Khơi dậy tiềm năng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị về các giải pháp thiết thực nhằm phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành một trong các khu vực dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế.
"Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là tâm điểm hội tụ các điều kiện thuận lợi, cần giữ vững vai trò trung tâm kinh tế, là một trong hai đầu tàu lớn nhất và phát triển năng động của cả nước" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ do Chính phủ vừa tổ chức tại Hưng Yên.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vinh Phúc. Với diện tích tự nhiên khoảng gần 16.000 km2 (chiếm 4,7% cả nước), quy mô dân số hơn 16 triệu người (chiếm 17% cả nước), vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại với các huyết mạch quan trọng cả đường bộ, đường thủy, hàng không.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế của vùng tăng trưởng nhanh đứng thứ 2, chiếm gần 32% GDP của cả nước, thu ngân sách chiếm hơn 31%, xuất khẩu hằng năm chiếm hơn 30%, quy mô kinh tế luôn giữ tỷ trọng cao trong 4 vùng kinh tế trọng điểm cả nước.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân của vùng trong 3 năm qua đạt hơn 9%/năm, cao nhất trong các vùng kinh tế trọng điểm; trong đó, nổi bật nhất là Hải Phòng đạt 14,57%/năm.
Tổng GRDP của vùng năm 2018 chiếm tỷ trọng 31,73% GDP của cả nước, đứng thứ hai, sau vùng Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; trong đó, Hà Nội tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu với tỷ trọng đóng góp đạt gần 17% GDP cả nước. GRDP bình quân đầu người của vùng năm 2018 đạt 4.813 USD, gấp 1,86 lần mức trung bình cả nước.
Tại khu vực này, cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 3,7%. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đến hết năm 2018, toàn vùng có gần 77% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, cao nhất cả nước.
Cùng đó, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phát triển bứt phá với khoảng 7.000 dự án cấp mới và tăng thêm vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 32 tỷ USD...
Tuy nhiên, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Đó là, ngành dịch vụ hiện đang là lợi thế và đóng góp lớn nhất cho vùng nhưng tốc độ tăng trưởng chưa bền vững.
Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước đạt thấp hơn bình quân cả nước, phụ thuộc vào một số doanh nghiệp lớn của nước ngoài nên thiếu tính bền vững trước sự biến động của thị trường.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của một số địa phương trong vùng vẫn chỉ ở mức trung bình thấp của cả nước. Việc liên kết giữa doanh nghiệp FDI và trong nước chưa cao, mức độ nhận chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp trong nước còn thấp.
Việc điều phối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ chưa hình thành rõ ràng thể chế liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh. Việc lập, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc tại một số đô thị còn thiếu đồng bộ.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ không phải là một cơ quan chuyên trách, có chức năng quản lý nhà nước. Do đó, vùng chưa có địa vị pháp lý đầy đủ cũng như nguồn lực để hoạt động và điều phối sự phát triển chung; chưa được “trao quyền” trong việc quyết định các nguồn ngân sách cho dự án mang tính kết nối, liên kết địa phương.
Hoạt động của Hội đồng vùng phụ thuộc hoàn toàn vào bộ máy các cơ quan trung ương và địa phương, mức độ hoạt động mới dừng ở phối hợp.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho biết, vai trò động lực, đầu tàu với kinh tế cả nước của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ vẫn chưa xứng tầm. Chi phí thực hiện thủ tục hành chính vùng Bắc Bộ đang cao so với mặt bằng chung cả nước nên cần cắt giảm quy trình cải cách nội bộ trong các cơ quan Nhà nước.
Ngoài ra, việc quản lý tài nguyên, ô nhiễm môi trường và kiểm soát các lưu vực sông trong vùng chưa hiệu quả, nhất là hệ thống sông Bắc Hưng Hải, sông Cầu, Sông Nhuệ, sông Đáy, sông Luộc... Việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi được duyệt ở các cấp chưa được quan tâm sát sao. Việc giao đất và cho thuê đất theo hình thức đấu giá thực hiện còn hạn chế; việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án còn chậm…
Đề xuất các giải pháp để khắc phục các khó khăn, thách thức, phát huy tối đa lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trước tiên, cần xây dựng quy hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn, tích hợp đa ngành đối với sự phát triển, quy hoạch lại trên một tầm nhìn mới.
Cùng đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết phát triển kinh tế vùng. Đồng thời, khuyến khích đổi mới sang mô hình doanh nghiệp đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ, kết nối theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp quốc tế; đón đầu, khai thác sử dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0.
“Hơn hết, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương để quản lý tài nguyên, giải quyết ô nhiễm môi trường và kiểm soát các lưu vực sông hiệu quả” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Là địa phương đầu tàu trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất, Chính phủ cần sớm nghiên cứu tổ chức lập quy hoạch vùng làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố triển khai lập quy hoạch cấp tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030.
Từ đó, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ các nội dung quy hoạch trong tổng thể phát triển của vùng. Các địa phương trong vùng cần tiếp tục đề cao trách nhiệm và tính chủ động trong liên kết phát triển để cùng khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và toàn vùng.
Ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên kiến nghị sớm tháo gỡ những bất cập trong các văn bản luật, nhất là Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quản lý sử dụng tài sản công… Điều này nhằm huy động được nguồn lực của các tập đoàn kinh tế có nguồn tài chính lớn để giải phóng mặt bằng; tạo đất sạch để đấu giá xây dựng đô thị hiệu quả và tạo được nguồn lực lớn cho đầu tư hạ tầng liên vùng, tạo động lực phát triển.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho rằng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cần đi đầu về năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Tuy nhiên, cần tập trung vào đột phá để đảm bảo về năng suất thông qua ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thời gian tới, Hội đồng vùng cần thay đổi, tạo động lực cho các địa phương cùng chia sẻ tư duy.
Theo PGS. TS Nguyễn Mại, để phân vùng trở thành lực lượng quan trọng hơn cần có Trung tâm đầu tàu là Hà Nội. Trong phát triển vùng kinh tế, cần quy hoạch riêng cho Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị lớn của cả nước mà còn là trung tâm kinh tế lớn của cả vùng Bắc Bộ.
Các bộ, ngành, tỉnh trong vùng đã thảo luận, hiến kế giải "bài toán" liên kết vùng; đề xuất kiến nghị về môi trường đầu tư, kinh doanh và hạ tầng đô thị, giao thông, phát triển logistics, nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển dịch vụ du lịch... Mục tiêu là tạo đà để vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thành vùng công nghiệp hiện đại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các cơ quan liên quan, đề xuất về thể chế điều hành và mô hình vùng cụ thể, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp các ý kiến phát biểu, các đề xuất tại hội nghị, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các giải pháp thiết thực, nhằm phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành một trong các khu vực dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, là nòng cốt tiên phong trong thực hiện các đột phá mang tính chiến lược.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận