24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Anh Giang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khối ngoại sẽ quay lại mua ròng khi rủi ro toàn cầu hạ nhiệt

Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn riêng nhờ kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, kiểm soát tốt dịch Covid-19, khả năng nâng hạng, hay tốc độ cổ phần hóa sẽ được đẩy nhanh … Do đó, kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại Việt Nam khi các yếu tố rủi ro toàn cầu hạ nhiệt.

Đây là nhận định của ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) khi trao đổi với phóng viên TBTCO về diễn biến giao dịch của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.

Khối ngoại sẽ quay lại mua ròng khi rủi ro toàn cầu hạ nhiệt
"Dù biến động trong ngắn hạn là khó lường, tôi đặt kỳ vọng cao vào xu hướng tăng giá của thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn, ngay cả trong kịch bản động thái bán ròng của khối ngoại vẫn duy trì" Ông Trần Đức Anh
*PV: Khối ngoại bán ròng mạnh trong thời gian gần đây, vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

- Ông Trần Đức Anh: Động thái bán ròng dồn dập của khối ngoại trong vài tuần gần đây đã có những tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư trong nước. Dù vậy, quan sát thực tế cho thấy khối ngoại thời gian qua đẩy mạnh bán ròng không chỉ ở thị trường chứng khoán Việt Nam, mà còn ở hầu hết các thị trường mới nổi trong khu vực (Thái Lan, Malaysia, Philippines…) với các nguyên nhân mang tính chất khách quan.

Trong đó, chúng ta có thể kể đến 2 nguyên nhân chính là: lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm đảo ngược chính sách tiền tệ trước áp lực lạm phát, lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ tăng; chính sách tiền tệ và tài khoá siêu nới lỏng kết hợp với kỳ vọng vào đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 khiến các thị trường phát triển đang trở nên hấp dẫn hơn và thu hút dòng vốn toàn cầu.

*PV: Ông đánh giá thế nào về sự tác động của việc khối ngoại bán ròng tới thị trường chung? Trong trung hạn, ông nhận định về diễn biến giao dịch khối ngoại như thế nào?
- Ông Trần Đức Anh: Như tôi đã chia sẻ ở trên, việc khối ngoại bán ròng trong thời gian qua, không chỉ ở thị trường chứng khoán Việt Nam mà ở hầu hết các thị trường mới nổi, chủ yếu đến từ các lí do khách quan. Trên thực tế, các so sánh tương đối cho thấy áp lực bán ròng trên thị trường Việt Nam yếu hơn đáng kể so với các thị trường lân cận như Malaysia, Thái Lan, Philippines… và không có tác động quá lớn đến biến động chỉ số VN-Index.

Về tổng thể, tôi cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn riêng nhờ một nền kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng tốt, Chính phủ kiểm soát tốt dịch Covid-19, kỳ vọng vào câu chuyện nâng hạng thị trường, hay tốc độ cổ phần hóa được đẩy nhanh trong thời gian tới… Theo đó, tôi kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam khi các yếu tố rủi ro toàn cầu hạ nhiệt và xu hướng rút ròng ở các thị trường mới nổi, cận biên chấm dứt.

*PV: Dù khối ngoại bán ròng mạnh trên thị trường cổ phiếu, nhưng vẫn mua ròng ở thị trường trái phiếu; đồng thời các chỉ số vẫn duy trì xu thế tăng điểm, thanh khoản vẫn ở mức cao. Ông có bình luận gì về diễn biến này?
- Ông Trần Đức Anh: Khác với các giai đoạn trong quá khứ, giao dịch khối ngoại trên thị trường cổ phiếu ở thời điểm hiện tại đã không còn có tác động quá lớn đến diễn biến chung, khi mà dòng tiền trong nước hoàn toàn có khả năng hấp thụ tốt.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại đang được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất thấp và kỳ vọng vào tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp trong năm 2021 bứt phá từ mức nền thấp năm 2020 do tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, dù biến động trong ngắn hạn là khó lường, tôi đặt kỳ vọng cao vào xu hướng tăng giá của thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn, ngay cả trong kịch bản động thái bán ròng của khối ngoại vẫn duy trì.

Đối với thị trường trái phiếu, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng trên thị trường thứ cấp là điều có thể hiểu được khi mà lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines… trong khi tình hình kinh tế, chính trị, cũng như giá trị đồng nội tệ ổn định hơn tương đối.

*PV: Trong khi khối ngoại giao dịch không thuận trên thị trường, thì dòng vốn ngoại vào qua ETF tích cực (trừ VFM ETF bị rút trong tháng 2); đặc biệt là thông tin dòng tiền từ quỹ ETF Đài Loan. Ông đánh giá thế nào về dòng tiền này trong thời gian tới?
- Ông Trần Đức Anh: Đối với giao dịch của khối ngoại ở các quỹ ETFs, ngoại trừ chứng chỉ quỹ FUEVFVND mô phỏng theo chỉ số VNDiamond được khối ngoại mua ròng đột biến, thì nhìn chung các giao dịch của khối ngoại ở các quỹ ETFs còn lại không quá ấn tượng. Nguyên nhân FUEVFVND thu hút mạnh sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại có lí do chính là do chứng chỉ quỹ này đã đánh đúng vào nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài là giúp gia tăng khả năng tiếp cận, sở hữu gián tiếp các cổ phiếu đã kín room ngoại.

Trong khi đó, thông tin về dòng tiền đến từ quỹ ETFs Đài Loan cũng có các ảnh hưởng tích cực nhất định, tuy nhiên số tiền quỹ này đổ vào là không quá lớn so với quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam ở thời điểm hiện tại, do đó, mức độ ảnh hưởng là không đáng kể.

*PV: Xin cảm ơn ông!
Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả