Khởi nghiệp hay đi làm thuê?
Một nhóm quản lý trẻ và sinh viên Trung Quốc tại California tổ chức một buổi networking và mời 3 vị “mentors” để thảo luận về 3 đề tài khác nhau. Họ để tôi bắt đầu với câu hỏi về sự khác biệt giữa việc “tự khởi nghiệp hay đi làm công”?
Không có thì giờ chuẩn bị cho bài nói chuyện, nên tôi phải moi móc suy nghĩ và kinh nghiệm cá nhân, và phải thưa trước với diễn đàn là tổng kết của tôi có thể mang nhiều thiếu sót
Thực sự, cốt lõi của bài toán là “mục tiêu cá nhân” và “sự phù hợp với cá tính” của từng người. Nếu việc kiếm tiền là điều quan trọng nhất trong quan niệm sống thì phải nhớ là cả hai con đường đều có thể mang đến sự giàu có mà bạn không hình dung nổi nếu thành công như mong muốn. Cái khác biệt chính yếu là sự tự do.
Có người sẽ thích một chuyến lữ hành êm đẹp, lười biếng… như đi du lịch qua tours. Không gì ngạc nhiên quấy rầy chương trình đã định. Có người thì thích tự lên lịch để khám phá các con đường ít ai đi và để "hên xui" làm người dẫn đường. Cuối cùng, luôn luôn có người thoả mãn với quyết định của mình và có người cho là mình đã sai trái với lựa chọn.
Một chiến lược mang thành công cho nhiều người là đi làm công trong một thời gian để học kỹ năng, tạo mạng lưới quan hệ, lấy uy tín… rồi ra khởi nghiệp.
Do đó, khi bắt đầu hành trình, phải biết rõ mục tiêu và cá tính của mình hơn cũng như phải sẵn sàng trả giá cho những đòi hỏi khác nhau, từ vật chất đến tinh thần. Không ai có thể tư vấn chính xác cho mình về câu hỏi này. Và không ai có thể minh định là bạn sẽ thành công hay thất bại ở cuối chặng đường. Nhưng chuẩn bị là yếu tố quan trọng khi gặp được cơ hội.
Sau khi đã quyết định về phần căn bản, bạn sẽ đối diện với những thử thách và chi tiết thực hiện, đôi khi trái ngược hẳn với những dự đoán và tình huống thông thường. Việc tìm giải pháp và khả năng xử lý sẽ quyết định kết quả tối hậu.
Những vấn nạn thường gặp khi làm chủ một doanh nghiệp thay vì đi làm công có thể tóm lược như sau:
1. Doanh nghiệp phải tự điều hành
Theo định nghĩa của tôi, một doanh nghiệp đúng nghĩa và lý tưởng là một tổ chức tự điều hành, tự tăng trưởng, tự sinh lợi mà không cần đến chủ. Sau một thời gian khởi nghiệp và nuôi dưỡng, người sáng lập doanh nghiệp có thể rời bỏ tổ chức mà không phương hại đến hoạt động. Như vậy mới là đạt được mục tiêu tối hậu: sự tự do. Nếu phải ôm lấy công ty suốt ngày dù không còn động lực hay ý thích, thì thực ra bạn đã tạo cho mình một “công việc”, không phải một “doanh nghiệp”.
Do đó, bạn phải cố gắng từ ngày đầu, tạo một tổ chức, từ nhân sự đến cơ sở và phương thức quản trị, sao cho vai trò điều hành trực tiếp của bạn càng ngày càng trở nên không cần thiết. Bạn phải làm sao để sản phẩm công ty tự tiếp thị bằng thương hiệu, công nghệ hay hệ thống. Khi Microsoft tự điều hành, Bill Gates mới có “tự do” để đi làm từ thiện như đam mê sau này.
Hãy nhớ câu nói của một doanh nhân nổi tiếng, "Công ty bạn không thể vĩ đại trừ khi nó tự vĩ đại mà không cần bạn - Your company can not be great unless it is great without you.”
2. Luôn luôn phải lên kế hoạch
Khi bạn làm việc cho một công ty, phần lớn họ đã có sẵn một kế hoạch kinh doanh tổng thể và đã tạo được những cơ chế vận hành hữu hiệu. Ở những công ty lớn đa quốc, kế hoạch là nhóm chuyên gia làm nghiên khảo về đủ mọi vấn đề và đề nghị giải pháp lên cấp trên.
Người chủ doanh nghiệp thường vấp ngã và làm những quyết định kém cỏi vì thiếu thì giờ cũng như chuyên viên để lên kế hoạch. Tầm nhìn bị giới hạn tạo ra những lạc quan vô lối vì thiếu sót một kế hoạch kinh doanh bài bản khi khởi nghiệp. Họ thường đổ lỗi cho việc thiếu tiền để đốt ngắn nhu cầu tối ưu này.
Sau khi bắt tay vào việc, chủ doanh nghiệp nhỏ thường không có nguồn lực để điều nghiên các công nghệ đột phá, cách làm sáng tạo của những đối thủ, sự thay đổi về ý thích của người tiêu dùng… nên kế hoạch điều chỉnh các hoạt động của công ty gần như không có. Dựa vào thành công của những chiến thuật trong quá khứ không bảo đảm cho hiệu năng bền vững sau này. Sự tụt hậu sẽ lần hồi lan toả.
Jim Rohn có nói, "Nếu bạn không thiết lập kế hoạch cho mình, bạn sẽ làm theo kế hoạch của người khác. Và đoán thử kế hoạch đó như thế nào: KHÔNG CÓ GÌ CẢ - If you do not design your own plan, chances are you will fall into someone else is plan. And guess what they have planned for you? Nothing”
3. Luôn luôn phải chăm chú vào mục tiêu
Mỗi ngày, khi ngồi vào bàn làm việc, bạn phải bỏ hết thì giờ làm cho xong những việc đã giao phó, với mục tiêu đã định rõ từ người chủ. Ngay cả CEO của một công ty đại chúng lớn cũng phải chăm chú vào mục tiêu sao cho lợi nhuận quý này, năm này đạt chuẩn để cổ phiếu không tụt giá và ban quản lý bị cho thôi việc.
Áp lực “focus” này sẽ không đè nặng trên vai người chủ doanh nghiệp, nhất là khi ông bà ta đã kiếm được một chút positive cash flow (dòng tiền lưu chuyển dương). Đây là thời điểm mà quản lý doanh nghiêp hay thả nổi và chạy theo những bầy đàn của lợi nhuận siêu tốc, vài sĩ diện hảo và các đầu cơ mạo hiểm. Tóm lại, khi công ty sẽ đối mặt với nhiều rủ ro nhất trong nguy cơ tụt hậu.
Để tránh tình huống nguy hiểm này, chủ doanh nghiệp phải chăm chú vào những chuyện có thể là nhàm chán trong hoạt động hàng ngày: xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị của sản phẩm, tìm kênh tiếp thị mới, cải tiến cơ chế, sàng lọc nhân tài hay gây thêm quỹ vốn, tạo sức mạnh mới cho tài chánh…
Khi có chút thành công, chủ doanh nghiệp không thiếu những cám dỗ từ cơ hội mới hay bạn bè mới. Nhưng nếu xao lãng các nhiệm vụ phải làm cho mục tiêu chính yếu ban đầu của công ty, người chủ có thể mất cả chì lẫn chài.
4. Thất bại không thể là một lựa chọn
Một người làm công với đầy đủ kỹ năng và kinh nghiệm có thể bỏ việc ngang và tìm cơ hội khác. Có thể họ chỉ mất vài tháng không lương và lại tiếp tục mọi phúc lộc đang được hưởng thụ. Nhưng người chủ doanh nghiệp không may mắn đến vậy.
Khi bỏ cuộc, ngoài chuyện mất hết tài sản đã ký cóp xây đắp bao nhiêu năm, họ còn đánh mất mọi danh dự và tự trọng trong mắt rất nhiều người thân: từ gia đình bạn bè đến nhân viên đối tác hay khách hàng. Nặng nề nhất là trách nhiệm với những “skateholders” đã đầu tư nhiều công sức và tiền bạc vào doanh nghiệp.
Tinh thần “không thể thua” khi khởi nghiệp là một động lực tốt; nhưng nó cũng là một áp lực quá lớn sẵn sàng huỷ diệt hạnh phúc gia đình, sức khoẻ cá nhân, tinh thần an bình và làm thay đổi nhiều cá tính đáng yêu.
Như trong thánh kinh Thiên Chúa Giáo, "Tốt gì khi chúng ta có thể chiếm đoạt thế giới, nhưng phải trao đổi bằng linh hồn mình?"
5. Phải biết sống cô đơn và tự tạo động lực
Mặc cho những tiếng cười thâu đêm trong các dạ tiệc, mặc cho những hào nhoáng vật chất khoác lên thân mình 24/7, mặc cho những chiêu PR bao quanh hàng ngày… không ai cô đơn nhiều hơn một doanh nhân, khi thành công hay khi thất bại. Tôi chia sẻ nhiều lần với các bạn doanh nhân trẻ là đừng bao giờ than vãn hay khoe khoang với bất cứ ai, dù “bạn bè”. Nếu mình thua, họ sẽ hể hả trong lòng; nếu mình thắng, họ sẽ ghen tị. Hollywood có câu nói, “đừng bao giờ để bọn chúng thấy mình đổ mồ hôi (do not let them see you sweat)”.
Tổng Thống Truman thì thực tế hơn, "Nếu bạn cần một người bạn, hãy nuôi một con chó". Trong cái cô đơn trên đỉnh hay dưới đáy đó, bạn phải tự tạo một động lực cho mình để tiếp tục đi tới hay đứng dậy. Đây là điều khó khăn nhất người chủ doanh nghiệp phải đối diện.
Tôi chỉ biết lập lại lời khuyên của Nữ hoàng trắng với Alice, "Khi bạn bước ra ngoài để trực diện quái thú đó… bạn phải bước đi một mình - When you step out to face that creature… you must step out alone" - Alice in Wonderland.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận