Khối ngân hàng bắt đầu chịu áp lực giảm lợi nhuận
Tuy kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm, song lợi nhuận ngân hàng bắt đầu điều chỉnh do áp lực giảm lãi vay và tăng dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu.
Giảm lãi vay để hỗ trợ khách hàng
Nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, kể từ ngày 15/7, các ngân hàng đã giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay. Kết quả, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 16 ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay đến hết năm 2021, với tổng tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.
Đơn cử, Agribank đã giảm số tiền lãi vay cho khách hàng là 4.726 tỷ đồng, BIDV là 1.032 tỷ đồng, VietinBank là 857 tỷ đồng, Vietcombank là 943 tỷ đồng. Khối các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã thực hiện giảm lãi vay cho khách hàng, khi MB giảm tiền lãi 550 tỷ đồng; Techcombank giảm 155 tỷ đồng; ACB giảm 83 tỷ đồng...
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nếu phải giảm 1% lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu là khoảng 9,6 triệu tỷ đồng, thì con số lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng lên đến 96.000 tỷ đồng, tương đương 1/2 lợi nhuận toàn ngành năm 2020. Tuy nhiên, ông Lực cũng lưu ý, lợi nhuận nửa đầu năm nay, thậm chí cả năm ngoái của ngân hàng chưa phản ánh đúng hiệu quả hoạt động vì những con số lợi nhuận này phần nào đến từ giãn, hoãn trích lập dự phòng rủi ro theo các thông tư của NHNN, nợ xấu sẽ tăng lên vào cuối năm.
Công ty Chứng khoán Yuanta ước tính, lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý III/2021 có thể giảm 19% so với quý II, do tăng trưởng cho vay thấp, chi phí dự phòng dự kiến tăng 20%. Trong khi đó, biên lãi ròng (NIM) giảm do các ngân hàng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thu nhập phí trong quý III được kỳ vọng sẽ tăng, nhưng thu nhập lãi thuần có khả năng giảm 2% so với quý II/2021.
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý IV/2021 của Vụ Dự báo thống kê (NHNN), khác với xu hướng phổ biến trong các quý cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021 là “cải thiện nhẹ”, riêng trong quý III/2021, tình hình kinh doanh của hệ thống được các TCTD đánh giá là có chiều hướng “suy giảm” so với quý trước. Trong thời gian tới, có 54% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý IV và cả năm 2021, thấp hơn so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước (67,6-73,3%). Chỉ có 40,6% kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh quý IV sẽ tăng trưởng so với quý III.
Lần đầu tiên kể từ khi NHNN thực hiện điều tra Xu hướng kinh doanh theo quý (từ quý I/2014), hệ thống TCTD cho biết, lợi nhuận trước thuế cùng các kết quả hoạt động kinh doanh (thu nhập ròng từ lãi, thu nhập ròng từ phí và dịch vụ, thu nhập từ hoạt động tự doanh) trong quý điều tra có chiều hướng “suy giảm” so với quý trước.
Nhưng xét tổng thể cả năm 2021, 83,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 13,3% lo ngại lợi nhuận giảm.
Nỗi lo nợ xấu tiềm ẩn
Nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong quý III được các TCTD nhận định có chiều hướng tăng nhẹ so với quý II/2021.
Theo đó, có 50,5% TCTD nhận định mặt bằng rủi ro tăng trong quý III/2021, 33,7% dự báo tăng trong quý IV/2021 và 50,5% dự báo tăng trong cả năm 2021, cao hơn nhiều so với tỷ lệ các TCTD nhận định ở kỳ điều tra trước (tương ứng 27,2%, 23,3% và 39,8%).
Đồng thời, tỷ lệ TCTD nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng hiện tại ở “mức cao và khá cao” tiếp tục tăng từ mức 32,1% tại kỳ điều tra trước lên 46,5% ở kỳ điều tra này, ghi nhận mức cao nhất kể từ năm 2014. Dẫu vậy, các TCTD kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ “giảm nhẹ” trong quý cuối năm nay và trở về mức ổn định tính đến cuối năm 2021.
Phó thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú cũng bày tỏ lo lắng về việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng trong bối cảnh Covid-19.
Theo ông Tú, nếu không đảm bảo được điều hành vĩ mô, ổn định tiền tệ, để cho lạm phát lên 7-8% thì tất cả thành quả bao nhiêu năm đổ ra sông ra biển vì độ trễ của ngành ngân hàng có thể nửa năm, một năm. Ví như tái cơ cấu nợ, nhìn sổ sách thì tưởng đẹp, nhưng thực chất rất nhiều doanh nghiệp ở các ngành có khi 5 - 7 năm sau mới phục hồi. Họ gần như kiệt quệ, 80-90% giá trị tài sản, vốn liếng đều ở ngân hàng, tức là hoạt động bằng tiền vay.
Theo đánh giá của NHNN, hiện tại có 3,5-4 triệu tỷ đồng dư nợ đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh trong tổng số 9,6 triệu tỷ đồng dư nợ của toàn nền kinh tế.
Các chuyên gia phân tích của chứng khoán Yuanta cho rằng, lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2021 sẽ phần nào phụ thuộc vào khả năng thu hồi nợ từ những khoản nợ vay tái cơ cấu. Theo đó, nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) thấp sẽ phải tăng thêm dự phòng, từ đó làm giảm lợi nhuận trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, trong quý II/2021, hầu hết ngân hàng đều tăng trích lập dự phòng. Tổng dự phòng quý II đạt 33.400 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản tương đối cao, có thể khiến lợi nhuận chưa được phản ánh chính xác và làm tăng rủi ro tiềm ẩn nếu các ngân hàng không thu được các khoản lãi dự thu này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận