng có. Mã SSI thủng đáy 12.500 đồng/cổ phiếu, hiện giao dịch vùng giá 11.650 đồng/cổ phiếu; VND giao dịch vùng giá 11.200 đồng/cổ phiếu, HCM giao dịch vùng giá 11.600 đồng/cổ phiếu...
Trong khi đó, nhiều chỉ báo kỹ thuật cho thấy các cổ phiếu đang ở hiện trạng quá bán kéo dài và ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm.
Với mức giá quá bán như vậy, thời điểm nhà đầu tư trong nước thay đổi trạng thái tâm lý, chẳng hạn khi dịch bệnh có diễn biến khả quan, sẽ là điểm tựa cho đợt hồi phục mạnh mẽ của giá cổ phiếu.
Lịch sử đã chứng minh TTCK thường giảm giá vì nguyên nhân nào thì sẽ lên với nguyên nhân đó.
Theo đó, dù tâm lý chung là bi quan, nhưng có không ít nhà đầu tư vẫn kỳ vọng, bằng các biện pháp nhanh và kịp thời của Chính phủ, Việt Nam sẽ sớm kiểm soát việc dịch lây lan ra cộng đồng.
Những người lạc quan cũng kỳ vọng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt để giảm thiểu tình trạng đứt gãy trong sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong thông điệp mới đây về Hội nghị của Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam có khoảng 30 tỷ USD vốn đầu tư công cần giải ngân cho năm 2020 và Thủ tướng đề nghị nghiên cứu một gói nữa từ trái phiếu chính phủ để kích cầu.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các giải pháp hỗ trợ vốn, giảm lãi suất, trong đó tiếp tục nghiên cứu việc cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0% hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động…
Dù dịch bệnh chưa thể kết thúc và chưa biết thời điểm nào sẽ kết thúc, nhưng TTCK luôn có những cơ hội tốt khi lợi tức cao và rủi ro thấp hơn các cơ hội khác.
Không khó để tìm ra các cổ phiếu sắp được nhận cổ tức tiền mặt ở mức cao hơn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng, nhưng lại đang giao dịch với thị giá thấp hơn nhiều giá trị sổ sách.
Ðây là cơ sở để nhà đầu tư chọn lựa vào danh mục đầu tư khi thị trường có thể quay lại đà tăng và đặc biệt là cơ hội cho nhà đầu tư giá trị, những chủ thể mà tâm lý không bị rơi theo tâm lý đám đông trên thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận